(VHQN) - Lợi thế lớn về tài nguyên sông ngòi, kênh rạch, loại hình du lịch sông nước tại TP.Hồ Chí Minh đang phát triển mạnh mẽ.
Kế thừa từ di sản của dòng chảy văn hóa, lịch sử “trên bến dưới thuyền” hơn 300 năm hình thành và phát triển đại đô thị, câu chuyện du ngoạn trên sông đang được TP.Hồ Chí Minh viết tiếp.
Lợi thế đô thị sông nước
Sông Sài Gòn như một dải lụa xinh đẹp ôm lấy thành phố mang tên Bác. Với 80km chảy qua thành phố, đây là con sông biểu tượng của TP.Hồ Chí Minh. Cạnh đó, hệ thống 3 sông lớn gồm sông Đồng Nai, sông Lòng Tàu và sông Xoài Rạp chảy qua đô thị, mở ra mạng lưới liên kết sông ngòi với các tỉnh thành lân cận, thuận lợi để phát triển giao thông đường thủy kết hợp du lịch sông nước.
Các bến sông và cảng thị nổi tiếng như Bến Thành, Bến Nghé, Bến Nhà Rồng, Bến Bạch Đằng, Bến Hàm Tử, Bến Chương Dương, Bến Bình Đông… làm nên không gian văn hóa đô thị “trên bến dưới thuyền” độc đáo. Trong đó, Bến Nhà Rồng khởi đầu là một thương cảng lớn, là nơi giao thương của tàu thuyền nước ngoài đến Sài Gòn.
Đã có nhiều tour du lịch đường sông (cano) từ sông Sài Gòn tham quan các sông Lòng Tàu, đảo Thiềng Liềng (Cần Giờ), đến địa đạo Củ Chi, hoặc đi tàu cao tốc từ sông Sài Gòn ra biển Vũng Tàu… Du khách vừa du lịch thăm thú cảnh quan sông vừa được hướng dẫn tìm hiểu lịch sử, văn hóa của các địa danh.
Không chỉ vậy, hệ thống kênh rạch phong phú len lỏi qua các quận trung tâm thành phố trở thành nguồn tài nguyên để khai thác du lịch đường sông thuận lợi. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với chiều dài 8,7km chảy qua các quận Tân Bình, Phú Nhuận, quận 3, Bình Thạnh, quận 1 rồi đổ ra sông Sài Gòn - là khu vực lý tưởng để khai thác tuyến du lịch sông nước nội đô tầm ngắn, được kỳ vọng thu hút khách du lịch quốc tế.
Dòng sông kể chuyện
“Lễ hội sông nước - Dòng sông kể chuyện” là sản phẩm du lịch độc đáo của TP.Hồ Chí Minh. “Lễ hội sông nước” được kỳ vọng trở thành chuỗi sản phẩm du lịch sông nước thường niên của thành phố lớn nhất nước này.
Ngoài ra, Sài Gòn còn có 2 sản phẩm du lịch sông nước đặc sắc: Saigon WaterBus (xe buýt sông), Saigon WaterGo (thuyền du lịch). Ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật - chủ đầu tư dự án Saigon WaterBus chia sẻ: “Giao thông đường thủy trong thành phố có 2 giá trị lớn: độc đáo và duy nhất. Hai sản phẩm Saigon WaterBus, Saigon WaterGo mang sứ mệnh vừa vận chuyển vừa tạo ra “mặc định tính du lịch”, giúp kết nối cảm xúc của người dân thành phố và du khách khắp nơi đến đây” - ông Toản nói.
Nhiều năm qua, khách hàng của Saigon WaterBus được du lịch thăm thú cảnh quan sông nước và ngắm nhìn thành phố. Với đà tăng trưởng dần đều, trên 2 nghìn lượt khách mỗi ngày, WaterBus dần trở thành biểu tượng của du lịch đường sông ở TP.Hồ Chí Minh. Trên những bến tàu còn có chương trình âm nhạc “Có hẹn với Sài Gòn” làm gia tăng cảm xúc với chuyến du ngoạn.
Trong khi đó, WaterGo ra đời đúng dịp Tết 2024, là sản phẩm “đo ni đóng giày” cho du lịch đường sông Sài Gòn. Khách du lịch thưởng lãm sông Sài Gòn trong thời gian ngắn (45 phút) nhưng sẽ chạm đến những giá trị tinh hoa nhất của thành phố, từ các di sản kể chuyện văn hóa đến chuyện thương hồ lịch sử...
Các chuyên gia du lịch du lịch nhận định: “Du lịch sông nước phải là sự phát triển hài hòa giữa phần mềm - gồm các sản phẩm giao thông thủy trên sông (tàu, thuyền, buýt sông, cano…) và phần cứng là bến cảng, cảnh quan, đa điểm đến. Phát triển du lịch sông nước bất kể nơi đâu đều phải kể được câu chuyện của di sản và dòng chảy văn hóa lịch sử, mở ra không gian văn hóa sông nước, gợi lên cảm thức sông nước nơi du khách”.
Đó hẳn là điều làm nên thành công của du lịch đường sông tại TP.Hồ Chí Minh.