Quy hoạch - Đầu tư

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Hội An đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050: Ưu tiên bảo tồn hồn cốt di sản

QUỐC TUẤN 25/04/2024 08:05

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Hội An đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 với kỳ vọng lớn nhất đặt vào đồ án này vẫn là hài hòa được bài toán bảo tồn và phát triển bền vững đô thị di sản.

dji_0167.jpeg
Quan điểm phát triển Hội An theo đồ án với phương châm “bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn” với tính chất của một đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch. Ảnh: Q.T

“Chìa khóa” phát triển đô thị

Vì tính chất đặc biệt của đô thị di sản, từ tháng 12/2015, tỉnh đã có chủ trương cho Hội An chọn tư vấn nước ngoài thực hiện quy hoạch.

Qua thời gian dài trì hoãn bởi một số vướng mắc, đến năm 2021 Liên danh Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) và Công ty AREP Villa (Pháp) được chọn là đơn vị tư vấn lập đồ án này.

Theo dự thảo mới nhất của liên danh tư vấn, sẽ phát triển Hội An theo phương châm “bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn” với tính chất của một đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch.

Quy hoạch đề xuất các chiến lược phát triển phù hợp với bảo tồn là yếu tố hàng đầu, kết hợp phát triển kết nối hệ sinh thái di sản, tạo ra các giá trị mới giúp cải thiện cũng như bảo tồn đa dạng giá trị hiện hữu của đô thị để tạo lập cấu trúc “vườn trong phố - phố trong vườn” đặc trưng của Hội An.

dji_0052.jpeg
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Hội An sẽ có chiến lược phát triển hệ sinh thái để bảo tồn không gian mặt nước độc đáo, đa dạng và dễ biến động của Hội An. Ảnh: Q.T

Các trụ cột trong chiến lược phát triển đô thị của Hội An bao gồm: Chiến lược phát triển hệ sinh thái để bảo tồn không gian mặt nước độc đáo, đa dạng và dễ biến động của Hội An; chiến lược phát triển văn hóa quảng bá Hội An như một thành phố của di sản sống; chiến lược phát triển du lịch qua đó cải thiện tình trạng quá tải và phát triển bền vững hơn.

Dự thảo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Hội An đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 chia thành phố làm 7 phân khu: khu đô thị lịch sử di sản; khu đô thị đảo gắn với trung tâm văn hóa - dịch vụ; khu phát triển mới đô thị và nông thôn; khu dân cư sinh thái đảo; khu đô thị dịch vụ cửa ngõ biển; khu đô thị gắn với cảnh quan sông nước; khu dân cư gắn với bảo tồn sinh quyển.

Quy hoạch chung TP.Hội An sẽ hướng phát triển đô thị về phía tây (phường Thanh Hà, xã Cẩm Hà), phát triển cụm đô thị mới và hệ thống hạ tầng bám dọc trục giao thông chính cấp vùng và thúc đẩy phát triển đô thị hỗn hợp theo đúng nghĩa một thành phố “đáng sống” dành cho cư dân.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “Trong khi chờ đồ án được thông qua, Hội An đang từng bước thực hiện bám theo định hướng này với việc giữ tối đa cảnh quan, giữ tối đa quỹ đất vàng để thiết lập công viên, không gian cây xanh.

Các bên liên quan đang khẩn trương thực hiện những bước còn lại, bởi thời gian qua quy hoạch chung thành phố chưa được duyệt thì không đầu tư công trình gì được trên địa bàn và cũng rất khó trong kêu gọi đầu tư”.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Ảnh: Q.T
Ngày 22/4, Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị để nghe báo cáo về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Hội An đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Q.T

Gìn giữ giá trị riêng biệt

Câu chuyện bảo tồn giá trị đô thị cổ và mục tiêu nâng cấp lên đô thị loại II là một mệnh đề chưa tương thích được với nhau suốt thời gian dài vừa qua. Một đô thị loại II theo tiêu chí đặc thù là đích đến phù hợp để giữ được các giá trị đặc trưng của Hội An.

Do đó, liên danh tư vấn đã đưa ra kịch bản về quy mô dân số năm 2035 với 160 nghìn người và năm 2050 với 230 nghìn người (bao gồm cả dân số quy đổi), thấp hơn so với nhiệm vụ được duyệt trước đây để bảo đảm giảm áp lực lên đô thị này. Năm 2022, dân số Hội An đạt hơn 100 nghìn người (chưa tính dân số quy đổi).

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lê Trí Thanh, chỉ tiêu dân số mà phía tư vấn đưa ra là phù hợp, bởi nếu đẩy chỉ tiêu phát triển dân số Hội An lên cao trong khi tốc độ tăng dân số tự nhiên hiện khá thấp thì dẫn đến tăng cơ học lớn, không bảo đảm sự phát triển bền vững của Hội An. Một số chỉ tiêu về hạ tầng để đáp ứng tiêu chí đô thị loại II ở Hội An chỉ cần tiệm cận không nhất thiết tương đồng hoàn toàn.

dji_0291.jpeg
Mật đô dân số khu vực nội thị Hội An đã rất lớn, hơn 2.800 người/km². Ảnh: Q.T

Ông Trần Ánh - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hội An nói: “Hiện trên toàn quốc đô thị loại II rất nhiều nhưng đô thị di sản sống như Hội An có thể nói là duy nhất.

Hội An nhận thức được điều gì quan trọng hơn để hướng tới trong đồ án lần này. Thêm nữa, mật độ dân số ở 9 phường nội thị của Hội An đã rất lớn (hơn 2.800 người/km²) nếu tiếp tục phát triển mạnh về dân số thì sẽ dễ trở thành đô thị nén”.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, quy hoạch Hội An cần khẩn trương hoàn chỉnh theo hướng giải quyết được các mặt đối lập: giữa tăng trưởng với áp lực giao thông và tiếp cận sản phẩm du lịch; giữa cuộc sống người dân bản địa với khách du lịch, người nơi khác đến; giữa bảo tồn giá trị với phát triển kinh tế; giữa quy mô dân số với nhu cầu hạ tầng.

“Cần hết sức chú trọng cập nhật giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu vì Hội An là đô thị dễ tổn thương. Trong tương lai, du lịch vẫn là bệ đỡ của Hội An nhưng cũng cần nghiên cứu mở lối thêm động lực mới để cân bằng hơn trước các rủi ro.

Quy hoạch giới hạn xây dựng ở mức 9 tầng với khu vực phát triển đô thị phía tây là hợp lý và cần chủ động xây dựng quy chế quản lý quy hoạch và quy chế quản lý kiến trúc để tuân thủ tối đa quy hoạch, hạn chế điều chỉnh về sau” - Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Hội An đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050: Ưu tiên bảo tồn hồn cốt di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO