Lần đầu tiên những lô hàng ẩm thực của HTX Chế biến nông sản thực phẩm Bà Ba Hội (TP.Tam Kỳ) xuất khẩu sang Mỹ bằng con đường chính ngạch, mở ra cơ hội thúc đẩy các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông thôn Quảng Nam tự tin tiến vào thị trường rộng lớn nhưng cũng rất khó tính này.
Cuối tháng 12/2023, HTX Bà Ba Hội tiếp tục xuất lô hàng thứ 3 sang Mỹ là một container 50.000 gói mỳ Quảng ếch, trở thành doanh nghiệp đầu tiên ở Quảng Nam đưa món mỳ Quảng theo đường chính ngạch vào thị trường Hoa Kỳ phục vụ người Việt xa xứ ăn Tết cổ truyền.
Mở đường đến Mỹ
Khởi đầu với lô hàng 10 tấn cá nục rim xuất khẩu chính ngạch hồi tháng 7/2023, chỉ sau hơn 5 tháng, liên tiếp những sản phẩm, ẩm thực xứ Quảng đã có mặt ở thị trường Hoa Kỳ.
Nổi bật có thể kể đến 32 nghìn chiếc bánh chưng xanh nhập vào đất Mỹ hồi tháng 10/2023. Bà Huỳnh Thị Thu Thủy (người sáng lập HTX Bà Ba Hội) chia sẻ, để đưa sản phẩm sang Mỹ là cả hành trình gian nan và đầy nỗ lực.
“Vài năm trước, Bà Ba Hội chỉ là một cơ sở làm bánh chưng truyền thống, sản phẩm chủ yếu bán ở các chợ và khách quen. Nhưng với tâm huyết gìn giữ nghề truyền thống của gia đình, chúng tôi đã đầu tư máy móc, thiết bị để tạo ra nhiều sản phẩm không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn trong nước mà còn đáp ứng được các quy định khắt khe của thị trường quốc tế” - bà Thủy nói.
Có được thành quả trên, theo bà Thủy, các sản phẩm Bà Ba Hội không ngừng được chăm chút từ nguyên liệu cho đến hương vị, bao bì, mang đến cảm giác gần gũi, gợi nhớ vị quê hương cho cộng đồng người Việt xa xứ, đó cũng là cách HTX đưa sản phẩm xâm nhập thị trường Mỹ.
Với hơn 2,2 triệu người Mỹ gốc Việt đang sinh sống, Hoa Kỳ trở thành thị trường đầy tiềm năng để hàng hóa Việt Nam, nhất là những sản phẩm nông sản Quảng Nam tiếp cận người tiêu dùng.
Thời gian qua, mặc dù một số sản phẩm nông sản Quảng Nam cũng đã đưa ra thị trường thế giới, trong đó có Mỹ nhưng chủ yếu theo dạng tiểu ngạch, nhỏ lẻ gắn với các hoạt động du lịch.
Bà Đỗ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) khẳng định, ngoài sản phẩm Bà Ba Hội, đến thời điểm hiện tại chưa có một sản phẩm OCOP nào của Quảng Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Mỹ, do hầu hết có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, khó đáp ứng được các yêu cầu từ thị trường này.
Cần gia nhập chuỗi liên kết
Mặc dù sở hữu khoảng 330 sản phẩm OCOP cùng hàng trăm sản phẩm khởi nghiệp, làng nghề nhưng thực tế quy mô sản xuất, sản phẩm OCOP Quảng Nam khá nhỏ nếu hướng tới thị trường xuất khẩu.
Theo ông Hường Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương, doanh nghiệp OCOP Quảng Nam khó đủ năng lực tự xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ nếu không có đối tác phân phối.
Vì vậy, phải liên kết với nhà phân phối để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đây được xem là một trong những yếu tố then chốt để đưa sản phẩm OCOP Quảng Nam xâm nhập thị trường Mỹ cũng như thế giới.
“Việc Bà Ba Hội ký kết hợp tác với Công ty CP quốc tế LNS (LNS International Corporation) phân phối độc quyền sản phẩm vào thị trường Mỹ hồi tháng 7/2023 được xem là kết quả mang tính đột phá, mở đường cho các doanh nghiệp OCOP Quảng Nam tiến vào thị trường đầy tiềm năng này thông qua hình thức liên kết nhà phân phối” - ông Minh nhìn nhận.
Ông Hồ Hùng - Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu LNS Việt Nam cho biết, thị trường Mỹ rất rộng lớn, cộng đồng người Việt tại Mỹ khá đông đảo, đặc biệt họ luôn yêu thích, nhớ về quê hương với các món ăn đặc trưng từng vùng miền. Đây thực sự là cơ hội để các sản phẩm đặc trưng vùng miền vươn tầm khỏi Việt Nam đến với Mỹ và các quốc gia khác.
Ông Hùng chia sẻ: “Ngoài các sản phẩm đã xuất khẩu, chúng tôi cũng đặt hàng các sản phẩm bánh tổ, mực ống nhồi thịt, chả cá, mỳ hải sản, mỳ cá lóc, mỳ trộn..., những món ăn mà người Việt xa quê luôn nhớ về trong mỗi dịp tết. Chúng tôi mong rằng sản phẩm sẽ được người tiêu dùng đón nhận khi được phân phối chính ngạch tại các kênh phân phối của LNS và LV Food Supply tại thị trường Mỹ”.
Theo ông Hùng, để đưa sản phẩm địa phương ra thế giới, cơ sở sản xuất cần đáp ứng rất nhiều điều kiện như chất lượng, nhãn hiệu, tiêu chuẩn công bố, vùng trồng nguyên liệu, quy trình sản xuất...
Ngoài ra còn phụ thuộc mạng lưới phân phối tại mỗi quốc gia. Để sản phẩm nông thôn Quảng Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn cần phải tuân thủ những quy định tiêu chuẩn chặt chẽ và khoa học khác.