(QNO) - Đúng vào dịp Tết Nguyên tiêu Nhâm Dần - 2022, tôi cùng ê kíp truyền thông của Công ty CP TM Đạt (DAT FILM MEDIA, TP.Hồ Chí Minh) có chuyến hành quân lên biên giới để thực hiện các ấn phẩm quảng bá về đất và người Tây Giang thuộc dự án "Việt Nam trong tôi - My Vietnam" phục vụ cho công tác tuyên truyền Năm Du lịch quốc gia tại Quảng Nam.
Với tôi, chuyến đi này thật ý nghĩa và rất nhiều cảm xúc khi trở lại "quê hương thứ hai" của mình. Trong cái se lạnh sớm mai, dạo bước trên con đường quanh co dẫn lên Làng truyền thống Cơ Tu, phóng tầm mắt nhìn về xa xa những cánh rừng đại ngàn chìm trong sương mù giăng giăng, tôi nhớ lại rất rõ ngôn từ trong bài viết: Vóc dáng Tây Giang giữa đại ngàn Đông Trường Sơn của Đại tá, nhà thơ, nhà báo Lê Anh Dũng: "...Về với Tây Giang ta như được quay về với nhà mình bởi cái tình thân ái, gần gũi, mến khách. Đói ư, có khoai nướng đây, khát ư, có nước lá cây rừng đây, không có chỗ nghỉ ư, xin mời quý khách ghé nghỉ tại nhà gươl. Lạnh thì đã có bếp lửa quanh năm. Nóng thì đã có nước suối, có ngọn gió rừng hào phóng. Anh em văn nghệ sĩ, nhà báo khi đến được tiếp đãi ân cần chu đáo như người thân trong làng lâu ngày về lại; khi về được tặng quà, một thứ đặc sản mà chỉ có đồng bào Cơ Tu Tây Giang tặng, đó là 2 chai rượu ba kích "ông uống bà khen.".
Tây Giang là huyện miền núi phía tây Quảng Nam, thuộc đại ngàn phía nam dãy Hoành Sơn cách thành phố Tam Kỳ khoảng 180km, thành phố Đà Nẵng 125km. Đây là vùng núi non nơi biên ải, có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ; là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, có một kho tàng văn hóa Cơ Tu phong phú, giàu bản sắc dân tộc. Đồng bào Cơ Tu chân thật, hiền hòa, thân thiện và mến khách; đặc biệt họ có một niềm tin sâu sắc về lý tưởng của Đảng, của Bác Hồ.
Cái đích mà chúng tôi hướng đến trong cuộc hành trình này chính là chuyển tải bằng được những đặc trưng về bản sắc văn hóa của đồng bào Cơ Tu và góp một phần truyền thông nét độc đáo riêng có của người Cơ Tu Tây Giang giữ rừng, tạ ơn rừng.
"...Người Cơ Tu có tâm hồn trong sáng, sống hiên ngang, bất khuất, yêu cái đẹp, cái tốt, yêu rừng núi quê hương, ghét cái xấu xa, ghét bọn xâm lược, ghét bọn phản bội. Những con người đó rừng núi đã hun đúc nên, Đảng đã giáo dục, rèn luyện nên, là hiện thân của ý chí, của đường lối, chính sách của Đảng; họ xứng đáng là con cháu Cụ Hồ... Những con người bình dị ấy đã làm nên các sự kiện lịch sử, đã viết lên những trang sử oanh liệt nhất, hào hùng nhất của dân tộc mình." (Cónh Axơơp - Quách Xân, ngày 6.7.1986: Những sự kiện lịch sử Đảng bộ huyện Hiên 1945-1975, NXB Đà Nẵng).
Những dải rừng xanh nguyên sinh ở miền Tây Quảng Nam luôn chôn giấu trong lòng nó những bí ẩn của thiên nhiên. Khi nghiên cứu về văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi, Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn cho rằng: "Vùng rừng núi này không chỉ là lá chắn chiến lược về mặt quốc phòng, mà còn là lá chắn chiến lược về mặt sinh học, có nhiệm vụ bảo vệ môi trường sống cho con người và muôn loài khi vừa ngăn ngừa tác hại của gió nóng Tây Nam, vừa che phủ đồi núi vốn rất dốc của vùng đất Quảng Nam, cắt giảm sức mạnh của dòng lũ dồn chảy về xuôi gây nên lụt lội, phòng chống cả nạn xói mòn làm hỏng nặng đất đai.".
Thật vậy, rừng là môi trường sống chính yếu, cơ bản và thiết thân nhất của đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Nam nói chung và huyện Tây Giang nói riêng. Họ không thể sống thiếu rừng. Không có rừng, họ sẽ mất tất cả, sẽ tàn tạ, héo mòn. Khi đặt vấn đề với lãnh đạo huyện Tây Giang, làm thế nào để công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng gắn với phát huy văn hóa của đồng bào Cơ Tu cho mục tiêu phát triển bền vững của huyện Tây Giang? Bí thư Huyện ủy Bling Mia liền bộc bạch, ngày 16.2.2022 vừa qua, Huyện ủy Tây Giang ban hành Chương trình hành động về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2030; trong đó xác định quan điểm: "Rừng vừa là tài nguyên, vừa là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, vừa là yếu tố quan trọng của môi trường sinh thái và là tiềm lực to lớn góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh. Nhân dân Tây Giang quyết tâm giữ tốt rừng với tinh thần "rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất Tây Giang suy vong".
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Clâu Nghi chia sẻ thêm, việc xây dựng và bảo tồn, phát triển văn hóa, con người Tây Giang là nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đối với sự phát triển bền vững của huyện. "Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát triển phù hợp với bản sắc, truyền thống dân tộc Cơ Tu. Tiếp tục phát huy văn hóa vật thể như gươl, nhà sàn, trống, chiêng...; văn hóa phi vật thể như tân tung, da dá, hát giao duyên, nói lý, hát lý..." - ông Clâu Nghi nhấn mạnh.
Câu chuyện văn hóa rừng, tạ ơn rừng ở Tây Giang là câu chuyện dài đầy kỳ thú với nhiều chi tiết, hình ảnh phong phú, đầy bản sắc, là chuyện sống - còn của những người con Cơ Tu nơi biên giới Việt - Lào. "Rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất Tây Giang suy vong" - một thông điệp thật ý nghĩa không chỉ cho hôm nay và mãi mãi muôn đời sau.
Trước đây, rừng mọc tự nhiên và người dân bản địa sử dụng những sản vật của rừng. Mọi vật phẩm cần thiết (lương thực, thực phẩm), mọi vật dụng cần thiết (ngôi nhà sàn, cái gùi, cái gậy...) cho đời sống và cho sản xuất của đồng bào đều từ rừng mà có. Có rừng là có nương rẫy. Có nương rẫy là có gạo, là có thể sống được. Có cây rừng là có cuộc sống. Họ đốn cây về làm nhà. Rừng còn cho họ nhiều thứ nữa. Có rất nhiều loài thực vật trong rừng, như tre thân dài, tre nhỏ dày; lá tranh để lợp nhà; cây nấm, các loại trái cây, con thú để ăn; cả loại cây cho nước uống.
Rừng còn ngăn lũ lụt, động đất, cản gió. Rừng còn giúp điều hòa thời tiết. Rừng làm cho giảm mưa và lạnh, giảm gió nóng làm khô người. Mọi thứ trở nên ôn hòa nhờ rừng. Rừng không chỉ cho đồng bào thiểu số cái ăn mà còn cho họ cả cái để vui chơi. Rừng cung cấp cho họ nguyên vật liệu để làm nhiều thứ như nhạc cụ thổi bằng tre nứa... Rừng là tất cả cuộc sống của đồng bào thiểu số. Không có rừng họ sẽ chết. Chính vì vậy mọi yếu tố văn hóa của đồng bào thiểu số đều gắn với rừng. (tác giả Nguyễn Văn Bổn trong sách Văn hóa dân gian Quảng Nam - Truyện cổ các dân tộc thiểu số miền núi).
Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Arất Blúi, cho biết, lễ Tạ ơn rừng hằng năm là dịp để những người con Cơ Tu tập trung về làng và thể hiện lòng biết ơn "mẹ đại ngàn", năm qua đã phù hộ, độ trì dân làng khỏe mạnh, được mùa, được việc...
Công tác chuẩn bị cho lễ hội được các già làng phân công con cháu rất cụ thể, từ việc làm cây nêu, trang trí nơi cánh rừng và tại sân nhà gươl, đến việc chuẩn bị các vật tế thần linh...
Lúc này, các trai làng dùng trống chiêng vừa đi vừa đánh, vừa hú, gọi thần linh về chứng giám; chủ tế là già làng hô vang lời cúng: "Làng sống bao năm tất cả nhờ đất, ơn trời, nhờ Mẹ rừng ban phước, con cháu an lành, hạnh phúc. Rất biết ơn các thần linh đã bao bọc, che chở, nuôi nấng dân làng. Nhưng không thể tránh khỏi sai sót, nếu có trường hợp kẻ dại, người khờ, gây phiền nhiễu, đau buồn cho thần linh, nay làng lấy con dê, heo, gà này xin tạ tội, mong được tha thứ. Các thần linh đến đây phù hộ cho dân làng chúng con yên vui, mạnh khỏe, lúa ngô đầy kho, chóe chiêng đầy nhà, gia súc, gia cầm nuôi thả khắp rừng. Bao năm qua thần linh đã giúp dân làng sống khỏe, ở tốt, nay thay mặt dân làng, người già, con trẻ, trai gái xin tạ ơn rừng, tạ ơn Giàng, tạ ơn ông bà, tổ tiên, tạ ơn các thần núi, thần sông suối, thần của cải, nhà cửa. Bản mệnh nói không hết, đếm không đủ, kính mong bề trên nhận vật cúng và lượng thứ thiếu sót xảy ra. Hú... hú... hú...". (trích tác phẩm Tiếng Cơ Tu của tác giả Bhriu Liếc:, NXB Hội Nhà văn, 2017).
Đêm hôm đó cả làng múa hát vui vẻ. Ngày xưa, các cụ già còn thức khuya có khi đến sáng để khóc tế trâu. Trai gái trong làng tổ chức tiếp đón khách đến mừng và họ nổi trống chiêng, múa tâng tung, da dá; các bô lão thì quây quần bên bếp lửa nói lý, hát lý rất thân tình, đầm ấm...
Tâm sự với chúng tôi, Pơloong Plênh chàng trai trẻ Cơ Tu của núi rừng Tây Giang nói rất chân thành, rừng là vũ trụ hiền từ nuôi dưỡng, giáo dục cách sống hài hòa với thiên nhiên và cũng là nơi cuối cùng trong vòng đời sinh, lão, bệnh, tử của con người để rừng đón đứa con về khi về với cõi vĩnh hằng, về với mẹ rừng, với rừng xanh đại ngàn để rồi tiếp tục tái sinh thành những giọt sương long lanh tươi mát cho đời, cho con cháu Cơ Tu ngày sau.
"Rừng là người mẹ hiền, người cha hùng dũng, kiên cường che chở nuôi dưỡng họ trường tồn cùng với lịch sử phát triển của dân tộc và nhân loại. Rừng là cội nguồn của văn hóa Cơ Tu". - Pơloong Plênh, chàng trai ưu tú của núi rừng Tây Giang tự hào tâm sự và cất cao tiếng hát giữa đại ngàn Trường Sơn...
Nhà báo Đặng Loan - thành viên của Nhóm truyền thông My Vietnam cũng chia sẻ đầy xúc cảm: "Tây Giang đẹp, rất đẹp. Đẹp cả về phong cảnh, cả tình người. Việc giữ rừng, tạ ơn rừng của người Cơ Tu là cái văn hóa thiện lành, văn hóa biết ơn rất đáng được trân trọng.". Vâng, lòng biết ơn đúng nghĩa như là một "báu vật", là nền tảng tinh thần, góp phần làm nên giá trị đạo đức, văn hóa của mỗi con người. Marcus Tullius Cicero, một triết gia và là nhà hùng biện nổi tiếng thời La Mã cổ đại từng khẳng định: “Lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác của con người”.
Tây Giang bây giờ đã có một vóc dáng mới, một diện mạo mới diệu kỳ. Mừng lắm! Vui lắm!
Mới đó mà đã gần 20 năm Tây Giang tái lập. Ngày 20.6.2003 Chính phủ ra Nghị định số 72/2003/NĐ-CP về việc chia tách huyện Hiên thành các huyện Đông Giang và Tây Giang thuộc tỉnh Quảng Nam. Theo đó, ngày 8.9.2003 cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang huyện Tây Giang chính thức chuyển lên công tác tại huyện mới, trụ sở đóng tại xã Lăng.
Nhớ lại những ngày đầu xây dựng huyện mới, nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang Arất Típ đã nói tại buổi lễ kỷ niệm 5 năm tái lập huyện: “...Dù biết rằng đi xây dựng huyện mới rất là khó khăn, gian khổ, vất vả vì cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, điều kiện, phương tiện làm việc hầu như chẳng có gì mà chúng ta vẫn thường gọi là 5 không: không điện, không đường, không trường, không trạm, không thông tin liên lạc. Nhưng vì trách nhiệm với đảng, với nhân dân Tây Giang, đoàn cán bộ lên Tây Giang đã phấn khởi, hăng hái lên đường nhận nhiệm vụ cùng với toàn đảng, toàn dân phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân vùng biên...”.
Đến thời điểm 10 năm tái lập huyện, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Bling Mia xúc động nói: "10 năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà đã nỗ lực vượt khó, quyết tâm đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đạt được những thành tựu quan trọng. Kinh tế tăng trưởng nhanh, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng - an ninh được tăng cường, giữ vững ổn định chính trị, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, dân chủ trong Đảng và nhân dân được mở rộng… Vị thế Tây Giang được khẳng định và nâng cao trong 9 huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam.".
Và 5 năm sau, Bí thư huyện ủy Tây Giang Bhriu Liếc cũng bồi hồi xúc động nói với chúng tôi: "...Nhớ lại cách đây 15 năm về trước, Tây Giang huyện vùng biên giới khó khăn và cách trở nhất Quảng Nam; giao thông chính chỉ nhờ 15,3 km đường nhựa thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh qua 2 xã Bha’lêê và Avương, 18 km đường đất, hẹp, không có cầu cống của tuyến đường mở tạm phục vụ quốc phòng do tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng mở cách đó 12 năm về trước; các thôn, xã khác chỉ đi theo lối mòn với nhau, không dám mơ có đường ôtô...".
Đến nay, theo báo cáo của Văn phòng Huyện ủy Tây Giang, giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế tiếp tục ổn định và có bước phát triển, giá trị sản xuất toàn xã hội tăng bình quân hằng năm 7,75%. Kết cấu hạ tầng được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; toàn huyện có 115 khu dân cư được sắp xếp ổn định, 62/63 thôn có đường ô tô, với tổng chiều dài 456,7km. Văn hóa, xã hội, dịch vụ du lịch có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; thu nhập bình quân đầu người đạt 23,69 triệu đồng/người/năm; tổng lượt khách du lịch đến tham quan hơn 44.400 lượt. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng; đội ngũ cán bộ từng bước đáp ứng cho yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; bản sắc văn hóa của đồng bào Cơ Tu được bảo tồn, phát huy.
Nhà văn Nguyễn Bá Thâm - người đã có nhiều năm lăn lộn với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng tây Quảng Nam từ tuổi thanh xuân cho đến cái tuổi tri thiên mệnh, được anh em văn nghệ sĩ Quảng Nam đặt cho cái tên rất thân thương là người con của rừng" đã ghi lại trong bút ký ĐI DỌC ĐƯỜNG BIÊN (7.1992) rất nhiều chi tiết, hình ảnh thật đáng nhớ: "...thị trấn Prao - trung tâm huyện lỵ chỉ lèo tèo mấy cái nhà ngói, vài chục cái nhà tôn, hiu hắt, buồn tênh như một xóm núi nghèo heo hút. Đêm xuống, leo lắt mấy ngọn đèn dầu... Ngay sáng mai, chúng tôi sẽ rời Prao lên vùng biên - cái vùng núi hiểm trở, cao nhất Quảng Nam mà trong chiến tranh chống Mỹ được gọi là huyện Tây Giang và bọn Mỹ - ngụy đã ví: dốc Quảng Nam, gan cộng sản...". Quả thật, nếu lên các xã biên giới Tây Giang thời điểm này, người dân phải vượt qua "những đỉnh núi chọc trời cao vòi vọi, những dốc cao dằn mặt trùng trùng, những con dốc ù tai, dày đặc mây trời...
Mặc dù, câu chuyện "đi dọc đường biên" đã gần 30 năm nhưng đến hôm nay việc đi lại lên vùng biên ải vẫn còn đó rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa, ngày mưa...
Và còn nữa, khi chúng tôi thực hiện bài viết này thì thông tin từ hội nghị tổng kết công tác giảm nghèo bền vững năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, số liệu theo chuẩn nghèo đa chiều (mới) giai đoạn 2022 - 2025 thì năm 2021 huyện Tây Giang có 3.581 hộ nghèo (66,13%), 61 hộ cận nghèo (1,13%) và là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Nguyên nhân hộ nghèo tăng cao là do ảnh hưởng của các đợt bão lụt năm 2020, tác động của đại dịch Covid-19 và một bộ phận người dân chưa muốn thoát nghèo, còn trông chờ ỷ lại vào nhà nước.
Một vấn đề về khác rất quan trọng mà theo nhận định của huyện đó là văn hóa của người Cơ Tu cũng đã có những biến đổi nhanh chóng, một số loại hình văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một; tiềm năng, lợi thế về du lịch chưa được phát huy, cả về du lịch lịch sử, văn hóa, du lịch sinh thái...
Thiết nghĩ, huyện Tây Giang cần phải tiếp tục tiến hành một cuộc cách mạng về giao thông, xem đây như là giải pháp đột phá của đột phá. Trong đó, ưu tiên cho giao thông liên xã, liên vùng trong và ngoài huyện (Đông Giang, Nam Giang, A Lưới, Kà Lùm - Sê Kông, Lào); đặc biệt tuyến giao thông Aréc đi Aur - vào làng được mệnh danh là "làng Singapore" và đường đi lên Khu sinh thái Pơ Mu. Đồng thời, xây dựng, nhân rộng mô hình quản lý rừng cộng đồng gắn với cải thiện sinh kế cho người dân. Hình thành cho được các vùng chuyên canh sản xuất theo chuỗi giá trị thông minh phục vụ nhu cầu thị trường như đẳng sâm, ba kích tím, sâm Ngọc Linh, sa nhân, thất diệp nhất chi hoa, cam địa phương, măng cụt, bòn bon, táo mèo; tạo cho được những điểm nhấn về kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch sáng tạo tại địa phương. Một vấn đề rất quan trọng đó là cùng với việc bảo tồn, phát huy bản sắc độc đáo Cơ Tu cần chú trọng việc khảo sát lại để tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa phục vụ có hiệu quả cho phát triển du lịch như: Đường mòn Hồ Chí Minh và địa đạo tại A Nông, con đường muối từ Lăng đi Trhy, tượng đá có chữ cổ tại Achia, cột cờ biên giới...
Tôi có đọc những trang ghi chép của Nhà văn liệt sĩ - Anh hùng Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi, có đoạn ghi: “Nhân dân đối xử tốt, đầm ấm tới mức anh nghĩ mình có chết cũng không có gì đáng ngại... Biết lấy gì đền đáp xương máu nhân dân đã hy sinh không tính toán để bảo vệ cách mạng, những năm tháng này? Mai này, đất nước thống nhất, cách tưởng niệm xứng đáng nhất chưa phải là xây những tượng đài to tát mà phải là tạo dựng đời sống no đủ, hạnh phúc cho những con người còn sống”. (Theo Nhà văn Ngô Thảo, Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, 1.11.2021).
Để những ước vọng của người Cơ Tu nơi "cổng trời" trở thành hiện thực, góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho đồng bào nơi biên giới xa xôi, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành cũng cần tiếp tục quan tâm, có nhiều cơ chế, chính sách thật đột phá hơn nữa, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông và các chương trình phát triển kinh tế, du lịch cộng đồng, du lịch xanh, bền vững ở đại ngàn Tây Giang. Đây cũng là cách biết ơn, văn hoá biết ơn vậy!