Đời sống

Dòng sông ân nghĩa

Ký của TRUNG VIỆT 29/03/2025 09:00

Lịch sử một dòng sông là lịch sử trưởng thành của một vùng đất. Sông Trường (Bắc Trà My) đã kiên gan cùng đất này...

SÔNG TRƯỜNG NHƯ SỢI CHỈ XANH GIỮA THỊ TRẤN TRÀ MY
Sông Trường như sợi chỉ xanh giữa thị trấn Trà My. Ảnh: TTVH BẮC TRÀ MY

1. Qua cầu sông Trường, rẽ trái, nhà đầu tiên là của gia đình ông Trần Văn Thinh, thuộc thôn Long Sơn, xã Trà Sơn.

Ông nói quê ở Vĩnh Phúc, trước là bộ đội rồi chuyển sang làm công nhân lâm trường Ao Cá. Lâm trường giải thể, sếp đường sếp, lính đường lính, ông lui không được tới không xong, bèn trụ luôn ở đây, tính tới bây giờ là 30 năm.

Trong tôi, người ta nói nhiều về sông Tranh. Nó như là sông Cái, chảy qua nhiều huyện. Chuyện từ sông này cũng lắm, nhưng mỗi khi nước lụt, thì người ta kêu nước đã băng qua ngầm sông Trường, Nam - Bắc Trà My tắc đường. Tiếp sau đó là trôi người, chết đuối.

Ông Thinh gật ngay, và trả lời tắp lự câu hỏi của tôi: “Ngày đó, cái thời ông làm công nhân, sông Trường có như bây giờ không?”.

- “Làm chi có. Ngày đó nó nhỏ lắm, hai bên cỏ cây rậm rạp, phải từ năm 1997-2000, người ta phát cây, làm ruộng, lấn đất, thế là làm… mồi cho xói lở, nước lụt. Năm 1997, nước lên nhà tôi ngập 20cm, tôi nâng lên 1m, giờ nó ngập lên 1,4m. Hồi đó sông hiền, dân làm ruộng dưới sông, lúa bắp, rồi cá quá trời, nay thì khó tìm lắm”.

“Hồi chưa cầu, sông ni là sông chết người” - ông Thinh bình thản. “Có năm tới 4-5 người chết do nước cuốn, nó đẩy trôi cả xe tải. Nhìn hiền vậy chứ mùa mưa hung dữ. Tôi còn nhớ năm 2000, tụi tôi bu dây điện cao thế tuột từ bờ nay sang bờ kia mới qua sông được, chứ nước lớn quá, lúc đó điện chưa đóng” - ông Thinh kể tiếp.

Chết người không phải do sông mà do người, do không cầu qua lại. Tôi xem bản đồ, sông Trường khởi từ phía Trà Bồng (Quảng Ngãi) đổ về sông Tranh. Khi gặp sông Oa ở Trà Sơn, chảy vài chục mét nữa thì gặp sông Tranh, gọi là ngã ba sông Tranh.

Trước khi về tới đây, nó đã đi qua bao thác ghềnh, hàng chục con suối lớn nhỏ, gào thét có, miên man có, hiển lộ có, âm thầm có, và chỉ dài chừng 30km.

Nhưng hành trình của nó không phải hành cước cô đơn. Được hình thành bởi nhiều nhánh sông, suối nhỏ trong đó có 3 nhánh chính: nhánh 1 bắt nguồn từ xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi); nhánh 2 bắt nguồn từ xã Trà Giác, nhánh 3 bắt nguồn từ xã Trà Nú, đều của Bắc Trà My.

2. Tôi cũng đem chuyện này hỏi nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My là ông Huỳnh Tấn Sâm. Ông ồ lên liền, rằng nó từ Trà Bồng, nhập vào hai sông Nước Y và Cà Nâm ở thôn 4 Trà Nú, cộng thêm hàng chục con suối lớn nhỏ, đi qua 6 xã là Trà Nú, Trà Giang, Trà Giác, thị trấn Trà My, Trà Tân, Trà Sơn.

ÔNG HUỲNH TẤN SÂM
Ông Huỳnh Tấn Sâm. Ảnh: TRUNG VIỆT

“Sông Y là tiền thân của sông Trường. Hồi đó bà Trần Lệ Xuân vợ ông Ngô Đình Nhu, khoảng năm 1959-1960 đã cho làm ba cái cầu bắc qua sông Trường là cầu Ri (Trà Giang), cầu Chìm (giáp Trà Giác) và cầu Nước Y. Sau 1975, ba cầu vẫn còn, tới thời tôi làm bí thư huyện cầu Nước Y cũng còn, nhưng rồi sau làm đường Trà My - Trà Bồng, phá hết, trước đó người ta cũng phá lấy sắt” - ông Sâm tiếp tục kể.

Kỷ niệm ùa về trong ông. Năm 1970, ông là giao liên, mưa tháng 10 dữ dằn, qua sông, suýt nữa ông bị trôi đoạn giữa Trà Giang và Trà Giác.

“Hồi đó sông hẹp, hai bên sông cây rù rì chen cứng, rậm rạp tới mức tối mù luôn, nước trong veo. Sông Tranh ở Trà Đốc, Trà Bui nó sâu, dựng đứng, hưởng lợi từ nó được mấy mô, chứ sông Trường ni lợi ích mang lại lớn lắm. Đây là sông có lượng phù sa rất lớn, bởi hợp nước từ nhiều nguồn lớn nhỏ, hình thành những cánh đồng dưới sông, nà rẫy ven sông, cá thì nhiều vô kể” - ông kể.

“Bà con sống nhờ nó, nhất là ven sông nằm vùng Trà Giang là nơi cung cấp lương thực thực phẩm chính cho Bắc Trà My. Ngay cả sân vận động huyện bây giờ, hồi đó là một bãi phù sa, ruộng rất tốt… Nguồn đất sinh hoạt, nhà cửa, sản xuất, cá lưới. Phải nói dân Bắc Trà My nhờ nó mà sống, làm ăn, không có nó là đói, hưởng lợi từ nó biết bao nhiêu. Không có nó, lấy đâu ra vật liệu sỏi, cát để xây dựng, không có nhà ở chứ chơi? Không có nó, nước đâu mà uống, ở đây khoan giếng lấy từ sông lên chứ đâu?” - ông Sâm hỏi trong nỗi hàm ơn lẫn có chút tiếc nuối rồi dừng lại ở đó.

Còn tôi ngồi nhớ, bữa vào thăm làng Mường ở Trà Giang, bà con xứ Bắc di cư vào lập nghiệp rồi xem đây là quê hương, làm du lịch sinh thái tại các con suối ở đó. Nghĩ họ như bao lớp người Co, Ca Dong xứ này, dòng sông đã rút ruột nuôi nấng không lời oán thán, họ lớn lên rồi lớp cháu con nhìn nước chảy dữ dội mùa mưa, hiền lành mùa hè, có bài hát câu ca nào nói hết ân tình từ nó trao lại?

3. Năm tháng cộng hưởng bao thứ làm nên cái tên sông Trường. Dòng chảy liên tục đổi theo thời gian, đã khiến sức vóc nó phổng phao hơn, nhưng con cá dưới sông càng cạn kiệt. Biết làm sao bây giờ, khi tất cả dòng sông đều kêu cứu, giữa biến đổi khí hậu và cả lòng tham của con người.

NHIỀU SUỐI VEN SÔNG TRƯỜNG TRỞ THÀNH ĐIỂM DU LỊCH SINH THÁI. ẢNH ctv
Nhiều suối ven sông Trường trở thành điểm du lịch sinh thái. Ảnh: CTV

Đi qua chừng đó xã, len lỏi giữa dãy núi Răng Cưa thuộc Trà My lẫn Trà Bồng, như một mặc định bất di bất dịch, là những làng mạc cư ngụ cạnh sông thì dứt khoát trong ứng xử, sinh hoạt sẽ bị chi phối bởi yếu tố này.

Trong cái nhìn của anh Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT Bắc Trà My, thì nó chi phối rõ nhất trong đời sống âm nhạc, cồng chiêng, hoa văn áo quần và cúng bái, ví dụ như múa cồng chiêng của người Co thì chậm rãi, Ca Dong thì tiết tấu nhanh…

Tôi hỏi ông Sâm, là dân vùng này có cúng máng nước như người Xê Đăng ở Ngọc Linh không? Ông nói có, ngày xưa có hết. “Hồi đó có máng nước bằng lồ ô nối nhau, cúng đàng hoàng đó, chừ bỏ rồi. Hồi đó đi gặp máng nước là phải cúi đầu rúc qua, mình tôn trọng nó cho mình thức uống, chứ chừ làm ống nhựa hết, đi đạp bể cũng chẳng thèm để ý. Tôi tham gia giám sát của mặt trận Tổ quốc ở địa phương, bà con có ý kiến miết, buồn cho ý thức giữ gìn tôn trọng núi rừng càng kém đi”, giọng ông buồn buồn.

Tôi nói với ông rằng, tìm hiểu địa lý lịch sử con sông này khó quá, sách vở ít, trong khi nó đóng vai trò như nguồn sữa cung cấp sự sống, chỗ ăn chỗ ở biết bao người Bắc Trà My. “Hồi tôi làm bí thư, có chủ trương viết lịch sử cách mạng của huyện, chủ yếu nói về giải phóng rồi xây dựng, chứ sông Trường thì không đụng tới. Ừ, tiếc quá, chừ ai làm được thì hay, mà muốn biết kỹ càng nó phải hỏi mấy ông già. Lớp người thuở xa xưa đó, nay còn đâu…”, lại một tiếng thở dài từ ông.

Lịch sử một dòng sông là lịch sử trưởng thành của một vùng đất. Nhìn bãi đá như bàn cờ thạch trận từ cầu sông Trường nhìn xuống, có cảm giác nó kiên gan lẫn chút cay đắng khi ai đó nhắc đến mình. Làm du lịch sinh thái cạnh sông suối như kéo người ta lại gần một cách thật thà với sông, để nó khỏi rơi vào cô quạnh, nhưng có lẽ chừng ấy chưa đủ. Một khấn lễ thành kính tạ ơn bằng sự tôn trọng, giữ gìn thành thật. Một sử ký biên niên hoàn chỉnh cho nó để hậu thế đọc vào mà biết. Có lẽ quá cần!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dòng sông ân nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO