Cơ quan chức năng của tỉnh khẳng định không có cơ sở pháp lý xem xét, giải quyết giao lại đất ở đối với các trường hợp hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp có diện tích từ 750m2 trở lên để thực hiện 4 dự án trên địa bàn TP.Hội An. Vụ việc đang được UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét có hướng chỉ đạo cụ thể, nên đến nay vẫn chưa có kết quả trả lời cuối cùng.
Tỉnh thu hồi công văn
Hộ ông Nguyễn Tấn Minh (khối phố An Bàng, phường Cẩm An, TP.Hội An) là một trong 121 trường hợp bị thu hồi đất nông nghiệp có diện tích từ 750m2 trở lên thì được giao lại 200m2 đất ở có thu tiền sử dụng đất theo Công văn số 3706 ngày 19/7/2017 của UBND tỉnh.
Theo phản ánh của người đại diện được ông Nguyễn Tấn Minh ủy quyền tại buổi tiếp công dân định kỳ tháng 1/2024 của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh: Khi TP.Hội An triển khai dự án Khu đô thị An Bàng (phân khu 1) ở phường Cẩm An, gia đình ông Minh đã nghiêm túc chấp hành bàn giao toàn bộ diện tích 1.849,9m2 đất trồng cây hàng năm bị ảnh hưởng bởi dự án.
Thời điểm thu hồi đất, ông Minh có nguyện vọng xin được xét cho mua đất trong khu tái định cư phân khu 1 của dự án và được UBND TP.Hội An đồng ý; thể hiện tại Công văn số 3151 ngày 29/8/2017. Tuy nhiên, đến nay UBND TP.Hội An vẫn chưa giải quyết cho gia đình ông Minh được mua lô đất ở và chọn vị trí theo nguyện vọng.
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn Phước ghi nhận phản ánh của ông Nguyễn Tấn Minh và cho biết, đoàn sẽ tổ chức giám sát nội dung này trong năm 2024 để nắm sâu kỹ hơn, củng cố các cứ liệu. Trên cơ sở đó, có thể đề xuất hướng cơ quan thẩm quyền giải quyết vừa nhân văn đối với trường hợp của ông Minh cũng như các trường hợp tương tự, vừa thể hiện rõ trách nhiệm của cơ quan dân cử với công dân.
Giải thích nguyên nhân không thể giải quyết được đối với trường hợp của ông Nguyễn Tấn Minh, tại Công văn số 913 ngày 24/4/2023, UBND TP.Hội An cho biết: Ngày 6/7/2022, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 4374 về việc hủy bỏ Công văn số 3706 ngày 19/7/2017 của UBND tỉnh về việc giải quyết vướng mắc thu hồi đất nông nghiệp tại các dự án đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP.Hội An.
Theo tìm hiểu, tại Công văn số 3706 ngày 19/7/2017, UBND tỉnh thống nhất cho UBND TP.Hội An thực hiện giao 1 lô đất ở theo quy hoạch chi tiết phân lô tại các khu tái định cư đối với các trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp và có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi tại 4 dự án (Khu dân cư khối phố Lâm Sa - Tu Lễ - Xuân Hòa tại phường Cẩm Phô và khối Bàu Đưng, phường Thanh Hà; Khu dân cư Nhị Trưng - Cồn Thu tại phường Tân An; Khu đô thị An Bàng (phân khu 1) tại phường Cẩm An; Khu du lịch sinh thái ven biển Hội An - Holiday tại phường Cẩm An) đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố có diện tích đất thu hồi từ 750m2/hộ trở lên.
Với điều kiện, diện tích lô đất ở được giao không vượt quá 1 lần hạn mức giao đất ở tại địa phương; hộ gia đình, cá nhân phải nộp 100% tiền sử dụng đất theo giá đất ở khu tái định cư đã được phê duyệt và không cho nợ tiền sử dụng đất. Theo đó, có 104 hộ bị ảnh hưởng được UBND tỉnh thống nhất chủ trương giải quyết theo Công văn số 3706.
Không có cơ sở pháp lý
Trao đổi với ông Nguyễn Tấn Minh và người đại diện theo ủy quyền tại buổi tiếp công dân của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đại diện Sở TN-MT cho biết, cơ quan chuyên môn đã phải giải trình, kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 3706 ngày 19/7/2017.
Việc thu hồi đất nông nghiệp và thực hiện bồi thường bằng đất ở, hoặc đất phi nông nghiệp khác là trái với quy định Luật Đất đai năm 2013. Vậy nên, UBND tỉnh ban hành Công văn số 4374 ngày 6/7/2022 hủy bỏ Công văn 3706.
Bà Trịnh Thị Thanh Hải - Phó Chánh Thanh tra Sở TN-MT khẳng định, trường hợp của hộ ông Nguyễn Tấn Minh là không có cơ sở pháp lý để giải quyết. Sau khi có kết luận của Thanh tra tỉnh, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh Báo cáo số 237 ngày 22/12/2022 gửi xin Thủ tướng Chính phủ xem xét có hướng chỉ đạo cụ thể. Đến nay, Trung ương chưa có phản hồi về nội dung này.
Tại Kết luận thanh tra số 10 ngày 23/5/2022 về việc giao đất ở khi thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn TP.Hội An, Thanh tra tỉnh nhận định, việc UBND TP.Hội An đề nghị UBND tỉnh có cơ chế riêng cho phép giao lại đất ở khi thu hồi đất nông nghiệp theo Điều 48, Nghị định số 84 ngày 25/5/2007 của Chính phủ và Quyết định số 29 ngày 26/8/2008 của UBND tỉnh là trái quy định pháp luật. Vì tại thời điểm đề nghị các văn bản này đã hết hiệu lực pháp luật.
Phân tích các cơ sở pháp lý để kiến nghị UBND tỉnh có báo cáo gửi xin Thủ tướng Chính phủ xem xét có hướng chỉ đạo cụ thể, Thanh tra tỉnh cho rằng, 4 dự án nêu trên nằm trong quy hoạch có liên quan trước thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực.
Do các dự án chậm triển khai nên dẫn đến những vướng mắc trong công tác quản lý đất đai, thực hiện chỉnh trang đô thị; từ đó UBND TP.Hội An chủ trương tách các dự án độc lập để thực hiện nên dẫn đến những bất cập trong áp dụng văn bản pháp lý chuyển tiếp (Luật Đất đai 2003 và Luật Đất đai 2013).
Tổng cộng có 121 trường hợp, trong đó 100 trường hợp thuộc danh sách kèm theo Công văn số 3706 ngày 19/7/2017 (giảm 4 trường hợp) và 21 trường hợp phát sinh sau khi UBND tỉnh ban hành công văn này.
Theo ông Trần Hữu Quang - Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 (Thanh tra tỉnh), thời điểm đề nghị UBND tỉnh có cơ chế riêng như tinh thần của Công văn số 3706 là vì muốn đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, cùng với mong muốn đảm bảo cho các hộ bị thu hồi nhiều đất nông nghiệp có cơ hội chuyển đổi nghề, hỗ trợ cuộc sống sau giải tỏa. Tuy nhiên, phương án đổi 750m2 đất nông nghiệp trở lên lấy 1 lô đất ở theo Công văn số 3607 là không phù hợp với luật đất đai hiện hành.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Lý - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An chia sẻ, UBND thành phố cũng đang chờ phản hồi từ Thủ tướng Chính phủ như thế nào để thông tin kết quả cho các hộ dân biết.