(Đặc san 21/6) - Cân bằng giữa việc phát triển đô thị thịnh vượng với giảm đi dấu chân sinh thái, hạn chế sự tăng trưởng tác động tiêu cực đến môi trường sinh quyển là bài toán hàng đầu của các đô thị hiện nay, nhất là với đô thị di sản.
Điểm nhìn từ Hội An
Phát triển bền vững bao hàm sự bảo tồn và tăng trưởng tổng thể các loại vốn khác nhau như vốn sản xuất, vốn tự nhiên và vốn xã hội. Ba trụ cột của bền vững là kinh tế, môi trường và xã hội được ghi nhận, thúc đẩy trong Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.
Việc gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO cuối năm 2023 càng khiến yêu cầu phát triển bền vững Hội An trở nên bức thiết.
Theo TS.Phạm Việt Anh (chuyên gia về phát triển bền vững, nghiên cứu sinh về phát triển bền vững thuộc một định chế liên chính phủ - U.N Treaty University), để phát triển bền vững trước hết Hội An cần phải cố gắng giữ nguyên hiện trạng vốn tự nhiên.
Trong đó cần tiếp tục mở rộng các chính sách kiểm soát hạn ngạch khai thác thủy hải sản (giữ lợi tức vốn tự nhiên), nghiêm cấm phá rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ cho mục đích kinh tế ngắn hạn…
“Không có công dân trách nhiệm thì không có đô thị bền vững. Để xây dựng thành phố chia sẻ - một trong những nhân tố quan trọng hình thành thành phố bền vững thì nguồn vốn xã hội phải mạnh. Bởi một khi niềm tin xã hội thấp, người ta không thể chia sẻ với nhau những lợi lộc chung”.(TS.Phạm Việt Anh)
“Phát triển bền vững cũng gắn liền với nền kinh tế chia sẻ, bởi nhờ vào sự chia sẻ của xã hội mà giảm thiểu được lãng phí, tối ưu hóa được nguồn lực nhàn rỗi, tài sản không bị bỏ quên.
Ví dụ như chúng ta có thể thành lập “ngân hàng thời gian”, qua đó người dân có thể chia sẻ với nhau giờ lao động nhàn rỗi trên tinh thần chia sẻ mà không mất phí, xây dựng các trang chia sẻ đồ đã qua sử dụng để tuần hoàn vòng đời sản phẩm.
Bên cạnh đó Hội An cũng cần đẩy mạnh đầu tư công nghệ xanh, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, tranh thủ nguồn tài chính xanh từ các đối tác, kêu gọi vốn cộng đồng bền vững, ưu tiên cải thiện nguồn vốn con người, để đích đến là phát thải ròng bằng 0 giúp phát triển bao trùm, bền vững” - TS.Phạm Việt Anh chia sẻ.
Theo KTS.Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners, mọi thứ trong tự nhiên - xã hội đều có giá trị tương đối, khi công suất, mật độ đã phát triển chạm ngưỡng rồi thì phải dừng để tránh giảm giá trị đô thị di sản.
“Trong tương lai, Hội An sẽ đối diện với “lòng tham” và nên biết điểm dừng, chấp nhận những bất lợi, bất tiện của các chủ thể nhưng giữ được sự phát triển bền vững của đô thị di sản để không vấp phải tình trạng càng phát triển thì càng đi lùi” - KTS.Ngô Viết Nam Sơn nói.
Giải quyết các thách thức đa chiều
Hầu hết đô thị đều được hoạch định là động lực phát triển của vùng đất. Tại Quảng Nam, các đô thị lớn đều nằm trong 2 vùng động lực phía bắc và phía nam của tỉnh.
Điểm tích cực hiện tại là tầm nhìn quy hoạch và các nhà quản lý đã không còn định vị việc tăng trưởng quy mô kinh tế đô thị bằng mọi giá.
Trong một số buổi làm việc của tỉnh, câu chuyện không quá nặng nề về chỉ tiêu thu ngân sách của Hội An đã được thảo luận. Việc nâng cấp hạng đô thị của Tam Kỳ (lên loại I) và Hội An (lên loại II) cũng đã nhiều lần được cân nhắc, lùi thời điểm để hướng đến sự thực chất của quy mô đô thị thay vì vồn vã với các mục tiêu này.
Các đô thị đang trong tiến trình phát triển đều đối mặt với nhiều bài toán lớn như bảo vệ đa dạng sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy công bằng xã hội…
Công cụ phân tích khí hậu của Viện Tài nguyên thế giới cho thấy, năng lượng chịu trách nhiệm 66% tổng lượng khí thải trong khi nông nghiệp chiếm 23% tổng lượng khí thải hằng năm ở Việt Nam.
Quảng Nam đang bắt nhịp xu thế về năng lượng xanh và nông nghiệp bền vững, với khởi điểm có thể từ các đô thị nơi Tam Kỳ đang là đô thị thí điểm triển khai dự án làm mát đô thị bền vững còn Hội An có nhiều tín hiệu tích cực trong chuyển đổi nông nghiệp xanh và phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp.
Theo Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, gần đây có khá nhiều doanh nghiệp tại Hội An đã triển khai các công nghệ, giải pháp xanh như sử dụng năng lượng tái tạo, ứng dụng chuyển đổi số, giao thông xanh, hợp tác cộng đồng và giáo dục xanh, thúc đẩy mô hình du lịch mới…
Điều này vừa góp phần cải thiện hiệu suất kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và cộng đồng địa phương, từ đó tạo ra một môi trường du lịch hấp dẫn và bền vững.
TS.Phạm Việt Anh nhận định, Hội An là đô thị nhỏ, là di sản văn hóa thế giới nên sẽ được ưu tiên hơn về kinh tế dịch vụ - du lịch và nhờ đó giúp giảm phát thải khí nhà kính tốt hơn lĩnh vực sản xuất. Ưu tiên giảm phát thải carbon là rất quan trọng.
Với hoạt động sản xuất kinh doanh ở Hội An, vấn đề không phải tăng sản lượng đầu ra mà là tăng giá trị đầu ra. Có số hóa được thì sẽ cải thiện phần nào chi phí quản lý nhưng mấu chốt phải là xây dựng được giá trị.
Một nền kinh tế tuần hoàn không rác thải kết hợp với kinh tế xanh không phát thải là lý tưởng để đạt mục tiêu bền vững, xóa đói giảm nghèo, phát triển bình đẳng cho đô thị.