(QNO) – Trong những tháng năm vào TP.Hồ Chí Minh học tập, lập nghiệp, ông Đoàn Lê Ngọc Phi Lân (xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình) – Giám đốc Công ty CP Sài Gòn GoldenCare luôn ấp ủ ý tưởng trở về Hội An thành lập, phát triển mạnh “thủ phủ” yến sào Cù Lao Chàm.
“Thủ phủ” yến sào Cù Lao Chàm sẽ là không gian trình diễn và bảo tồn những gì liên quan đến loài chim yến và sản phẩm yến sào, nơi du khách có thể tham quan trải nghiệm, tìm hiểu về nghề yến sào Cù Lao Chàm truyền thống gắn cùng lịch sử hàng trăm năm tồn tại, phát triển. Với ông Lân, đó cũng là cách tri ân tổ nghề, tri ân quê hương Quảng Nam đã giúp doanh nghiệp tạo lập thương hiệu yến sào nổi tiếng Best Nest Hội An.
"Bén duyên" với yến sào
Năm 1993, cậu thanh niên Đoàn Lê Ngọc Phi Lân (SN 1975) đậu Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh. Năm 1998 tốt nghiệp, ông Lân được giữ lại làm giảng viên nhà trường. Sau thời gian theo học tiến sĩ ngành Công nghệ thực phẩm tại Vương quốc New Zealand, ông Lân về nước đảm nhận vị trí Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghệ thực phẩm TP.Hồ Chí Minh. Đây cũng là khoảng thời gian ông tích lũy khá nhiều kinh nghiệm cho công việc kinh doanh sau này.
“Thật ra, tôi vẫn muốn gắn bó với ngành giáo dục, nhưng vì vướng lý lịch gia đình không thể bổ nhiệm vị trí cao hơn, nên năm 2011 tôi xin nghỉ việc” – ông Lân kể. Quyết định mang tính bước ngoặt này đã đưa ông Lân bén duyên với loài chim yến.
Thời gian đầu doanh nghiệp ông Lân chủ yếu sản xuất bàn ghế, tủ… cung ứng đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát, xuất khẩu đình trệ. Năm 2020, công ty dần chuyển sang kinh doanh những sản phẩm phục vụ sức khỏe con người như khẩu trang, yến sào... Trong đó, tập trung mạnh vào yến sào, bởi như ông nói, vì nó gắn với quê hương Quảng Nam và thương hiệu Cù Lao Chàm quá nổi tiếng. Sản phẩm yến sào Best Nest Hội An chính thức ra đời.
Vốn xuất thân ngành kỹ thuật và tận dụng cơ sở vật chất sẵn có nên việc tiếp cận, chế biến yến sào đối với ông Lân khá thuận lợi. Dù vậy, vấn đề khó khăn doanh nghiệp đối diện chính là nguồn nguyên liệu (tổ yến), đặc biệt giá thành sản phẩm cạnh tranh.
“Năm 2001 khi còn công tác ở Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.Hồ Chí Minh, tôi đã thí nghiệm chế biến một hũ yến thành phẩm, kết quả tổng chi phí hết 92 nghìn đồng, trong khi giá bán trên thị trường khoảng 45 nghìn” – ông Lân nhớ lại.
Vì vậy, khi bắt tay vào sản xuất thương mại, ông Lân đã xây dựng giải pháp toàn diện nhằm giảm chi phí. Trong đó, tập trung vào các vấn đề thiết yếu như giảm nhân công, ứng dụng quy trình công nghệ tự động, đàm phán giá nguyên liệu, bao bì… nhằm hạ chi phí thành phẩm yến sào Best Nest Hội An (thành phần yến 18%) xuống mức giá thấp nhất để có thể cạnh tranh được trên thị trường.
Phục hồi đàn chim yến Cù Lao Chàm
Hiện tại, mỗi tháng doanh nghiệp ông Lân nhập khoảng 400kg yến thô, chủ yếu từ các nhà yến ở miền Trung, một phần Tây Nguyên và miền Tây. Trong đó, khu vực lân cận Cù Lao Chàm và Quảng Nam chiếm trên 50% tổng sản lượng nguyên liệu nhập vào của nhà máy. “Sở dĩ tôi ưu tiên lấy yến tại Quảng Nam bên cạnh tình cảm quê hương thì yếu tố quan trọng nhất chính là chất lượng hàng đầu” – ông Lân nói.
Với 50 dòng sản phẩm, mẫu mã đẹp, yến sào Best Nest Hội An dường như đáp ứng nhu cầu mọi đối tượng khách hàng, từ trẻ em sơ sinh 9 tháng tuổi, 12 tháng tuổi trở lên đến sản phẩm dành cho mẹ bầu, phụ nữ trước và sau sinh, kể cả dòng sản phẩm yến nhân sâm cho phái mạnh hay sản phẩm chuyên biệt dành cho người già…
Đến nay, sản phẩm yến sào Best Nest Hội An gần như xuất hiện trên các kệ hàng siêu thị cả nước. Ngoài ra, còn được phân phối qua các kênh truyền thống và online. Bình quân mỗi tháng, khoảng 1,5 triệu hũ yến và 100kg yến tổ tiệt trùng được doanh nghiệp đưa ra thị trường.
Ông Lân tiết lộ, ông đang ấp ủ dự định xây dựng một “thủ phủ” yến tại Hội An nhằm không chỉ bảo tồn, phát triển nghề yến mà còn phục vụ khách tham quan, giúp mọi người hiểu hơn về nghề yến sào Cù Lao Chàm, Hội An, ước tính chi phí đầu tư khoảng 30 tỷ đồng (chưa tính đất đai, mặt bằng).
“Thủ phủ” yến hình thành hứa hẹn sẽ giải quyết việc làm cho trên 100 lao động địa phương. "Với tư cách là doanh nghiệp kinh doanh nghề yến, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm làm điều gì đó cho cộng đồng địa phương và quê hương Quảng Nam" - ông Lân chia sẻ.
Với vị trí thuận lợi và điều kiện tự nhiên ưu đãi, Cù Lao Chàm là môi trường sống lý tưởng cho loài chim yến. Theo Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam, tổ yến Cù Lao Chàm chứa hàm lượng dinh dưỡng quan trọng bao gồm 55% protein không béo và 18 loại axit amin thiết yếu cho cơ thể. Một số axit amin có hàm lượng cao như Aspartic acid, Serine, Tyrosine, Phenylalanine, Valine, Arginine, Leucine. Riêng acid sialic có hàm lượng 8,6% cùng 39 nguyên tố vi lượng như Ca, Fe, Mn, Br, Cu, Zn, Cr, Se… nên việc sử dụng yến sào Cù Lao Chàm mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
“Sắp tới, tôi sẽ dành một phần kinh phí phối hợp Ban Quản lý khai thác yến Cù Lao Chàm xây dựng Nhà bảo tồn yến, nơi chim yến có thể về trú ẩn an toàn nhằm giữ đàn yến nguyên thủy và vì số lượng chim yến hiện đã mất đi gần nửa so với trước”
Ông Đoàn Lê Ngọc Phi Lân
Điều trăn trở của ông Đoàn Lê Ngọc Phi Lân hiện nay là ngoài nguồn nguyên liệu tổ yến thiếu ổn định và việc xây dựng nhà yến tràn lan, vượt kiểm soát thì cần khẩn cấp khôi phục lại đàn chim yến Cù Lao Chàm với sự tham gia của nhà khoa học.