Góc suy ngẫm

“Đất” dưỡng người tài

NGUYỄN ĐIỆN NAM 08/09/2024 08:40

Mỗi dịp khai giảng năm học mới, lại nghĩ về chuyện khuyến học, khuyến tài khi thấy nhiều tổ chức, cá nhân đã dành những phần học bổng, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên. Nhưng không phải đợi đến “nhân dịp” nào, việc kiến tạo môi trường - nôm na gọi là “đất”, để dưỡng nuôi người tài luôn là điều cần suy tư và hành động.

Hiện tại, từ tỉnh, huyện, xã, đến cả dòng họ hay chỉ một ngôi trường ở Quảng Nam, hầu hết đều quan tâm xây dựng quỹ học bổng khuyến học, khuyến tài. Nguồn xã hội hóa đóng góp kinh tài, vật lực không thể đo đếm hết và cũng ghi dấu biết bao tấm lòng của các nhà hảo tâm, nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục.

Chẳng hạn như ông Nguyễn Hữu Hiệp, sau nhiều năm công tác ở HĐND tỉnh về hưu đã cùng Hội khuyến học huyện Thăng Bình tích cực gầy dựng quỹ khuyến học.

Năm 2024, chỉ tính từ tháng 7 đến nay, các cấp Hội Khuyến học, Mặt trận, các tổ chức hội đoàn thể, Ban Khuyến học các dòng tộc… trên địa bàn Thăng Bình đã vận động hơn 450 triệu đồng, phối hợp trao hơn 1.200 lượt khen thưởng, học bổng động viên học sinh, sinh viên học giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Riêng Hội Khuyến học huyện đã vận động gần 250 triệu đồng tổ chức chương trình tại 2 địa phương kết nghĩa là Linh Cang (Bình Phú), Cao Ngạn (Bình Lãnh) tặng quà nhiều học sinh, sinh viên học giỏi.

Một điển hình khác là người con đất Quảng xa quê, doanh nhân Trần Công Cảnh, đã dành riêng một nguồn quỹ gia đình cho công tác xã hội, chủ yếu là giáo dục.

Không những tài trợ ở các nơi gia đình ông sinh sống, lập nghiệp, như đã tặng khoảng 2,5 tỷ đồng xây dựng Trường Tiểu học Trần Cao Vân ở xã Minh Đức, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước mà ông Cảnh còn nhiều lần ủng hộ, tài trợ tặng học bổng khuyến tài cho con em quê nhà Quảng Nam.

Và thật đáng quý khi mới đây ông Cảnh tiếp thêm động lực cho Quỹ ươm mầm tài năng đất Quảng do Báo Quảng Nam sáng lập, ủng hộ 100 triệu đồng để trao thưởng thêm cho các tài năng trẻ.

Bằng các hành động thiết thực, nhiều tổ chức và cá nhân đã chăm lo vun trồng cho thế hệ mai sau của “đất học” Quảng Nam như thế. Song, sự ưu tư về tương lai của đất này hẳn còn nhờ cậy việc tạo môi trường cho những tài năng tỏa sáng.

Nghĩa là vẫn cần quan tâm vấn đề cơ chế, chính sách, là thu hút, đãi ngộ, nhưng quan trọng hơn cả là làm sao để những tài năng tiếp tục phát triển thành nhân tài, sau đó trở lại cống hiến hữu ích cho cộng đồng xã hội.

Đừng để khi những hạt mầm tài năng được ươm dưỡng, luyện rèn trở thành nhân tài vượt trội, chúng ta lại để trôi tuột đi cơ hội sử dụng người tài trong lúc rất cần có đội ngũ nhân lực đổi mới sáng tạo, thực hiện khát vọng xây dựng quê hương đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Như các chuyên gia giáo dục từng trăn trở rằng tình trạng chảy máu chất xám cần khắc phục, nhưng cái cần phải chú tâm hơn là khắc chế các loại bệnh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra như “Vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết”, “cần kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các hiện tượng kéo bè, kéo cánh, bệnh dùng người thân quen, hẹp hòi, đố kỵ trong thu hút, trọng dụng nhân tài”.

Chỉ khi nào có được mảnh đất lành, một môi trường xã hội lành mạnh, hướng đích với lý tưởng cao đẹp, mới tạo nên niềm tin và nuôi dưỡng cho người tài cống hiến.

Ai cũng nhớ câu “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, nhưng như chuyên gia Phan Chánh Dưỡng, người bạn thân thiết của GS. Trần Văn Thọ (quê Quảng Nam), từng ở trong nhóm tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã chiêm nghiệm rằng “nguyên khí đó chỉ có thể tích tụ ở một môi trường mà niềm tin của con người luôn luôn hiện diện.

Cụ thể như dãy núi hiên ngang, dòng sông không ngừng chảy, và đủ sức dung nạp cái mới như sông núi tiếp nhận ánh sáng và không khí của trời đất vậy”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Đất” dưỡng người tài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO