(QNO) - Các sản phẩm OCOP, đặc sản Quảng Nam đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất tất bật chuẩn bị đơn hàng, đa dạng mẫu mã nhằm tung ra phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, sức mua giảm sút, một số doanh nghiệp cũng cân nhắc quy mô sản xuất.
Cơ sở sản xuất bánh khô mè của bà Phan Thị Ly (SN 1989 phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn) dù liên tục sản xuất hơn 10 năm nay nhưng chủ xưởng bánh này vẫn không khỏi lo lắng về sức tiêu thụ sản phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến.
Bà Ly trăn trở: “Ở thời điểm này vào những năm trước dịch COVID-19, chúng tôi đã sẵn sàng mè, gạo… để làm theo đơn đặt hàng. Nhưng đến thời điểm hiện tại thì xưởng chúng tôi vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn 2024, khó khăn hơn nữa là thị trường bánh khô mè của chúng tôi trên toàn quốc và nhất là khu vực phía Nam đang giảm sút đáng kể”.
Tương tự, chủ thể của đặc sản xứ Tiên là rượu vang lòn bon Phước Tuyên - sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao năm 2021, cũng chưa có ý định đầu tư mạnh vào thị trường tết năm nay.
Ông Tống Phước Tuấn - Giám đốc HTX Phước Tuyên (thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước) cho biết, sản phẩm rượu vang lòn bon ra mắt năm 2019 chưa tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
“Ra đời trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành nên mất gần 3 năm “giẫm chân" tại chỗ, đến nay chúng tôi mới có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường. Nhưng để sản xuất đơn hàng lớn phục vụ cho Tết Giáp Thìn 2024 sắp đến thì chúng tôi phải dè dặt bởi sản phẩm rượu vang lòn bon còn mới mẻ với người tiêu dùng, trong khi yêu cầu của thị trường từ chất lượng, mẫu mã đến giá thành ngày càng khắt khe” - ông Tống Phước Tuấn chia sẻ.
[VIDEO] - Rượu lòn bon xứ Tiên của HTX Phước Tuyên:
Để khắc phục những hệ lụy mà COVID-19 để lại, gần đây, các sản phẩm OCOP tổ chức triển khai các chính sách khuyến mãi, tham gia trưng bày, triển lãm, giới thiệu sản phẩm để tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường.
Gần đây, HTX Phước Tuyên đã đưa đặc sản xứ Tiên vào Cửa hàng đặc sản Quốc Bảo (xã Hòa Ninh, Hòa Vang, TP.Đà Nẵng). Ông Tống Phước Tuấn phấn khởi cho biết HTX đã ký kết được hợp đồng dài hạn với Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ và lên kệ gian hàng trưng bày vào đầu tháng 12 tới.
Trong khi đó, HTX Ngọc Lan (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) đang đẩy mạnh việc tìm kiếm đại lý, ký gửi sản phẩm tại các đại lý tạp hóa, mini mart và các chợ… để mở rộng thị trường nội tỉnh cho sản phẩm nước mắm cá cơm.
Theo bà Lê Thị Ngọc Tầm - Giám đốc HTX Ngọc Lan, hiện tại năng lực sản xuất của HTX đủ cung ứng cho nhiều thị trường nhưng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, công tác truyền thông quảng cáo chưa tốt nên sản phẩm OCOP này vẫn chỉ được biết đến tại thị trường Tam Kỳ, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh với lượng khách hàng nhất định.
Nhận thấy trong tỉnh vẫn là thị trường tiềm năng và có thể tiếp cận được nên tranh thủ dịp tết, HTX này xúc tiến tiếp thị với các kênh bán hàng trực tiếp là các đại lý tạp hóa, chợ để mở rộng tính nhận diện thương hiệu cho sản phẩm.
“Chúng tôi tiếp thị để khách hàng sử dụng và biết về một sản phẩm tốt thì họ sẽ nhớ thương hiệu nước mắm Ngọc Lan, rồi mua dùng cho những lần sau. Thị trường được chúng tôi ưu tiên phát triển là vùng nông thôn và miền núi với hy vọng tăng 30% tổng sản phẩm bán ra so với năm 2022. Tết này chúng tôi đang làm các gói quà khuyến mãi, mẫu mã được làm mới phù hợp với thị trường tết” - bà Tầm thông tin.
[VIDEO] - Bà Lê Thị Ngọc Tầm - Giám đốc HTX Ngọc Lan:
Các sản phẩm OCOP được xem là thích hợp để làm quà biếu hoặc gia đình dùng trong dịp tết, vì vậy, bên cạnh những thay đổi về mẫu mã, đóng gói phù hợp, các sản phẩm OCOP cũng chú trọng gia tăng chất lượng sản phẩm để làm hài lòng khách hàng. Năm nay, lòn bon được mùa nên HTX Phước Tuyên thu mua được 10 tấn lòn bon, trong đó có tới hơn 4 tấn được chứng nhận hữu cơ. Điều này giúp chất lượng làm cốt rượu sẽ tốt hơn hẳn.
“Qua quá trình sơ chế cẩn thận, lên men tự nhiên không chất bảo quản, sản phẩm rượu vang lòn bon được đóng chai với các dung tích 300ml, 500ml và 750ml. Đồng thời, chúng tôi cũng gửi mẫu phân tích đảm bảo các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ sở sản xuất của chúng tôi khẳng định rằng, khách hàng có thể yên tâm dùng rượu của HTX sản xuất bởi đã được cơ quan chức năng chứng nhận Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-1:2017 về nông nghiệp hữu cơ” - ông Tống Phước Tuấn quả quyết.
Ngoài ra, để chuẩn bị cho thị trường tết, mẫu sản phẩm rượu vang lòn bon mới ra đời là combo gồm 2 chai rượu hữu cơ đóng hộp đen sang trọng. Chủ HTX này kỳ vọng, combo sản phẩm rượu vang lòn bon sẽ là quà biếu tặng dịp tết, sản phẩm bán chạy đầu năm 2024.
[VIDEO] – Các sản phẩm đặc trưng xứ Quảng tiếp cận các đại lý để dễ dàng đến tay người tiêu dùng:
Quan tâm đặc biệt đến chất lượng sản phẩm, theo chị Phan Thị Ly, mỗi công đoạn, mỗi mẻ bánh khô mè xuất ra đều được kiểm nghiệm hương vị và tuân thủ nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, để sản xuất bánh khô mè làm quà, chị Ly sẽ hướng tới đáp ứng yêu cầu về kích cỡ bánh hay đặt nhãn hiệu, gói quà theo yêu cầu của các đại lý, tạp hóa. Tuy nhiên, bà vẫn khẳng định giữ trọn hương vị bánh gia truyền, hương vị đặc trưng xứ Quảng.
[VIDEO] - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu lưu ý về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất phục vụ thị trường dịp cuối năm:
Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị 13/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc bộ, các tập đoàn, tổng công ty, công ty, các hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án cung ứng hàng hóa và xử lý những biến động bất thường của thị trường.
Cụ thể, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có nhiều biến động về giá trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Đồng thời, chủ động tham mưu UBND tỉnh phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tết. Phối hợp với ngành ngân hàng hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn nhằm tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Sở Công Thương phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh thành và các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết, dịch bệnh, đánh giá năng lực sản xuất, nguồn cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng… Tổ chức các chuyến hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chuẩn bị tốt nguồn hàng chính sách, hàng hỗ trợ và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân. Chú trọng cung ứng hàng hóa cho các vùng bị thiệt hại do thiên tai với số lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo.