Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của TP.Hội An và thị xã Điện Bàn rất thấp, trong đó có nguyên nhân là nguồn thu sử dụng đất “nhỏ giọt”. Tại buổi làm việc vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình yêu cầu hai địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; linh hoạt chuyển vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu...
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.Hội An và thị xã Điện Bàn theo kế hoạch vốn từ đầu năm đều khá thấp. Cụ thể, đến ngày 31/8, Điện Bàn mới giải ngân đạt 15,7% (thấp nhất toàn tỉnh) còn Hội An đạt khoảng 24%, cũng nằm trong nhóm thấp.
Dù vậy đây là điều bất khả kháng bởi một số nguồn thu lớn theo kế hoạch vốn đến nay vẫn chưa xuất hiện, đặc biệt là nguồn thu từ tiền sử dụng đất của hai địa phương trọng điểm này đến nay vẫn “nhỏ giọt” dẫn đến không có tiền trên thực tế để giải ngân.
Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho hay, đến nay thị xã mới thu được 67 tỷ đồng trên tổng số 803 tỷ đồng kế hoạch vốn giao từ nguồn thu tiền sử dụng đất.
Điều này dẫn đến không có vốn để thanh toán hoặc tổ chức đấu thầu thi công mới nhiều dự án, chưa kể hụt thu lớn từ việc dừng hoạt động của Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam hồi giữa năm nay.
Tình hình tại Hội An cũng không khá hơn khi chỉ mới thu được hơn 18 tỷ đồng trong tổng số hơn 475 tỷ đồng được giao nguồn tiền sử dụng đất (tức chưa đến 4%).
Theo lãnh đạo TP.Hội An, nếu tình hình khả quan thì phải đến gần cuối năm nguồn thu tiền sử dụng đất mới xuất hiện khi một vài dự án khu đô thị quy mô lớn được tỉnh phê duyệt giá đất sẽ làm tăng nguồn thu, nhưng đến lúc đó thì cũng khó giải ngân được nguồn vốn này.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình đề nghị 2 địa phương tập trung tối đa cho việc giải ngân đầu tư công từ nay đến cuối năm, nhất là với nguồn vốn từ ngân sách trung ương và vốn điều chuyển từ năm 2023 phải phấn đấu giải ngân 100% để tránh bị mất vốn.
“Nếu địa phương có công trình nào thực sự bức thiết có thể triển khai ngay nhưng đang thiếu vốn thì khẩn trương báo cáo để tỉnh xem xét điều chuyển vốn từ nơi thừa vốn nhưng không giải ngân được” - ông Phan Thái Bình nói thêm.
Tình hình giải ngân vốn từ ngân sách trung ương và vốn điều chuyển từ năm ngoái của 2 địa phương này tương đối khả quan. Với Hội An, đã giải ngân được hơn 30 tỷ đồng trong tổng số gần 50 tỷ đồng vốn năm 2023 kéo dài và giải ngân hơn 9,5 tỷ đồng/33 tỷ đồng ngân sách trung ương và tỉnh.
Còn Điện Bàn đã giải ngân 100% tổng vốn hơn 102 tỷ đồng kế hoạch vốn kéo dài, trong số này đáng chú ý đã giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương kéo dài cho Dự án đường vành đai phía bắc Quảng Nam (hơn 51,7 tỷ đồng).
Hai địa phương đều cam kết sẽ cố gắng giải ngân tối đa vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương và vốn điều chuyển từ năm trước trong những tháng còn lại, trừ trường hợp bất khả kháng như Dự án tôn tạo di tích Cây Thông Một (TP.Hội An).
Khó khăn chung được các địa phương nhìn nhận là quy trình, thủ tục đầu tư phải qua nhiều khâu, nhiều bước ở nhiều cơ quan đơn vị làm kéo dài thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư ảnh hưởng rất lớn đến việc giải ngân vốn đầu tư công.
Ông Trần Ánh - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hội An nhìn nhận, thực tế giải ngân vốn đầu tư công đã tồn tại căn bệnh trầm kha là khi mùa khô thời tiết thuận lợi thì phải xoay xở rất lâu với các loại thủ tục, đến khi hoàn thành để triển khai thi công thì thường rơi vào thời điểm tháng 9, tháng 10, phải “chạy đua” để giải ngân và đối mặt với nguy cơ thời tiết bất lợi. Hy vọng trong thời gian tới thực trạng này sẽ được cải thiện nhằm tạo điều kiện cho việc giải ngân đầu tư công đạt kết quả tốt nhất.