Cuộc sống thường ngày

Đóng bàn ghế từ tre bằng một cánh tay

PHƯỚC HIẾU 01/04/2024 08:30

Gần 40 năm qua, ông Phan Văn Chánh (xã Đại Thạnh, Đại Lộc) đã làm ra hàng trăm bộ bàn ghế bằng gốc tre có giá trị thẩm mỹ và đem lại hiệu quả kinh tế. Đáng khâm phục hơn, những sản phẩm được ông chế tác chỉ từ một cánh tay trái.

z5258543480769_14dfcb884127fd5cbd5c1fcd1ae196a9.jpg
Ông Chánh cùng với những bộ bàn ghế được làm ra từ một cánh tay trái. Ảnh: P.H

Động lực từ gia đình

Ông Phan Văn Chánh sinh ra trong một gia đình đông anh em, ở vùng quê nghèo và tuổi thơ gắn bó với những lũy tre bên dòng sông Thu Bồn. Năm 1980, ông đi nghĩa vụ lao động ở Phú Ninh và bị tai nạn gãy chân. Ông trở về quê làm nghề đan rổ, mủng, thúng để mưu sinh.

Năm 1982, ông lập gia đình và có con trai đầu lòng. Hai vợ chồng ông làm nông để nuôi con nhỏ. Đến năm 1985, ông vào làm công nhân cho nhà máy mía ở Phú Ninh, trong lúc sửa máy không may bị tai nạn và mất đi cánh tay phải.

“Từ một trụ cột của gia đình, tôi bỗng trở nên tật nguyền, vì vậy tâm trạng bi quan. Nhưng nghĩ về đứa con trai mới chào đời đã thôi thúc, tiếp thêm nghị lực để tôi tiếp tục sống và vươn lên” - ông Chánh chia sẻ.

Cũng năm ấy, ông Chánh được giới thiệu vào làm thủ kho ở nhà máy gạch của hợp tác xã ở địa phương, có công ăn việc làm, suy nghĩ của ông dần lạc quan. Năm 1988, ông đưa vợ con vào Đắk Lắk, TP.Hồ Chí Minh làm đủ nghề như trồng cà phê, nội thất... Sau nhiều năm bôn ba nơi đất khách, ông quyết định về quê lập nghiệp và bén duyên với nghề đóng bàn ghế bằng gốc tre.

Ông Chánh kể, năm 2012 tình cờ đi ngang bờ sông Thu Bồn, thấy những gốc tre bị bão lụt làm bật gốc nằm phơi trên đất với những hình dáng kỳ lạ. Ý tưởng làm bàn ghế từ những gốc tre độc đáo này khiến cuộc sống của ông Chánh rẽ sang hướng mới.

z5258543520182_d82561563e0eb2ebd29d9e2705c05d0e.jpg
Ông Chánh dùng cưa máy cắt những khúc tre đều nhau trước khi đi ngâm nước. Ảnh: P.H

Nghĩ là làm, ông Chánh tự mày mò tự phác thảo bản vẽ bàn ghế trên giấy, sau đó đi đào, nhặt những gốc tre tươi về xử lý và đục đẽo.

Từ những gốc tre có hình dáng xù xì nhưng khi qua đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của ông Chánh đã trở thành những sản phẩm có giá trị nghệ thuật và kinh tế. Bộ bàn ghế đầu tiên của ông làm ra được khách hàng đặt mua với giá hơn 10 triệu đồng.

“Nhận thấy sản phẩm của tôi làm ra được khách hàng ưa chuộng, có tiền trang trải sinh hoạt gia đình, tôi vui lắm và quyết tâm gắn bó với công việc này” - ông Chánh phấn khởi.

Hằng năm, ông Chánh làm ra khoảng 8 bộ bàn ghế, mỗi bộ từ 6-10 sản phẩm. Một bộ bàn ghế có giá bán từ 30-70 triệu đồng, tùy theo kích thước và độ khó của sản phẩm.

Bình quân thời gian làm ra một bộ bàn ghế khoảng 30-60 ngày. Doanh thu từ bán bàn ghế đem lại cho ông Chánh nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm; riêng năm 2020 ông bán được 10 bộ bàn ghế, thu về hơn 500 triệu đồng.

dsc_0352.jpg
Dù đã mất một cánh tay nhưng ông Chánh đào gốc tre rất thuần thục. Ảnh: P.H

Nghệ nhân của làng

Ở xã Đại Thạnh chỉ có ông Chánh làm nghề đóng bàn ghế từ gốc tre, và ông vẫn miệt mài với công việc này gần 40 năm nay. “Nghề này không chỉ đem lại cho tôi thu thập ổn định mà còn cả niềm đam mê” - ông Chánh trải lòng.

Những bộ bàn ghế ông làm ra không chỉ cung ứng cho thị trường mà được tham dự triển lãm ở trong nước. Cũng từ đây, nhiều người đặt cho ông biệt danh là “nghệ nhân của làng”.

“Từng có nhiều người muốn theo tôi học nghề, song khi đưa đào gốc tre thì họ nản lòng và bỏ cuộc. Vì công việc đào gốc tre rất khổ nhọc, ngoài ra để làm nên một bộ bàn ghế rất kỳ công, trải qua nhiều công đoạn như đẽo bỏ rễ, mắc, chà nhám…

Khâu khó nhất là khoan lỗ lên gốc tre để khi lắp ráp và đóng nem không bị vênh và bền chặt. Hiện nay, tôi đã làm hồ sơ để được cấp chứng nhận nghệ nhân của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam” - ông Chánh nói.

(1) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đóng bàn ghế từ tre bằng một cánh tay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO