(Xuân Ất Tỵ) - Gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần phát biểu: “Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra, chúng ta phải đổi mới tư duy, phải “cởi trói”, phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình”. Nhìn lại diễn trình đổi mới, từ thực tiễn Quảng Nam bài học về sự “cởi trói” đã từng có trong lịch sử…
Tổng kết 40 năm đổi mới, bài học Việt Nam là “cởi trói” tư duy kinh tế, chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Rồi từ đó dần định hình tiến tới nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Một thành công lớn là vực dậy đất nước từ khủng hoảng thiếu lương thực trầm trọng đến xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đồng thời giá trị xuất khẩu các mặt hàng khác không ngừng tăng, năm 2024 đạt tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gần 800 tỷ USD.
Đất Quảng từ “đêm trước đổi mới” đã có những quyết sách chiến lược vượt lên chính mình. Đặc biệt khi xác định hành trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế sau tái lập tỉnh, Quảng Nam đã có những bước “cởi trói” (thậm chí từng bị coi là “xé rào”) để thúc đẩy công nghiệp và dịch vụ phát triển.
Bài học “đêm trước khoán 10”
Sau ngày thống nhất đất nước, với hào khí khải hoàn ca, những chiến dịch khai hoang đồng ruộng, phá vỡ bom mìn, thâm canh, tăng vụ… đã tạo nên một diện mạo khác hẳn cho nông nghiệp đất Quảng.
Đặc biệt nhờ sức dân đóng góp vô cùng to lớn đã xây nên mạng lưới thủy lợi rộng khắp, trong đó đại thủy nông Phú Ninh là công trình mang tầm thế kỷ, khởi công từ 29/3/1977. Công trình này nay vẫn là biểu tượng đẹp đẽ của nửa thế kỷ dựng xây hòa bình, còn hiệu ứng tích cực đến mai sau.
Có đất, có nước, có bàn tay cần cù lao động, nên màu xanh đã trở lại trên những cánh đồng chết. Trào lưu làm kinh tế tập thể với mô hình hợp tác xã bước đầu đem lại nhiều đổi thay cho quê hương. Tuy nhiên vì nhiều lý do, trong đó cơ chế chính sách đã “trói tay” nông dân trên đồng ruộng, diễn ra cảnh “cha chung không ai khóc”, cái đói nheo nhóc vẫn trầm kha.
Dần dà, từ luống cày, nông dân đặt ra câu hỏi rằng họ làm cho ai, vì sao không giao ruộng cho họ, vì sao Nhà nước phải bao từ đầu vào đến đầu ra của sản xuất và sản phẩm…Điểm nút của sự bức xúc chính là căn cớ cho “xé rào”: đòi ruộng, đòi khoán, hoặc bỏ vào khe núi khai hoang…
Trước yêu cầu của thực tiễn, năm 1981 đã có Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng nhằm khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động. Nhưng sau 6 năm cơ chế khoán này bộc lộ những bất cập, vì vậy nhiều nơi ruộng đồng vẫn xác xơ.
Vào mùa hè năm 1987, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng mở hội nghị về “Củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất trong nông nghiệp”. Hội nghị căng thẳng khi vạch ra những yếu kém của kinh tế tập thể theo mô hình hợp tác xã. Không cưỡng được, cái “rào” cơ chế cũ bị xé toang và từ điểm nút ấy đã dẫn đến sự ra đời của Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy vào ngày 29/6/1987 về “Tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất, hoàn thiện cơ chế khoán trong nông nghiệp”. Cơ chế theo nghị quyết này (khoán 03), có thể xem là “khoán 10 của Quảng Nam”, ra đời trước khoán 10 của Trung ương gần 1 năm, làm đổi mới tư duy quản lý nông nghiệp, khiến nông dân phấn khởi, ruộng đồng vượt qua cơn đau trở dạ để sinh nở mùa màng tốt tươi.
Các địa phương phải trăn trở, suy nghĩ “trên chính mảnh đất của mình”, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để phát triển… Phải giải phóng sức lao động, sức sản xuất, phải huy động được nguồn vốn vật chất và tinh thần trong Nhân dân, phải làm cho Nhân dân cảm nhận họ là người hưởng thụ những thành quả đó thì mọi người sẽ chung sức đồng lòng thực hiện.
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
Tháo nút thắt kinh tế mở
Trước và sau tái lập tỉnh 1997, kinh tế Quảng Nam chủ yếu là thuần nông. Xác định một cuộc đi mới là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhưng phải bắt đầu từ đâu? Phải đi lên từ truyền thống văn hóa, năm 1999, Hội An và Mỹ Sơn được công nhận Di sản văn hóa nhân loại, mở ra cơ hội phát triển du lịch.
Tuy nhiên, để chuyển biến nhanh, công nghiệp phải đi đầu. Lịch sử đã lựa chọn nơi diễn ra “trận đầu thắng Mỹ” là Núi Thành, với hạt nhân Chu Lai, một tư duy kinh tế mở đã phác thảo trên nền dải cát trắng hoang vu.
Ấp ủ giấc mơ kinh tế mở như thời thương cảng Hội An phồn thịnh, nhiều hội thảo được tổ chức để xây dựng đề án đệ trình Chính phủ. Ngày 5/6/2003, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 108 để Quảng Nam “thí điểm” xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai. Mở đầu công cuộc thu hút đầu tư là Thaco, mở ra ngành công nghiệp ô tô.
Nhưng nào đâu phải dễ dàng để “mở”, bởi khi vừa mở ra đã nhanh chóng bị đóng lại. Cơ chế cho Chu Lai đã trễ thời cơ khi hàng loạt khu kinh tế, khu công nghiệp trong nước lần lượt ra đời, không khác mấy về chính sách ưu đãi. Vì vậy Chu Lai chưa thể tròn ước mơ xây dựng khu phi thuế quan, phát triển sân bay Chu Lai thành trung tâm trung chuyển quốc tế, hay phát triển trung tâm tài chính của khu vực...
Song, hiệu quả từ tháo nút thắt đầu tư ban đầu đã đưa Khu kinh tế mở Chu Lai từng bước trở thành động lực phát triển của Quảng Nam, trong đó Thaco vươn lên thành tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực, gồm: ô tô; nông nghiệp; cơ khí - công nghiệp hỗ trợ; đầu tư - xây dựng; thương mại - dịch vụ và logistics, đóng góp hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp và nguồn thu ngân sách của tỉnh. Nguồn thu tăng hàng trăm lần so với thời tái lập tỉnh cũng nhờ khu kinh tế mở, nay tiếp tục phát triển từ Núi Thành ra vùng đông Tam Kỳ và Thăng Bình, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nửa thế kỷ dựng xây quê hương, còn nhiều thành tựu đáng kể nữa, nhưng chỉ nêu lại hai bài học trên để thấy rằng điều quan trọng là cơ chế chính sách, là quyết sách táo bạo dám nghĩ, dám làm, “cởi trói” điểm nghẽn về thể chế để tự lực, tự cường.
Giờ đây, với công cuộc tăng tốc về đích kế hoạch 5 năm (2020-2025) và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước, đòi hỏi Quảng Nam phải tìm tòi quyết sách hiệu quả cho việc hiện thực hóa khát vọng phát triển. Quyết sách đúng và trúng nguyện vọng của Nhân dân, sẽ giải phóng sức sản xuất, thu hút đầu tư mạnh mẽ, khơi dậy trào lưu đổi mới sáng tạo để khai thác hiệu quả tiềm lực con người và tài nguyên thiên nhiên.