Chuyện đầu tuần

Dám nói?

LÊ VĂN 15/04/2024 08:19

Cuối tuần qua, hội nghị do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức để thảo luận, bàn bạc các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như thu hút các nguồn lực đầu tư mới.

Khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết một lần nữa cam kết và yêu cầu sự đồng hành, sát cánh với doanh nghiệp của các cấp ủy đảng, chính quyền.

Nói “một lần nữa”, là bởi từ khi nhận nhiệm vụ tại địa phương đầu năm nay, trong các chuyến thăm và làm việc với nhiều doanh nghiệp, cũng như tại các diễn đàn, cuộc họp, hội nghị quan trọng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết đã nhiều lần khẳng định tinh thần đồng hành và sự vào cuộc quyết liệt để gỡ khó cho doanh nghiệp.

Tinh thần ấy cũng được thể hiện khi công tác chuẩn bị cho hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được chỉ đạo ngay từ đầu năm với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc.

Đã có nhiều kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc, trở ngại qua các báo cáo đề xuất, qua các cuộc làm việc của lãnh đạo tỉnh, như Bí thư Tỉnh ủy thông tin tại Hội nghị về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhưng chắc hẳn, sẽ không đầy đủ và cũng không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Bởi, chắc sẽ còn đâu đó những chuyện “tế nhị” mà các doanh nghiệp ngại nói ra.

Không ít chủ doanh nghiệp đã “trút bầu tâm sự” với phóng viên, nhưng rốt cuộc lại kết một câu: “Kể cho anh biết vậy thôi, chuyện tế nhị, anh đừng đưa lên báo, sẽ gây khó cho chúng tôi hơn”…

Khó khăn, vướng mắc, bất cập không chỉ từ phía các doanh nghiệp, mà còn chính từ các văn bản quy phạm pháp luật của các cấp, từ quan hệ công tác giữa các bộ, ngành với địa phương, giữa các sở ngành với nhau và giữa địa phương với các sở, ngành của tỉnh.

Chưa có một báo cáo nhận diện đầy đủ những vướng mắc, bất cập này, nhưng đâu đó trên các diễn đàn thỉnh thoảng vẫn xuất hiện một vài phản ảnh.

Gần đây, cùng với những khó khăn chung về tình hình kinh tế, việc triển khai các dự án đầu tư cũng như phản ảnh của doanh nghiệp, câu chuyện về tình trạng đùn đẩy, ngại va chạm, né tránh trách nhiệm được nói đến rất nhiều.

Để giải quyết tình trạng này, Kế hoạch số 397-KH/TU, ngày 26/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 nhấn mạnh đến tinh thần “7 dám” (dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thách thức, dám hành động vì lợi ích chung).

Trong bối cảnh khó khăn, ách tắc nhiều hơn là thuận lợi hiện nay, tôi đặc biệt chú ý đến từ “dám nói”.

Bàn thảo bên lề nhiều cuộc hội họp, trong những câu chuyện lan man bên tách cà phê về tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, tiêu cực, đùn đẩy, né tránh, nhiều người nói nhận diện tình trạng này không khó, thủ trưởng cơ quan đơn vị đều biết cả; “ách tắc” trong mối quan hệ giữa địa phương với sở ngành, giữa sở ngành với nhau trong từng vụ việc cũng “có địa chỉ” cụ thể cả.

Có tình trạng sở này, hay địa phương gửi văn bản đến sở khác mấy tháng vẫn không nhận được hồi âm. Thế nhưng, chỉ ra một cách cụ thể, thẳng thắn, thì… khá hiếm. Ngại va chạm chính là ở điểm này!

Nhiều lý do “tế nhị” đã dẫn đến hiện tượng ngại nói, ngại va chạm. Gốc rễ vẫn là bài toán về lợi ích. Chỉ có điều, rất khó nói đến câu chuyện vì lợi ích chung.

Không dám nói, không dám chịu trách nhiệm, sao nhận diện đầy đủ tình trạng “một bộ phận cán bộ đùn đẩy, né tránh”, như nhiều văn bản các cấp đã thừa nhận.

Quảng Nam hay cãi là giá trị văn hóa đặc trưng của con người xứ Quảng, như cố giáo sư Trần Quốc Vượng đúc kết. “Cãi” vì cái chung, “cãi” để xây dựng, “cãi” để tìm cách xử lý công việc tốt đẹp hơn”!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dám nói?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO