(QNO) - Nhiều ngôi làng ở Tây Giang đã lập ra quy ước về xử lý những hộ dân vào rừng đặt bẫy thú, xâm hại trái phép vào rừng tự nhiên.
Đưa bẫy ra khỏi rừng
Các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng ở các xã A Vương, Bhalêê đã nhắc nhau, khi đi rừng, phát hiện bẫy thú phải nhanh chóng tháo gỡ và đưa ra khỏi rừng. Họ sẽ rất đau lòng nếu một con thú không may dính bẫy… Nếp nghĩ, cách làm này dần thay đổi tập quán của nhiều hộ dân.
Cách đây vài ngày, trong một chuyến tuần tra, bảo vệ rừng, nhóm hộ ở thôn K’tool (xã Avương, Tây Giang) phát hiện bẫy dây do người dân giăng ra có 1 con tê tê Java không may mắc bẫy. Anh Alăng Nhứt – trưởng nhóm hộ này kể lại, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Giang, kiểm lâm địa bàn nhiều lần tuyên truyền, tê tê là động vật quý hiếm thuộc nhóm IB, đang bị đe dọa tuyệt chủng và nghiêm cấm khai thác, sử dụng. Do đó, họ nhanh chóng tháo gỡ bẫy, giải cứu và thả loại loài vật này về với tự nhiên.
“Tê tê hay bất kỳ loài vật nào mắc bẫy cũng phải giải cứu. Chúng tôi ý thức được mối nguy từ các loại bẫy đối với động vật hoang dã nên luôn nhắc nhau chấp hành tốt. Điều đáng mừng là lượng bẫy thú mà chúng tôi bắt gặp qua những lần tuần tra đang giảm dần” – ông Nhứt nói.
[VIDEO] - Nhóm hộ ở thôn K’tool giải cứu con tê tê mắc bẫy:
Cầm bẫy dây về thôn, ông Nhứt ghi chép số liệu cẩn thận và dò hỏi thông tin người ra vào rừng trong những ngày qua để xác định chủ nhân của chiếc bẫy. Và không mất quá nhiều thời gian để nhóm hộ tuần tra rừng này tìm ra người thực hiện hành vi vi phạm vào quy ước của cộng đồng. Một buổi họp nhóm hộ diễn ra ngay sau đó, với sự tham gia của Ban điều hành quản lý bảo vệ rừng cộng đồng thôn K’tool để tuyên truyền, nhắc nhở hộ đã vào rừng đặt bẫy. Anh Nhứt nói, nếu hộ này tái diễn sẽ chịu hình thức xử lý của cộng đồng.
Nâng cao hiệu quả bảo tồn
Cộng đồng thay đổi nhận thức là thành quả sau nhiều nỗ lực vận động, tuyên truyền của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Giang. Ông Trần Duy Bình – Trạm trưởng trạm kiểm soát rừng Bhalêê – A Vương cho biết, địa bàn 2 xã này có 12 cộng đồng nhận khoán, với tổng diện tích là 14.000ha. Trung bình một tháng, cán bộ của trạm sẽ tham gia cùng với nhóm hộ tuần tra 2-3 lần, với nhiệm vụ chính tháo gỡ các loại bẫy thú. Từ đầu năm đến nay, cộng đồng đã tháo gỡ 85 bẫy thú, gồm bẫy dây và bẫy kẹp loại lớn.
“Khi phát hiện bẫy dính thú rừng, phần lớn người dân chưa có kinh nghiệm xử lý nên dễ gây kích động, làm tổn thương cho con vật. Do đó, cán bộ trạm đã hướng dẫn chi tiết cho nhóm hộ cách tiếp cận, tháo gỡ, sơ cứu và thả thú về lại rừng. Trường hợp con thú bị thương nặng thì gấp rút liên hệ với trạm để xử lý nhanh chóng, hiệu quả hơn” – ông Bình cho biết.
Theo ông Bình, kinh nghiệm của cộng đồng, kết hợp với các kiến thức của cán bộ địa bàn đã phát huy hiệu quả trong việc tuần tra, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Và khi không có cán bộ theo sát, phối hợp, người dân vẫn tự biết cách xử lý theo đúng quy trình, báo cáo cụ thể về trạm.
Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Giang, cùng với phối hợp tuần tra, hàng tháng, cán bộ địa bàn sẽ tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến các kiến thức bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; vận động các nhóm hộ ký cam kết bảo vệ rừng. Nhờ đó, các cộng đồng ngày càng nâng cao nhận thức và xử lý tốt các vấn đề liên quan đến lâm phận quản lý.
Hiện nay, tổng diện tích được chi trả dịch vụ môi trường rừng trên lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Giang hơn 49.577ha, trong đó giao khoán cho 64 cộng đồng tổng diện tích hơn 37.453ha và tự bảo vệ hơn 12.124ha.
Ông Lê Văn Hiếu – Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Giang nói: “Khi người dân hiểu giữ rừng là giữ sinh kế bền vững nên tự giác bảo vệ tốt. Kết quả rõ nhất là số bẫy thú phát hiện, tháo gỡ đã giảm dần qua từng năm”.