Cộng đồng trách nhiệm bảo tồn di sản Hội An

KHÁNH LINH 05/12/2023 14:43

(QNO) - TP.Hội An vừa tổ chức buổi “Gặp mặt, trao đổi về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An năm 2023” nhằm ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp bảo tồn phát huy giá trị di sản bền vững...

Sự kiện có sự tham dự của đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cùng hơn 200 đại biểu, người dân - những chủ nhân di tích trong phố cổ Hội An.  

Chèo kéo bán hàng rong trong phố cổ. Ảnh: KL
Chèo kéo bán hàng rong trong phố cổ. Ảnh: KL

Nhiều thách thức

Ông Quản Văn Quý – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An khẳng định, thời điểm này các di tích Hội An luôn được quản lý, giám sát và bảo tồn tốt. Đặc biệt, nhiều dự án đầu tư đã và đang được xúc tiến, thực hiện thành công. Điển hình như các dự án phòng cháy chữa cháy cho khu phố cổ, các dự án tôn tạo di tích Cây Thông Một, tu bổ di tích Chùa Cầu, trưng bày di tích Nhà lao Hội An; triển khai thi công tu bổ công trình Văn Thánh miếu Cẩm Phô và Khu lăng Ông ở Cẩm Nam...

Thành phố cũng đã hỗ trợ kinh phí tu bổ nhiều di tích tư nhân và tập thể như nhà số 41 Trần Phú, nhà số 46 và 10/17 Nguyễn Thị Minh Khai, nhà thờ tộc Trương (Cẩm Kim), nhà thờ tộc Huỳnh (Cẩm Nam)… Một số di tích vùng ven cũng huy động được nguồn kinh phí xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo...

Gần 200 đại biểu, hộ dân đã tham dự buổi gặp mặt. Ảnh: K.L
Hơn 200 đại biểu, hộ dân đã tham dự buổi gặp mặt. Ảnh: K.L

“Nhìn chung trong những năm qua di sản văn hoá Hội An đã được quản lý, bảo vệ và tiếp tục phát huy tốt giá trị, qua đó khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá cộng đồng cũng như phát triển kinh tế, xã hội của thành phố” - ông Quý nói.

Tại buổi gặp mặt, một số vấn đề nổi cộm trong quản lý di sản như bảo vệ môi trường, buôn bán hàng rong, trật tự cảnh quan, phòng cháy chữa cháy tại các nhà gỗ cho thuê kinh doanh trong khu vực phố cổ hay di tích đóng cửa bỏ hoang... đã được nhiều người dân đề cập phản ánh.

Theo ông Quản Văn Quý, dù không mới nhưng các vấn đề trên vẫn còn tiếp diễn trong hoạt động quản lý, bảo tồn, phát huy di sản nên cần sự quan tâm của của các cấp, ngành, nhất là các chủ di tích và cộng đồng.

"Hiện nay, tình trạng chủ di tích nhà ở trong phố cổ tự ý tu sửa vẫn còn diễn ra, qua kiểm tra cơ quan chức năng đã phát hiện 46 trường hợp sai phạm, lập biên bản xử phạt 3 trường hợp, lập biên bản đề nghị khắc phục 18 trường hợp, nhắc nhở khắc phục đối với các trường hợp còn lại. Tuy nhiên, dù được xử lý kịp thời nhưng sự tác động âm thầm từ ý muốn chủ quan của các chủ di tích, các bên thuê lại để kinh doanh, buôn bán dần dà không chỉ làm mất đi giá trị của các công trình này mà còn ảnh hưởng đến giá trị chung của khu phố cổ” - ông Quý cảnh báo.

Đồng thuận bảo vệ di sản

Hội An ngoài lo giải quyết rốt ráo tình trạng xâm phạm, biến dạng di tích còn phải tập trung vào công tác giữ gìn cảnh quan môi trường, trật tự đô thị... Do đó, thành phố cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng, nhất là sự tham gia của cộng đồng.

Nhiều ý kiến người dân phản ánh những tồn tại về môi trường, cảnh quan khu di sản. Ảnh: K.L
Nhiều ý kiến người dân phản ánh những tồn tại về môi trường, cảnh quan khu di sản. Ảnh: K.L

Bà Phạm Thị Thanh Hường – Trưởng ban văn hóa Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nhìn nhận, với đặc thù là một di sản sống, nên việc tham gia của cộng đồng, người dân vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản là một sáng kiến hay của Hội An, nơi khác chưa thể làm được, bởi việc lắng nghe, chia sẻ với cộng đồng sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của người dân để bảo tồn phát huy giá trị di sản hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, việc gặp gỡ, lắng nghe ý kiến cộng đồng sẽ diễn ra hàng năm nhằm tiếp tục làm sâu sắc hơn giá trị của di sản văn hóa Hội An, nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong việc chăm lo gìn giữ, bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa Hội An trong đời sống cũng như phục vụ phát triển về kinh tế - xã hội của thành phố.

Thông qua buổi gặp mặt sẽ giúp giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kế thừa, bảo tồn và phát triển, trong đó lấy sinh thái và văn hóa làm nền tảng, động lực để phát triển kinh tế - xã hội theo phương châm “bảo tồn để phát triển” và “phát triển để bảo tồn”. Lấy kinh tế du lịch làm vai trò trung tâm, mũi nhọn, đồng thời gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch bền vững với giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Để di sản Hội An phát triển bền vững cần có sự cộng đồng trách nhiệm của người dân. Ảnh: K.L
Để di sản Hội An phát triển bền vững cần có sự cộng đồng trách nhiệm của người dân. Ảnh: K.L

“Hiện nay, thành phố cũng đã xây dựng và trình UBND tỉnh Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 với nhiều nhiệm vụ rất cụ thể, khá toàn diện trên các mặt, hứa hẹn sẽ tạo thêm nguồn lực quan trọng để tiếp tục bảo tồn và phát huy tốt giá trị của di sản văn hóa Hội An” - ông Lanh thông tin.

Cũng theo ông Lanh, việc tổ chức buổi gặp mặt sẽ là cơ hội để thành phố lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, nhất là những đề xuất giải pháp hiệu quả, từ đó khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay, tạo nên sự đồng lòng ủng hộ của cộng đồng để bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Hội An trong thời gian đến.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cộng đồng trách nhiệm bảo tồn di sản Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO