Nông Sơn đang ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo hưởng chính sách người có công, hộ đăng ký thoát nghèo bền vững; phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống dưới 2%.
Động lực thoát nghèo
Dẫn chúng tôi thăm một vòng quanh vườn, bà Nguyễn Thị Nhựt (thôn Trung Nam, xã Quế Trung) kể, trước năm 2018 gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, thu nhập bấp bênh trong khi cả nhà có đến 6 miệng ăn nên cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau.
Từ năm 2010, vợ chồng bà mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn vay cho hộ nghèo để mua trâu, cải tạo vườn, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả. Với nguồn lương thực thu được từ hơn 1 mẫu ruộng lúa nước canh tác 2 vụ, gia đình bà tập trung đầu tư chăn nuôi gà, vịt đẻ với số lượng hàng trăm con. Đồng thời thực hiện cải tạo vườn cây ăn quả bằng các giống mới như bưởi da xanh, quýt đường, chuối…
“Thu nhập của gia đình nhờ thế mà dần ổn định hơn. Năm 2017, gia đình tôi mạnh dạn làm đơn đăng ký thoát nghèo” - bà Nhựt cho biết.
Cách thoát nghèo như gia đình bà Nhựt được xem là điểm sáng trong chương trình giảm nghèo bền vững ở địa phương. Nguồn lực hỗ trợ và các chính sách giảm nghèo từ Nhà nước là đòn bẩy thúc đẩy tinh thần vượt khó, vươn lên của người dân vùng nông thôn.
Như gia đình bà Nhựt, sau khi đăng ký thoát nghèo, ngoài tiền thưởng 5 triệu đồng, vợ chồng bà còn được hỗ trợ vốn vay 50 triệu đồng không lãi suất trong 36 tháng để tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, bình quân mỗi năm huyện Nông Sơn giảm 7% hộ nghèo.
Nếu như năm 2016, toàn huyện còn 2.555 hộ nghèo (chiếm 29,59%) thì đến năm 2019 còn 908 hộ (chiếm 10,19%) và đến nay chỉ còn 812 hộ (trong đó 568 hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội). Kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đã đưa 2 xã (Quế Lộc, Sơn Viên) thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; các vấn đề cơ bản, bức xúc nhất đối với hộ nghèo, cận nghèo như nhà ở, đất ở, đất sản xuất, y tế, giáo dục… đã được giải quyết kịp thời.
Chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giúp người nghèo có việc làm, tạo thu nhập ổn định để thoát nghèo bền vững…
Không chạy theo thành tích
Ông Lê Anh Tuấn - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết, Nông Sơn phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn dưới 2% (không tính hộ nghèo bảo trợ xã hội). Đồng thời phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm trên địa bàn (hiện còn 148 nhà ở của hộ nghèo, cận nghèo và 67 nhà ở gia đình chính sách cần hỗ trợ xây dựng, sửa chữa); hàng năm giới thiệu việc làm mới cho khoảng 200 lao động; người nghèo, cận nghèo đều được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, chế độ theo quy định của Nhà nước.
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo cho cả giai đoạn 2021 - 2025, trước mắt, trong năm 2021 Nông Sơn giao chỉ tiêu cho các xã phải giảm được 45 hộ nghèo (chỉ tiêu tỉnh giao 30 hộ). Nguồn lực hỗ trợ sẽ được ưu tiên cho các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, hộ nghèo hưởng chính sách người có công và hộ đăng ký thoát nghèo bền vững.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhưng không vì thế mà chạy theo thành tích, phải đảm bảo giảm nghèo thực chất. Huyện sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền làm cho người nghèo thấy được thoát nghèo là trách nhiệm của bản thân, gia đình. Đồng thời tiếp tục phát huy vai trò Mặt trận và các đoàn thể trong vận động, huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo…
Theo ông Lê Anh Tuấn, để tiếp tục triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo hiệu quả trong giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương cần rà soát tất cả mô hình, dự án giảm nghèo đã đầu tư, hỗ trợ hộ nghèo trong thời gian qua. Những mô hình nào hay, hiệu quả thì khuyến khích tiếp tục duy trì và nhân rộng để cho nhiều hộ khác làm theo.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ nhà ở, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất…, chính quyền cần chủ động, mở rộng, giới thiệu các sản phẩm đầu ra của các mô hình, dự án giảm nghèo cho nông dân qua các sự kiện quảng bá, kết nối tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ đó góp phần phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, người dân có thu nhập thường xuyên, ổn định.