Giáo dục Nam Giang, phủ sóng số

TRUNG VIỆT 13/02/2023 08:40

Chuyện số hóa trong giáo dục tại miền núi nhiều năm trước tưởng chừng là xa vời, nhưng nay lại khác. Tiện ích của chuyển đổi số là đúng, càng chậm thì càng thiệt thòi.

Quét mã code cho kết quả ngay trên màn hình tại một lớp học ở Trường THCS liên xã Cà Dy - Tà Bhing, Nam Giang. Ảnh: T.V
Quét mã code cho kết quả ngay trên màn hình tại một lớp học ở Trường THCS liên xã Cà Dy - Tà Bhing, Nam Giang. Ảnh: T.V

Sự thuận lợi từ tăng tốc số hóa trường học, có thể thấy ở Nam Giang. Ông Châu Văn Vĩnh Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Giang cho biết, một số trường đã nhanh chóng đưa phần mềm quản lý vào nhiều cấp độ, từ nhà trường, tổ chuyên môn, giảng dạy, chữ ký giáo viên đến học bạ, sổ điểm.

Năm học 2023 - 2024, phòng chỉ đạo đến hết năm 2023 các trường phải ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, kế hoạch hoạt động, giáo án, chữ ký, thu học phí không bằng tiền mặt. Hiện đã có 14 trường nội trú, bán trú thực hiện số hóa.

Đặc thù miền núi, kinh phí lẫn điều kiện địa lý không dễ dàng cho việc số hóa, tuy nhiên bước đầu có thể thấy một số trường khi được số hóa đã giảm bớt áp lực cho giáo viên trong họp hành, nhất là những xã giáp Lào như La Dê, La Ê, Chơ Chun đường sá xa xôi, khó khăn.

Để phục vụ công tác họp trực tuyến, thời gian tới phòng sẽ tham mưu cho huyện đầu tư phòng họp. Ước tính mỗi phòng khoảng 100 triệu đồng, thì số tiền cho 14 trường là 1,4 tỷ đồng; ngoài ra còn có nguồn ngân sách trung ương cho trong danh mục chuyển đổi số, áp dụng cho các trường còn lại.

“Họp có phòng trực tuyến, nhiều người sẽ tham gia được. Chủ tọa cuộc họp cũng sẽ quan sát, đánh giá được ai tham gia, ai không, thái độ họp ra sao. Về phía giáo viên, các thầy cô cũng sẽ thoải mái, chủ động” - ông Vĩnh nói.

Về phía nhân lực, đây là khó khăn, bởi một số trường không có giáo viên tin học, do tuyển không ra, hoặc không có vị trí tuyển chọn (như các lớp mầm non). Khắc phục việc này chỉ còn cách là nhờ anh chị em có chuyên môn ở các trường khác hỗ trợ. Nhưng muốn xây phòng trực tuyến thì phải có mặt bằng, đây là khó khăn ở miền núi vì kiếm mặt bằng không dễ, trong khi đó quy định của Bộ GD-ĐT là phải chuẩn cơ sở vật chất.

Chưa nói việc phải thực hiện đầy đủ danh mục tối thiểu liên quan đến đổi mới giáo dục, thì thiết bị dạy và học phải đầy đủ, trong khi đó đấu thầu thiết bị đang là việc… đau đầu. Còn nữa, mạng và cáp quang tại các xã vùng cao luôn gặp khó khăn vì địa hình phức tạp, đi về được các điểm trường thôn không dễ dàng.

Nam Giang đang chuyển mình theo hướng tích cực, đạt nhiều kết quả tốt trong dạy và học khi đặt trong đội hình giáo dục các huyện miền núi. Việc số hóa giáo dục càng sớm, càng nhanh thì càng rút ngắn khoảng cách tiếp cận công nghệ, tri thức, tạo ra năng lượng tích cực cho việc dạy và học ở miền núi, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giáo dục Nam Giang, phủ sóng số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO