(QNO) - Câu chuyện liên kết phát triển du lịch 3 địa phương Hội An - Điện Bàn - Duy Xuyên một lần nữa được "xới lại" sau thời gian dài gần như bỏ ngỏ.
Ngày 14/8, tại khu sinh thái nhà vườn Triêm Tây (phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn) diễn ra hội thảo chương trình liên kết phát triển du lịch Hội An - Điện Bàn - Duy Xuyên với chủ đề "Điểm đến du lịch xanh - làng quê, làng nghề".
Nhiều điểm đến, thiếu trải nghiệm khác biệt
Ở khu vực này, lâu nay vẫn có các tour du lịch, trong đó nổi bật nhất là tour từ Hội An đi Khu đền tháp Mỹ Sơn và ngược lại nhưng thường bỏ qua "trung điểm" Điện Bàn.
Thực tế, du khách đến Hội An thường chỉ tỏa ra các khu vực ven đô hoặc lên Mỹ Sơn và bỏ qua nhiều làng cộng đồng ở Duy Xuyên, Điện Bàn như Trà Nhiêu, Mỹ Sơn, Triêm Tây, Cẩm Phú...
Thực trạng này dẫn đến quá tải trong một số khung giờ cao điểm ở Khu phố cổ Hội An, nhưng nhiều điểm đến lân cận ở Duy Xuyên hay Điện Bàn lại khắc khoải chờ khách.
Theo nhận định từ doanh nghiệp lữ hành, hạn chế hiện nay của các điểm đến cộng đồng ở Điện Bàn, Duy Xuyên là phần lớn các trải nghiệm na ná nhau, chưa toát lên được yếu tố khác biệt.
Ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Hoa Hồng cho rằng, tiềm năng điểm đến thì nơi nào cũng có nhưng quan trọng là thiết kế sản phẩm khác biệt để sản phẩm được phía doanh nghiệp lữ hành đón nhận. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự sáng tạo nên các địa phương cần khuyến khích, tạo điều kiện cho môi trường khởi nghiệp.
Ông Lê Sỹ Quyền - Giám đốc Công ty Asia Pioneer Travel nhận định, thiết kế trải nghiệm của du khách cực kỳ quan trọng. Các địa phương nên có lộ trình, chiến lược cụ thể để sẵn sàng cung cấp trải nghiệm đa dạng, gắn với giá trị bản địa cho du khách nếu muốn đón dòng khách cao cấp thay vì chỉ có vài trải nghiệm đơn giản và một ít sản phẩm lưu niệm như hiện tại. Đơn cử như trải nghiệm về chợ vì đây là nơi phản ánh hơi thở đời sống của làng quê chân thực, sinh động nhất mà hầu hết du khách muốn khám phá.
[VIDEO] - Một số điểm đến ở Cụm công nghiệp Đông Khương, Điện Bàn:
Những "nút thắt" cần khai thông
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP) cho rằng, có quá nhiều thứ để phát triển du lịch nhưng không biết bắt đầu từ đâu và ai sẽ phụ trách các phần việc.
Thông thường, sản phẩm du lịch hoàn thiện đến 80% thì doanh nghiệp du lịch mới vào khai thác, nhưng để từ con số 0 đạt đến 80% là một vấn đề nên rất loay hoay. Điều này cần sự chia sẻ từ phía doanh nghiệp để đồng hành tích cực hơn với cộng đồng từ lúc du lịch manh nha ở các điểm đến, thì cơ hội thành công sẽ cao hơn.
"Trừ Hội An đã phát triển du lịch rất mạnh, Duy Xuyên và Điện Bàn có thể tìm các thị trường ngách từ việc phát huy sự sáng tạo, nét đẹp văn hóa của người dân. Hai địa phương cần tận dụng triệt để cơ hội từ chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển cơ sở hạ tầng, các mô hình du lịch thí điểm để dẫn dắt, truyền cảm hứng cho cộng đồng phát triển du lịch" - bà Huyền nói.
Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho hay, 3 địa phương này có dư địa rất lớn để tạo ra sản phẩm du lịch mang bản sắc Quảng Nam, nhưng cách tổ chức, hiện thực hóa vẫn là câu chuyện trăn trở.
Đơn cử các địa phương có thể nghiên cứu tạo ra một sản phẩm chung về du lịch đường sông Thu Bồn và có thể mở rộng lên Nông Sơn. Tuy nhiên, việc xúc tiến khai thác sản phẩm này hiện gặp nhiều vướng mắc về bến bãi, tổ chức vận tải, quy định về phương tiện...
Còn ông Phạm Vũ Dũng nhận định, du lịch nông thôn hay du lịch xanh thường liên quan nhiều đến yếu tố đất đai. Do đó, vấn đề sử dụng đất nông nghiệp gắn với du lịch đang là "nút thắt" cần phải khai thông để tận dụng lợi thế cảnh quan của nhiều điểm đến.
Ông Hồ Quang Minh - Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam cho biết, về lĩnh vực đường thủy nội địa, sở đã tham mưu tỉnh tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Quảng Nam nhưng ở mức độ khái quát; còn các điểm, bến bãi liên quan trực tiếp vào các khu du lịch thì cần phải có kế hoạch riêng bởi nằm trong các "quy hoạch con".
Sở GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn sớm phối hợp với địa phương để đưa vào kế hoạch thực hiện cụ thể nhằm tháo gỡ các vướng mắc ở lĩnh vực đường thủy nội địa.