Nhiều người từ đất liền ra thăm đảo Cù Lao Chàm đều nhớ hình ảnh những người lớn tuổi của xã đảo. Họ bưng thúng bước bộ, chậm rãi luồn vào các con đường hẻm xuyên như sợi chỉ về các khu dân cư. Bừng trong không gian là nụ cười móm mém tràn đầy năng lượng...
Hiếm có nơi nào con người sống ít phải lo nghĩ đến môi trường bị ô nhiễm như ở Cù Lao Chàm. Miền đảo xanh bình yên đang được nhắc nhiều hơn với danh hiệu “xứ sở hạnh phúc”. Không bỗng nhiên mà cái tên gọi ấy được dành cho xứ đảo Tân Hiệp.
Những người già hạnh phúc
Chúng tôi được giới thiệu đến ở homestay nằm cách không xa giếng cổ nổi tiếng ở Cù Lao Chàm. Căn nhà hai tầng vững chãi, dài hun hút với khoảnh sân phía trước rủ đầy lá vú sữa.
Ông Nguyễn Vinh, người có gốc gác từ đất liền, di cư ra đảo những năm 1968 rót nước lá lao mời khách. Ông đón tiếp khách như một người bà con thân thương từ xa tới.
Ông Vinh bảo rằng dân Cù Lao Chàm giờ sướng. Tiền bạc không hẳn là nhiều, nhưng ở đảo có nhiều cái mà người có tiền chưa hẳn đã có. Đó là môi trường trong lành, bình yên, không lo trộm cắp, không lo khói bụi, cũng chẳng ồn ào náo nhiệt như ở nơi khác.
Ông Vinh thuật công việc một ngày của mình. Sáng thức dậy đi loanh quanh xóm, chào hỏi bà con rồi ra trước biển tập thể dục, nhìn bình minh ló rạng. Về nhà thì chụm củi nhóm bếp đun nồi nước lá lao (lá rừng kết hợp nhiều vị thảo mộc) rồi đổ ra ấm giữ nhiệt. Ai tới thì bưng ra rót cốc nước nóng hổi mời chuyện.
Có khi ông phụ vợ cùng con trai, con dâu trông đứa cháu. Tối thì rọi đèn ra biển kiếm con cua đá hoặc câu ít cá vặt về gọi mấy người trong xóm nhấm nháp vài lon bia.
Nhưng niềm hạnh phúc nhất của ông Vinh không phải là những công việc tuổi già quanh quẩn ở nhà. Dù 68 tuổi nhưng ông hàng ngày vẫn lao động.
Một buổi sáng, sau bữa ăn sáng nhẹ, ông Vinh bảo cậu con trai là Nguyễn Minh Quang - hiện làm trong lĩnh vực lặn biển du lịch ở Cù Lao Chàm cầm bao bố và cây rựa chở cha ngược lên rừng hái lá lao.
Ông bảo rằng hái lá lao là công việc giờ đây chỉ dành cho người già ở Cù Lao Chàm. Muốn có được lá thì phải lên rừng tìm những vạt đồi có độ chênh lưng chừng để hái các loài thảo mộc mà người xưa đã chỉ lại cho con cháu. Mỗi ngày đi hái lá lao như vậy chia ra tất cả công đoạn, ông Vinh kiếm được chừng 150 ngàn đồng.
Khoản 150 ngàn đồng ấy với người thành phố không đáng bao nhiêu, nhưng với người già trên đảo, đó là niềm vui lớn. Họ cũng chẳng chi tiêu gì nhiều, nhưng người già là thế! Đôi khi có trong túi chút tiền để tự trả tiền cà phê, mua vài lon bia hay mua món quà gì đó tặng con cháu lại là niềm hạnh phúc lớn.
Quan trọng nhất, như ông Vinh nói, ông được thấy mình làm việc mỗi ngày. Công việc đó cũng nhẹ nhàng, ông được sống với thiên nhiên, được là người đầu tiên hít những lọn gió căng tràn và tươi rói từ biển đưa vào đất liền.
Chúng tôi thức dậy ở xã đảo Tân Hiệp và đặc biệt ấn tượng với thanh âm buổi ban mai ở làng biển này. Tiếng máy tàu nổ phành phạch rồi giảm dần âm lượng đến bến, đưa người đi câu đêm trở về âu tàu; tiếng xì xầm đặc quánh của phiên chợ sáng trên cầu cảng, tiếng dép của người già loẹt quẹt ngoài ngõ sâu…
Chúng tôi còn nghe rất rõ tiếng lộc cộc của ông Lê Học, nhà ở xóm Cấm - kế homestay của cha con ông Nguyễn Vinh. Ông Học tranh thủ dậy sớm, ra khoảnh sân trước, đang băm vằm mớ lá lao vừa hái được từ sáng sớm.
Ông Học cũng thuộc diện di cư ra rồi ở lại với Cù Lao Chàm, tới nay là cư dân xưa cũ của xã đảo. Cũng như những người lớn tuổi khác, dù không hề vất vả nhưng làm nghề lá lao lại là niềm vui giúp ông có chút đỉnh tiền, sống an nhàn tự tại ở xóm Cấm.
Đâu cũng bắt gặp nụ cười
Một người đồng nghiệp từ nơi khác đi cùng chúng tôi ra thăm Cù Lao Chàm, khi về cứ nhắc mãi câu chuyện ở đảo. Ông bảo rằng dường như trên đảo, nụ cười của những người lớn tuổi có gì đó tươi vui, rực sáng chứ không gắng cười như thường thấy ở người già khắp nơi.
Bà Phạm Thị Mỹ Hương - Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, cho biết nhiều năm qua người dân Cù Lao Chàm ở trong nhóm đứng đầu tỉnh Quảng Nam về thu nhập bình quân đầu người.
Năm 2019, thu nhập bình quân dân xã đảo cao nhất tỉnh. Tới 2023 tiếp tục giữ vị trí này với 58,13 triệu đồng/người; trong khi con số này của toàn tỉnh Quảng Nam là 48,2 triệu đồng/người.
Cù Lao Chàm đã từng trải qua năm tháng khổ đau. Đó là khi rừng bị khai thác cạn kiệt, biển cạn tôm cá. Bà con phải sống nhờ vào những chuyến tàu gỗ cõng gạo cứu đói từ đất liền được Nhà nước đưa ra cấp phát.
Thế hệ người lớn tuổi ở Cù Lao Chàm hiện nay phần lớn không phải dân tại chỗ, mà đều trong diện tản cư chiến tranh từ Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc… bám nhau ra đảo để tránh bom đạn. Nhiều nhất là giai đoạn 1968 với đỉnh điểm hơn 10.000 dân.
Chiến tranh kết thúc, chịu đói không nổi nên người dân lũ lượt dắt díu nhau hồi hương. Số ít bám trụ lại và bắt tay cùng chính quyền chuyển hướng từ khai thác rừng, biển qua làm du lịch sinh thái.
Sự chuyển đổi lịch sử ấy đã đem đến thành quả ngày hôm nay với những cụm đảo bình yên, xinh đẹp, môi trường được giữ trọn vẹn. Người dân không cần quá lao lực mà vẫn sống an nhàn.
Hơn ai hết, những người lớn tuổi ở đảo, những chứng nhân của lịch sử cảm nhận rõ sự thay đổi của vùng đất nơi mình sống. Và nay khi còn khỏe, họ cười vui viên mãn.
Theo UBND xã Tân Hiệp, tuổi thọ bình quân người dân Cù Lao Chàm đang tăng lên theo từng giai đoạn. Nếu như chừng 10 năm trước ít người thọ đến tuổi 90 thì nay có người đã thọ qua 100 tuổi, có gần 50 cụ tuổi từ 70 trở lên.
Ở Cù Lao Chàm, dễ bắt gặp những ngả chợ hay góc đường, điểm tham quan nào đó hình ảnh cụ già răng móm mém, lưng còng nhưng vẫn ngồi bán bánh ú tro, đan võng ngô đồng trình diễn cho khách. Họ là chủ thể của vùng đất du lịch, được hòa mình vào cuộc sống, trò chuyện và tương tác với du khách khiến họ sống vui hơn.
Cụ bà Lê Thị Kề, ở thôn Bãi Làng là một “người muôn năm cũ”. Bà là nghệ nhân đan võng ngô đồng nổi tiếng, dù 84 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn, luôn nở nụ cười tươi khi khách ghé hỏi chuyện.
Hình ảnh hai cụ già tóc bạc phơ, nét mặt chi chít vết chân chim, nhưng sáng nào cũng ngồi ở gần cầu cảng bán mẹt bánh ú tro. Lần nào ra đảo khách cũng thấy hai người bạn già này ngồi ở đó, cười tươi mời khách. Họ vẫn cười khi khách giơ tay chối từ, ôm miệng cười ngại ngùng khi khách cầm máy ảnh lên...