Môi trường

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An:Bồi đắp hệ sinh thái, thích ứng tương lai

QUỐC TUẤN 07/12/2024 13:19

(QNO) - Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới Cù Lao Chàm - Hội An trải qua một năm với nhiều hoạt động sôi nổi, mang đậm dấu ấn, góp phần chung vào thành công thực hiện Năm phục hồi đa dạng quốc gia 2024 của Quảng Nam.

img_20241206_161507.jpg
Ngày hội "Ngư dân xanh - biển trong lành" được tổ chức tại Cù Lao Chàm trong năm 2024. Ảnh: Q.T

Ngày 6/12, TP.Hội An diễn ra hội nghị tổng kết hoạt động Khu DTSQ thế giới Cù Lao Chàm - Hội An năm 2024 và tổng kết dự án BR giai đoạn 2019 - 2024.

"Làm giàu" hệ sinh thái

Thông tin từ Ban Quản lý Khu DTSQ thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, chương trình trồng rừng, phục hồi san hô trong năm 2024 tại một số khu vực thuộc quần đảo Cù Lao Chàm đến nay khá thành công.

img_20241206_160922.jpg
Lần đầu tiên sau hàng chục năm, Ốc tù và xuất hiện trở lại ở vùng biển Cù Lao Chàm trong năm 2024. Ảnh: Ngọc Diên

San hô phục hồi với tỷ lệ sống trung bình đạt 73% trong khi nguồn giống cây rừng bản địa được sử dụng để trồng phục hồi rừng trước mắt sinh trưởng khá tốt.

Mô hình “Cùng hành động để bảo vệ dòng sông, nói không với nghề lưới lồng tại khu bảo tồn nguồn giống thủy sản” cũng đạt được những thành công bước đầu trong bảo tồn nguồn lợi thủy sản, đặc biệt ở làng mộc Kim Bồng (xã Cầm Kim) và Gò Hý (xã Cẩm Thanh).

Các chiến dịch truyền thông như “Ngư dân xanh, biển trong lành" cho ngư dân, "Một ngày làm nhân viên môi trường" cho học sinh cũng thu hút đông đảo người dân, học sinh tham gia thu gom rác thải nhựa, dọn vệ sinh bãi biển, vùng rạn san hô...

Cạnh đó, mô hình phục hồi tài nguyên (MRF) và kiểm toán rác thải được Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - Hội An và các xã Tân Hiệp, Cẩm Thanh tích cực duy trì khá hiệu quả, thu hút nhiều học sinh, sinh viên, các đoàn công tác, các nhóm nghiên cứu trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, học tập.

img_20241206_160936.jpg
Một số cơ sở lưu trú trên địa bàn xã Tân Hiệp được cấp chứng nhận cơ sở du lịch thân thiện với đa dạng sinh học trong năm 2024. Ảnh: P.V

Ông Lê Ngọc Thảo - Trưởng ban Thư ký Khu DTSQ thế giới Cù Lao Chàm - Hội An cho rằng, các kết quả này không chỉ có ý nghĩa về mặt sinh thái mà còn giúp tăng cường nhận thức của cộng đồng, các bên liên quan về việc bảo vệ các hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học, môi trường biển, rừng.

Năm 2024 (tính đến ngày 17/11), có 217.765 lượt khách mua vé tham quan vùng lõi Khu DTSQ thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, trong đó có 63.262 lượt khách quốc tế.

Trong năm 2024, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm ghi nhận, xử lý 15 trường hợp động vật hoang dã trong khu bảo tồn bị bắt, bị mắc lưới và thả về môi trường tự nhiên.

Thích ứng các hoạch định quan trọng

Năm 2025, dự kiến sẽ thực hiện quy hoạch mạng lưới các khu bảo tồn đất ngập nước ven biển tỉnh Quảng Nam. Trong đó, Khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An được xác định là trung tâm của mạng lưới các khu bảo tồn đất ngập nước ven biển liên kết với các khu bảo tồn phía Tây của tỉnh thông qua việc tiếp cận lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và các khu bảo tồn ven biển từ Cửa Đại (Hội An) cho
đến Cửa An Hòa (Núi Thành) theo tiếp cận đường bờ.

Các khu bảo tồn đang trong giai đoạn thành lập gồm: Khu bảo tồn đất ngập nước Hồ Sông Đầm (TP.Tam Kỳ), Khu bảo tồn biển Tam Hải (huyện Núi Thành).

Đặc biệt, Quảng Nam đang khảo sát và thiết lập hồ sơ những khu vực khác có giá trị bảo tồn được xác định để liên kết và hỗ trợ mạng lưới các khu bảo tồn chính thức, nhằm thực hiện mục tiêu bảo tồn tài nguyên, phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh.

Khu DTSQ thế giới Cù Lao Chàm - Hội An sẽ tham gia tư vấn các sở, địa phương ven biển của tỉnh trong việc đánh giá tổng thể, xây dựng hồ sơ và đề xuất thành lập các khu bảo tồn theo quy hoạch chung của tỉnh.

Lượng khách đến Cù Lao Chàm trong thời gian này giảm sâu do đặc thù du lịch biển - đảo chịu ảnh hưởng lớn từ thời tiết xấu. Ảnh: Q.T
Năm 2025, dự kiến là năm thí điểm mở tour đi Cù Lao Chàm trực tiếp từ thành phố Đà Nẵng nên Khu DTSQ thế giới Cù Lao Chàm – Hội An đã và đang tính toán các giải pháp nhằm hài hòa giữa phát triển và bảo tồn. Ảnh: Q.T

Năm 2025, dự kiến cũng sẽ là năm thí điểm mở tour đi Cù Lao Chàm trực tiếp từ thành phố Đà Nẵng. Ngoài những lợi ích từ tour này mang lại, Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An đã và đang tính toán các giải pháp nhằm hài hòa giữa phát triển và bảo tồn.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, các vấn đề ảnh hưởng đến tài nguyên, các giá trị nổi trội của khu sinh quyển cần tính toán và có giải pháp kịp thời là bài toán sức tải môi trường, hệ sinh thái tại điểm đến Cù Lao Chàm trên cơ sở vẫn áp dụng quy định của UBND thành phố Hội An giới hạn số lượt khách đến Cù Lao Chàm mỗi ngày.

Đồng thời, cần tính toán sắp xếp thời gian các tour xuất phát từ Đà Nẵng để hài hòa với các tour xuất phát từ Hội An, nhằm phát huy tối đa sự đáp ứng của cộng đồng và các bên liên quan tại Cù Lao Chàm, tạo sự thuận lợi cho hành trình của du khách khi chọn tour đi từ Đà Nẵng, đồng thời hỗ trợ cho giải pháp giãn khách tại các điểm nhạy cảm về sự tác động của du khách như rạn san hô, các điểm di tích trên đảo và sự đáp ứng về nguồn nước sinh hoạt, thực phẩm phục vụ cho du khách.

Trong năm 2025, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục có các giải pháp nâng cao năng lực của cộng đồng và các bên liên quan trong việc cung cấp các dịch vụ du lịch sinh thái, chú trọng gắn kết du lịch với trải nghiệm tri thức bản địa, du lịch học tập.

Bên cạnh đó cũng sẽ tăng cường công tác tuần tra, giám sát tài nguyên khi lượng khách đến Cù Lao Chàm từ nhiều hướng khác nhau, sẽ phát sinh nhiều xung đột giữa con người với con người và con người với tài nguyên, có khả năng ảnh hưởng đến phát triển chung của khu sinh quyển.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An: Bồi đắp hệ sinh thái, thích ứng tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO