Nhận thức, ý thức tham gia giao thông còn hạn chế, thêm sự buông lỏng từ phía gia đình, một số trường học chưa thực sự chú trọng trong tuyên truyền... khiến tình trạng học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông tái diễn; để kiểm soát vấn đề này đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ.
Giữ an toàn từ cổng trường
Nhiều năm qua, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trong học đường, đẩy mạnh tuyên truyền trong nhà trường và tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm.
Đáng chú ý, Chỉ thị số 31 ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 31) về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới được triển khai đồng loạt, tạo chuyển biến quan trọng, chỉ rõ vai trò trách nhiệm các cấp, ngành trong phối hợp với nhiều giải pháp cụ thể.
Chỉ thị 31 đã được Phòng CSGT tham mưu Giám đốc Công an tỉnh trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch, giao trách nhiệm cho các ngành và các cấp công an từ tỉnh đến huyện, xã.
Lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh thông tin, đối với nhiệm vụ tuyên truyền nâng cao ý thức, tạo chuyển biến về hành vi, thái độ chấp hành các quy định ATGT đã được đơn vị triển khai khá bài bản, đồng bộ, đặc biệt là đầu các học kỳ. Đối với hoạt động tuyên truyền, CSGT phối hợp nhà trường, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức để phù hợp lứa tuổi.
Phòng CSGT Công an tỉnh và công an các địa phương xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên khá “chuyên” từ tỉnh đến cấp xã. Riêng Công an tỉnh, mà nòng cốt là lực lượng CSGT tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền trực tiếp mỗi năm ở các trường, phủ đều các cấp học kể cả vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Trước dịp hè, Phòng CSGT cũng chủ động biên soạn cấp phát hơn 60 nghìn tờ gấp tuyên truyền riêng cho lứa tuổi học sinh, tập trung vào học sinh THPT - độ tuổi các em tham gia giao thông phổ biến và có những vi phạm nhiều nhất thời gian vừa qua.
Đầu năm học, CSGT các địa phương tập trung triển khai xử lý vi phạm, nhằm giáo dục, nhắc nhở, tạo hiệu ứng cho học sinh và cả phụ huynh không giao xe máy phân khối lớn cho các em điều khiển khi chưa đủ điều kiện.
Đáng chú ý, ngay trước năm học, Phòng CSGT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với công an xã đến làm việc với các hộ gia đình có hoạt động giữ xe trước cổng trường học, vận động tuyên truyền các điểm giữ xe này không trông giữ xe trên 50 phân khối khi học sinh mang đến gửi.
Từ cam kết của chủ các điểm giữ xe, công an địa phương sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát và nhắc nhở, có biện pháp xử lý. Động thái “giữ” từ cổng trường học này cho thấy trách nhiệm của lực lượng công an các cấp để đảm bảo an toàn giao thông trong học đường.
Sắp tới, Phòng CSGT tham mưu Giám đốc Công an tỉnh phối hợp với Giám đốc Sở GD-ĐT tổ chức hội nghị liên ngành, ký kết kế hoạch chương trình đảm bảo ATGT, kết hợp triển khai thực hiện Chỉ thị 31. Hội nghị sẽ là dịp để nhìn nhận, đánh giá công tác đảm bảo ATGT đối với các trường học, chỉ ra tồn tại và xác định những nhiệm vụ trong thời gian tới.
Phụ huynh không được thờ ơ
Tuần qua, Đội CSGT - trật tự Công an TP.Tam Kỳ đồng loạt ra quân tại nhiều tuyến đường, phát hiện và xử lý hàng chục trường hợp học sinh vi phạm trật tự ATGT. Các lỗi vi phạm phổ biến bao gồm điều khiển xe máy không đảm bảo về độ tuổi, không chấp hành quy tắc, đèn tín hiệu giao thông, chở quá số người quy định, đi vào đường ngược chiều...
Đơn vị này cho hay công tác tuyên truyền, xử lý tạo được chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một bộ phận học sinh vẫn còn vi phạm. Không chỉ trong quá trình đến trường, nhiều học sinh điều khiển phương tiện khi sinh hoạt ở địa phương cũng vi phạm, một số vụ tai nạn liên quan đến học sinh đã xảy ra.
Đội CSGT - trật tự Công an TP.Tam Kỳ vẫn đang triển khai song song hoạt động tuyên truyền, cho học sinh, phụ huynh ký cam kết và xử lý vi phạm để chấn chỉnh, từng bước kiềm chế tai nạn giao thông liên quan đến học sinh.
Theo Thượng tá Phan Thanh Hồng - Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh, giải pháp đã được vạch ra, song việc tổ chức thực hiện cần sự phối hợp đồng bộ nhiều ngành chức năng. Ngay từ trong nhà trường, phải có những chương trình ngoại khóa, các buổi cung cấp kiến thức bài bản để giáo dục cho các em.
Phải xác định rõ lứa tuổi nào thì trang bị kiến thức, lứa tuổi nào thì hướng dẫn, đào tạo kỹ năng. Có kiến thức nhưng kỹ năng chưa có hoặc còn yếu, nguy cơ tai nạn giao thông cho học sinh vẫn sẽ cao. Ngoài ra, nhiều nơi đã tổ chức cho phụ huynh ký cam kết nhưng qua kiểm tra, xử lý, vẫn còn nhiều trường hợp phụ huynh thiếu quan tâm, dẫn đến con em mình vi phạm.
“Để tạo nề nếp, giải quyết căn cơ và có hiệu quả, phải có một thế hệ học sinh được giáo dục bài bản về kiến thức, kỹ năng và ý thức tham gia giao thông, có văn hóa giao thông, tiến tới xã hội văn minh, chấp hành nghiêm túc các quy định” - Thượng tá Phan Thanh Hồng nói.