Việt Nam có tiềm năng vô cùng lớn về phát triển dược liệu. Thống kê của Viện Dược liệu cho biết, đến nay cả nước đã ghi nhận 5.117 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Đặc biệt, Việt Nam sở hữu nhiều loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu như: sâm Ngọc Linh, ba kích (hiện diện nhiều ở Quảng Nam), châu thụ (còn gọi thạch nam), ngân đằng…
Những năm gần đây, công nghệ sản xuất thuốc được quan tâm hơn, hiện có khoảng 200 doanh nghiệp với nhiều dây chuyền sản xuất thuốc hiện đại đã được đầu tư. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một nghịch lý là ta nằm trên “đống thuốc” giàu tiềm năng nhưng công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập. Phần giá trị sản xuất trong nước chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ do phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu làm thuốc, quy mô vùng cây dược liệu mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu sản xuất trong nước. Cả nước mới có chưa tới 300 cơ sở sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền, hơn 1.400 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng với nhu cầu chừng vài ba chục nghìn tấn mỗi năm.
Một tồn tại nữa đáng lưu ý là sự nghèo nàn về sản phẩm bởi quan niệm dược liệu là chỉ để làm thuốc chữa bệnh. Do vậy, cần thay đổi nhận thức về dược liệu, cần hiểu rộng như khái niệm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rằng sản phẩm nào góp phần tạo ra “tình trạng thoải mái về thể chất và tinh thần” thì đều là “thuốc”.
Với khái niệm đó, sản phẩm từ dược liệu sẽ bao gồm các loại rau ăn, đồ uống, lương thực, hương liệu, chất nhuộm màu thực phẩm,... để ăn, uống hằng ngày nhằm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; đến các sản phẩm chuyên sâu hơn như các sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm và cuối cùng mới là thuốc, như thuốc y học cổ truyền, thuốc dược liệu và thuốc “Tây”.
Nhận thức rõ các vấn đề nêu trên, Chính phủ đã có nhiều định hướng, chính sách, giải pháp về phát triển nguồn dược liệu và công nghiệp dược liệu. Đặc biệt cần nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển dược liệu Việt Nam (ngày 12.4.2017), nêu rõ 3 định hướng phát triển ngành dược liệu Việt Nam: Một là, phải nhìn nhận lại vai trò của dược liệu trong phạm vi quốc gia, từng địa phương và từng ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành y tế để chú trọng phát triển; phát triển công nghiệp dược với nguyên liệu là dược liệu trong nước phải là một chiến lược của ngành y tế. Hai là, phát triển dược liệu phải gắn với nhu cầu thị trường, trước hết là đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu; phải đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, tổ chức quản lý sản xuất theo chuỗi, chế biến sâu, bảo đảm chất lượng; tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn để phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực dược liệu; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm dược liệu. Thứ ba, phải tổ chức lại ngành dược liệu trong tất cả các khâu, trong đó chú ý khâu sản xuất, chế biến, sử dụng; tiếp tục khuyến khích khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, 3 năm qua Quảng Nam đã chú trọng nhiều hơn về phát triển vùng dược liệu với định hướng mục tiêu đầy kỳ vọng sẽ tạo nền tảng cho một trung tâm dược liệu lớn trong tương lai.
Song, Quảng Nam cũng gặp phải những vấn đề còn hạn chế tồn tại như đã phân tích về ngành dược liệu Việt Nam. Trong đó, cần nhận diện là việc tổ chức sản xuất một số cây dược liệu chưa có quy mô lớn, sản phẩm từ dược liệu còn nghèo nàn, đơn điệu do hạn chế tư duy dược liệu chỉ để làm thuốc. Nói thế để thấy rằng, muốn phát triển ngành dược liệu, Quảng Nam còn nhiều việc phải làm, mà trước hết phải thực hiện cho được Đề án “Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017 - 2025, định hướng đến năm 2030”.