Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP: Chủ thể nâng cao hiệu quả hoạt động

NGUYỄN SỰ 13/10/2021 07:15

Dù đối mặt với hàng loạt khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và biến động thị trường, nhờ sự hỗ trợ từ nhiều phía, hầu hết chủ thể có sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP giai đoạn 2018 - 2020 đều hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả.

HTX Sản xuất dầu nguyên chất Bảo Tâm (Tam Ngọc, Tam Kỳ) đầu tư hệ thống máy móc hiện đại để nâng cao công suất hoạt động và chất lượng sản phẩm. Ảnh: N.S
HTX Sản xuất dầu nguyên chất Bảo Tâm (Tam Ngọc, Tam Kỳ) đầu tư hệ thống máy móc hiện đại để nâng cao công suất hoạt động và chất lượng sản phẩm. Ảnh: N.S

Từ sự đồng hành

Bà Nguyễn Thị Lệ Hằng - đại diện cơ sở sản xuất bột ngũ cốc dinh dưỡng Hằng Moon (Quế Thọ, Hiệp Đức) cho biết, năm 2017 gia đình bà bắt đầu chế biến sản phẩm bán ra thị trường. Tuy nhiên, việc sản xuất làm bằng thủ công nên sản lượng không nhiều.

Đầu năm 2020, cơ sở của bà đăng ký tham gia chương trình OCOP với sản phẩm bột ngũ cốc dinh dưỡng đặc biệt. Theo đó, bà Hằng đầu tư hơn 261 triệu đồng mua sắm trang thiết bị, mở rộng cơ sở sản xuất, đồng thời thiết lập bao bì - nhãn mác, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc, kiểm định chất lượng sản phẩm, xây dựng trang web giới thiệu sản phẩm.

“Khi chúng tôi hoàn thiện các hạng mục, những đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra và xét hỗ trợ sau đầu tư cho cơ sở hơn 163 triệu đồng. Cuối năm 2020, bột ngũ cốc dinh dưỡng đặc biệt Hằng Moon được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Nếu năm 2019 trở về trước, bình quân hằng tháng cơ sở bán ra thị trường khoảng 130kg bột ngũ cốc thì từ năm 2020 đến nay tiêu thụ 300kg/tháng. Từ khi được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao với chất lượng nâng cao, giá bán sản phẩm cũng tăng từ 250 nghìn đồng/kg lên 320 nghìn đồng/kg” - bà Nguyễn Thị Lệ Hằng chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết, với điều kiện địa phương miền núi còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua huyện nỗ lực triển khai thực hiện chương trình OCOP và đã đạt được kết quả khả quan.

Đến nay, Hiệp Đức đã có 5 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, bao gồm: tinh bột nghệ núi của Công ty TNHH Sản xuất - thương mại - dịch vụ Phương Nga, kẹo đậu phụng dẻo của hộ kinh doanh Trịnh Thị Mỹ Phước, nấm bào ngư sấy tẩm gia vị của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất - chế biến - tiêu thụ Nấm Nhì Tây, mầm đậu nành nguyên xơ của hộ kinh doanh Lương Thị Hương Sen, bột ngũ cốc dinh dưỡng đặc biệt Hằng Moon của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Chanh.

Giai đoạn 2018 - 2020, từ nguồn kinh phí do ngân sách trung ương và tỉnh phân bổ, ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương của huyện đã hỗ trợ khoảng 1,35 tỷ đồng cho các chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP để có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo tổng hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam, giai đoạn 2018 - 2020 toàn tỉnh có 206 sản phẩm của 171 chủ thể được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP; trong đó có 179 sản phẩm 3 sao và 26 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Để có được kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của các chủ thể, có sự tiếp sức mạnh mẽ từ nhiều phía.

Từ năm 2018 - 2020, ngân sách trung ương và tỉnh chi khoảng 285 tỷ đồng cho các ngành, địa phương tập huấn, hướng dẫn chu trình OCOP cho đội ngũ cán bộ các cấp và các chủ thể; tổ chức các diễn đàn, hội nghị kết nối đối tác OCOP; đặc biệt, dành phần lớn nguồn kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho các chủ thể xây dựng sản phẩm.

Tự mình nâng chất

Ông Phạm Văn Huệ - Giám đốc HTX Sản xuất dầu nguyên chất Bảo Tâm (Tam Ngọc, Tam Kỳ) cho hay, năm 2018 đơn vị bắt tay xây dựng cơ sở sản xuất - kinh doanh và đến nay tổng giá trị đầu tư đã lên đến 10 tỷ đồng. Đơn vị có 2 sản phẩm chủ lực đăng ký tham gia chương trình OCOP là dầu phụng và dầu mè đen nguyên chất.

Nhằm tiếp sức cho HTX hoạt động, thời gian qua UBND TP.Tam Kỳ và các ngành liên quan của tỉnh đã hỗ trợ khoảng 160 triệu đồng để có điều kiện thiết lập logo, nhãn mác, trang web giới thiệu sản phẩm, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu... Nhờ chất lượng sản phẩm đảm bảo, năm 2018 dầu phụng nguyên chất của HTX được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Với động lực đó, HTX tiếp tục đầu tư, sang năm 2019 sản phẩm dầu phụng được nâng lên 4 sao và sản phẩm dầu mè đen đạt chuẩn OCOP 4 sao trực tiếp. Mặc dù bị ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19 kéo dài nhưng thời gian qua sản lượng sản phẩm tiêu thụ của HTX liên tục tăng lên nhờ đơn vị linh hoạt mở rộng thị trường, bán hàng qua rất nhiều kênh.

“Hiện giờ, HTX có ít nhất 200 siêu thị, đại lý, cửa hàng phân phối sản phẩm. Năm 2020, tuy khó khăn chồng chất nhưng HTX vẫn cung ứng ra thị trường 7.000 lít dầu phụng và 5.000 lít dầu mè đen nguyên chất, tăng 50% so với năm 2019. Năm ngoái, doanh thu của đơn vị từ 2 sản phẩm này đạt 1,4 tỷ đồng, tăng 30 - 50% so với các năm 2018 - 2019” - ông Huệ chia sẻ.

Gần đây, Sở NN&PTNT có cuộc rà soát, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của các chủ thể có sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP giai đoạn 2018 - 2020.

Qua đánh giá 205/206 sản phẩm (trừ 1 sản phẩm vì chủ thể là HTX vừa giải thể) cho thấy, năm 2020 tổng doanh thu của 205 sản phẩm đạt gần 119 tỷ đồng (doanh thu bình quân của 1 sản phẩm hơn 580 triệu đồng). Năm 2020, tổng lợi nhuận của 205 sản phẩm là gần 25,2 tỷ đồng (lợi nhuận bình quân của 1 sản phẩm xấp xỉ 122,7 triệu đồng).

Theo mục tiêu đặt ra, năm 2021 Quảng Nam phấn đấu có thêm 103 sản phẩm của 93 chủ thể được đánh giá, phân hạng đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh trở lên. Năm nay, ngân sách tỉnh tiếp tục cấp 11,2 tỷ đồng để thực hiện chương trình OCOP; trong đó 1,2 tỷ đồng phân bổ cho các ngành thực hiện một số nội dung liên quan đến chương trình; còn 10 tỷ đồng cấp về cho các địa phương chủ yếu để hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đăng ký tham gia.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP: Chủ thể nâng cao hiệu quả hoạt động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO