Sau thời gian dài chờ đợi, cuối cùng người dân ở thôn Côn Zốt (xã Chơ Chun, Nam Giang) đã có điện thắp sáng. Đêm đầu tiên dưới ánh điện lưới quốc gia, núi rừng như sáng bừng lên, lấp lánh trong niềm của cộng đồng địa phương.
Ông Pơloong Ađéc - Trưởng thôn Côn Zốt cho biết, ngoài đường dân sinh, điện lưới luôn là điều mà người dân địa phương mong đợi nhất. Không chỉ nằm ở địa hình núi cao hiểm trở, Côn Zốt còn biết đến như một “vùng lõm điện” giáp biên giới Việt - Lào với điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn.
“Mấy năm trước đường được mở, cuộc sống người dân đã có nhiều thay đổi, nhưng lại thiếu điện. Một số gia đình có điều kiện hơn đã dùng máy phát điện tua-bin để phục vụ nhu cầu cuộc sống. Những năm gần đây, mưa lũ liên tiếp, hệ thống tua-bin hư hỏng liên tục nên người dân mong sớm có điện lưới quốc gia kéo về” - ông Ađéc chia sẻ.
Thôn Côn Zốt có hơn 130 hộ đồng bào Cơ Tu sinh sống lâu đời. Đây được xem là điểm cực cuối của Nam Giang, với dân cư thưa thớt. Do điều kiện địa hình hiểm trở, suốt hàng chục năm qua, việc đưa điện lưới quốc gia về Côn Zốt gặp nhiều khó khăn, khiến ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân miền núi.
Với quyết tâm xóa “vùng lõm điện” nơi biên giới, thời gian qua, Điện lực Nam Giang phối hợp với các đơn vị và chính quyền địa phương nỗ lực giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ công trình, kịp thời đóng điện phục vụ đời sống sinh hoạt người dân ở Côn Zốt.
Theo ông Pơloong Pên - Phó Bí thư Đảng ủy xã Chơ Chun, dự án đưa điện lưới quốc gia về Côn Zốt được triển khai với quy mô hơn 4,8km đường dây trung áp; 3,17km đường dây hạ áp, cùng 4 trạm biến áp với tổng dung lượng 187,5kVA, đảm bảo phục vụ cấp điện cho hơn 130 hộ dân địa phương.
Dự án này thuộc công trình cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Nam sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2019 - 2020 khu vực huyện Nam Giang, do Sở Công thương làm chủ đầu tư.
Sau thời gian nỗ lực triển khai, mới đây, Sở Công Thương tiến hành nghiệm thu đóng điện thành công cho thôn Côn Zốt. Đây là công trình cấp điện cho các hộ dân chưa có điện thuộc “vùng lõm điện” phía tây của tỉnh nên có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo điều phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào địa phương trong tương lai.
“Công trình đưa vào sử dụng được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân địa phương. Đồng thời tạo điều kiện để phát triển kinh tế vùng đặc biệt khó khăn, từng bước giảm nghèo, góp phần giữ vững sự ổn định an ninh chính trị vùng biên giới” - ông Pên nhấn mạnh.