Chương trình OCOP - Mỗi xã phường một sản phẩm đã tạo vị thế khác biệt cho nông sản xứ Quảng. Tuy nhiên, khá nhiều thử thách để sản phẩm OCOP đứng vững trên thị trường, buộc các chủ sản phẩm lẫn chính quyền phải có giải pháp phù hợp để đi đường dài...
Theo Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT) tỉnh, Quảng Nam có đến 106 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao cấp tỉnh, song số sản phẩm được người tiêu dùng biết đến và sử dụng thì chưa nhiều. Ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục PTNT cho biết, thời gian tới, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh sẽ đặt vấn đề ưu tiên kết nối, liên kết với doanh nghiệp, địa phương và các chủ sản phẩm cùng chuỗi cho các giai đoạn sau của chương trình. Đồng thời nâng cao ý thức kinh doanh của các chủ sản phẩm, nhà sản xuất để họ bước vào thị trường chuyên nghiệp.
ƯU THẾ MỚI, HẠN CHẾ CŨ
Các sản phẩm được xếp hạng OCOP dựa theo theo 3 tiêu chí cơ bản, gồm các đặc sản có công nghệ gốc và nguyên liệu ở địa phương, có gia tăng giá trị và không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Từng đó yếu tố đủ để định danh và định vị sản phẩm OCOP của Quảng Nam, đặc biệt đối với dòng sản phẩm dược liệu, lâm sản ngoài gỗ.
Đa dạng
Từ các loài củ rễ đặc hữu của vùng núi Quảng Nam như ba kích, chè dây, đẳng sâm, linh chi cho đến các loại nguyên liệu như nghệ, quế, rau lủi, rau má, sen, trà rừng, trầm hương, yến đang được tận dụng để làm nên các sản phẩm OCOP đặc trưng Quảng Nam. Ở các nhóm sản phẩm đã được xếp hạng và đang lưu thông trên thị trường, sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược của xứ Quảng nhận được phản hồi khá tốt. Ở vùng Phước Sơn, cây dược liệu đang được lựa chọn như thế mạnh để cải thiện sinh kế cho người dân địa phương.
Với sản phẩm sâm dây, chị Võ Thị Thủy - chủ sản phẩm này cho biết, từ sau khi được xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh, được gắn tem OCOP, sản phẩm của chị được người tiêu dùng trân trọng hơn. “Sâm dây là thế mạnh của rừng núi Phước Sơn. Lựa chọn sản phẩm đặc trưng để làm mũi nhọn, từ đây quảng bá các sản phẩm dược liệu khác của quê hương đang là hướng đi của cơ sở chúng tôi” - chị Võ Thị Thủy nói.
Khẳng định thế mạnh của địa phương là trồng các loại dược liệu như sâm và đẳng sâm, ông Vũ Đình Cuối – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phước Sơn cho biết đã tuyên truyền cho nông dân tham gia các tổ, nhóm, hội trồng cây dược liệu như sâm, đẳng sâm, ba kích, đinh lăng.
“Những dược liệu này đã có một số hộ thu hoạch, đem lại thu nhập khá cao. Trong thời gian đến, sẽ triển khai nhiều hơn nữa mô hình này với các hộ dân trên địa bàn để phát huy lợi thế của vùng núi cao” – ông Vũ Đình Cuối nói. Phước Sơn hiện có 5 nhóm hộ đang tham gia dự án trồng và chế biến cây dược liệu, bình quân mỗi nhóm hộ có từ 7 - 10 hộ tham gia.
Chọn lấy ưu thế từ nguồn nguyên liệu địa phương và phát triển nên các sản phẩm có giá trị, mang bản sắc của vùng đất là một trong những thành công của Chương trình OCOP Quảng Nam. Thống kê từ Viện Dược liệu, trên địa bàn tỉnh hiện có 832 loài dược liệu, trong đó có 36 loài cây thuốc quý nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Chưa kể, với các lợi thế từ tài nguyên du lịch đa dạng, nếu gắn phát triển các sản phẩm hàng hóa từ dược liệu với các sản phẩm dịch vụ về văn hóa và du lịch, có thể tạo nên một ngành kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa - cảnh quan - thảo dược.
Công nghệ lạc hậu
Vấn đề các địa phương có ưu thế về cây dược liệu gặp phải chính là thiếu kết nối với nhau, bắt đầu từ việc liên kết chuỗi trong phát triển nông sản, dược liệu, xúc tiến thương mại và hơn hết là không có tiếng nói chung về vùng nguyên liệu để khai thác tiềm năng và lợi thế dược liệu của mỗi địa phương. Nhận định của Trung tâm Nghiên cứu phát triển lâm sản ngoài gỗ (LSNG) cho biết, thực trang khai thác chế biến và bảo quản các loại LSNG của Quảng Nam còn khá mờ nhạt. Các loại như quế, sâm Ngọc Linh còn đang trong quá trình nghiên cứu phương pháp gây trồng cũng như kỹ thuật khai thác hiệu quả. Trong khi nhóm các sản phẩm dược liệu hầu như đang bị suy giảm mạnh ngoài tự nhiên do khai thác cạn kiệt. Cùng với đó, khâu sơ chế, chế biến vẫn khá yếu, dẫn đến giá trị sản phẩm chưa cao.
Theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu phát triển LSNG, toàn tỉnh hiện chỉ có 10 doanh nghiệp tham gia khâu chế biến nguyên liệu tre trúc, một số ít làng nghề, HTX và một số cơ sở chế biến và kinh doanh cây thuốc. Và các cơ sở này lại làm việc theo phương pháp thủ công là chủ yếu, quy mô nhỏ, không gắn với vùng nguyên liệu ổn định, công nghệ và thiết bị lạc hậu. Chất lượng sản phẩm thấp, mẫu mã bao bì còn hạn chế nên tính cạnh tranh trên thị trường chưa cao.
“Có thể thấy rằng tuy có thế mạnh về đa dạng loài cũng như loại sản phẩm LSNG với sản lượng khai thác hàng năm lớn, nhưng các hạn chế về kỹ thuật, công nghệ đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị và tiềm năng của dòng sản phẩm này” – ông Phan Văn Thắng - Trung tâm Nghiên cứu phát triển LSNG cho biết.
Giá trị chưa cao
Sản phẩm dược liệu, LSNG của Quảng Nam hiện nay được nhìn nhận dù rất đa dạng nhưng lại gặp khó ở chuỗi phân phối, lưu thông. Kênh thị trường tiêu thụ các sản phẩm này phức tạp, thông tin thị trường hạn chế và ảnh hưởng lớn đến giá cả sản phẩm. Thị trường tiêu thụ dòng sản phẩm vẫn chủ yếu thông qua khâu trung gian.
Hiện các sản phẩm LSNG được chia ra làm 3 loại. Loại thứ nhất là sản phẩm thô chưa qua sơ chế, giá thấp. Loại thứ 2 là sản phẩm đã qua sơ chế và giá sản phẩm đã cao hơn rất nhiều so với giá sản phẩm chưa qua sơ chế, có khi gấp 1,5 - 2 lần giá thu mua của người thu hoạch. Loại thứ 3 chủ yếu sản phẩm đã qua tinh chế, được người thu gom mua lại của các cơ sở chưng cất tại địa phương và được vận chuyển cho các công ty ở thành phố lớn hoặc tư thương Trung Quốc.
Giá thu mua giữa các tác nhân đầu - cuối trong chuỗi có sự chênh lệch lớn lên tới 300%. Giá sản phẩm LSNG biến động tương đối lớn do phải qua nhiều khâu trung gian vì phải chịu chi phí chung như vận chuyển, lệ phí...
Quảng Nam đang tiến tới hình thành “Trục văn hóa - nông dược Hội An - Tam Kỳ - Trà My”. Cùng với trục này, các dược liệu chủ lực của tỉnh bao gồm sâm Ngọc Linh (Nam Trà My), quế Trà My (Bắc Trà My), đẳng sâm (Nam Trà My) và ba kích (Tây Giang) đang được triển khai mở rộng chuỗi sản phẩm, đồng bộ từ vùng nguyên liệu, sơ chế, chế biến đến phân phối, tiếp thị sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều lỗ hổng cần phải xem xét để ưu thế khác biệt của vùng cao Quảng Nam được phát huy hết.
NÚT THẮT TỪ GIÁ THÀNH
“Nút thắt” lớn nhất hiện nay khiến cho các sản phẩm OCOP của Quảng Nam chưa thể vươn xa và tạo dựng chỗ đứng trên thị trường lớn, chính là vấn đề liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như khó cạnh tranh về giá thành với các sản phẩm cùng dòng.
Giá cao
Nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng lớn, cách đây 4 năm, HTX Nông nghiệp Điện Quang (Điện Bàn) quyết định đầu tư sản xuất và chế biến sản phẩm dầu phụng sạch “Đất Quảng” theo chuỗi giá trị. Riêng năm 2019, từ nguồn nguyên liệu thu mua của người dân địa phương, HTX Nông nghiệp Điện Quang chế biến và cung ứng ra thị trường tổng cộng 4.300 lít dầu phụng thương hiệu “Đất Quảng”. Dầu phụng “Đất Quảng” đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2018. Đây là tiền đề hết sức quan trọng để HTX mở rộng quy mô sản xuất, tiếp tục kết nối thị trường tiêu thụ nhằm phát triển một cách bền vững.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang, sản lượng tiêu thụ vừa nêu là quá khiêm tốn so với nguồn nguyên liệu khá dồi dào của vùng Gò Nổi và năng lực sản xuất của đơn vị.
“Do đảm bảo nguyên tắc “sạch” từ khâu trồng đến khâu thu mua nguyên liệu, chế biến sản phẩm nên dầu phụng của HTX có chất lượng tốt. Mà chất lượng tốt thì giá thành cao. Điều này dẫn đến khó khăn trong cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, HTX bán sỉ cho các đại lý, cửa hàng với mức giá 128 nghìn đồng/lít dầu phụng “Đất Quảng”. Các đại lý, cửa hàng bán lại cho người tiêu dùng với mức giá 149 – 155 nghìn đồng/lít. Trong khi đó, người dân tự trồng đậu phụng và ép dầu bán ra thị trường với giá 120 nghìn đồng/lít, còn các loại dầu thực vật thì chỉ khoảng 25 – 40 nghìn đồng/lít. Thực tế cho thấy, có không ít người tiêu dùng chọn những sản phẩm rẻ tiền hơn để mua nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm” – ông Thành nói.
Ông Thành cho rằng, nếu vấn đề đầu ra của sản phẩm được giải quyết tốt, việc nâng cao năng lực sản xuất, tăng sản lượng tiêu thụ dầu phụng “Đất Quảng” là chuyện trong tầm tay của HTX Nông nghiệp Điện Quang. Bởi, hiện nay vùng Gò Nổi của thị xã Điện Bàn có tiềm năng đất đai sản xuất đậu phụng theo phương thức hàng hóa tập trung khá lớn, trong khi đó kỹ năng canh tác của phần lớn nông dân đảm bảo yêu cầu theo tiêu chuẩn VietGAP. Như vậy, nguồn nguyên liệu tại chỗ phục vụ nhu cầu chế biến dầu phụng sạch là không đáng lo. Đặc biệt, với công suất chế biến 500 lít dầu/ngày, nếu một năm hoạt động liên tục 10 tháng thì cơ sở hạ tầng, hệ thống máy móc của HTX sẽ đảm bảo chế biến thành phẩm 150 nghìn lít dầu phụng.
“Trong trường hợp thị trường rộng mở, sản lượng tiêu thụ dầu phụng sạch tăng mạnh, chắc chắn chúng tôi sẽ gặp khó vì phải có nguồn kinh phí rất lớn để thu mua nguyên liệu dự trữ với số lượng lớn (số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng). Do hiện nay hầu hết HTX rất khó tiếp cận nguồn vốn vay từ những ngân hàng thương mại nên cần sự tiếp sức từ phía Nhà nước bằng các kênh vốn ưu đãi” – ông Thành nói thêm.
Khó tìm thị trường
Trong khi các sản phẩm OCOP trong tỉnh gặp khó ở đầu ra, thì các doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn lại phải nhập hàng, tìm kiếm sản phẩm từ các tỉnh thành khác về bán. Các mã hàng nông sản từ các siêu thị lớn có đến hơn 90% là hàng Việt, song số mặt hàng nông sản của Quảng Nam chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đại diện Sở NN&PTNT cho rằng, nguyên nhân là đa số chủ thể tham gia OCOP đều là các hộ sản xuất, doanh nghiệp, HTX quy mô sản xuất nhỏ nên rất khó kết nối với các siêu thị và chuỗi bán lẻ. Dù đã có các động thái từ nhiều doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên toàn tỉnh nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm OCOP, nhưng giá thành cùng sự “bấp bênh” về số lượng, chất lượng sản phẩm khiến các doanh nghiệp không dám mạo hiểm.
Ông Trần Thế Như Hiệp - Viện Khoa học và công nghệ Mekong, một doanh nghiệp đối tác của OCOP Quảng Nam cho biết, Quảng Nam cần có giải pháp gia tăng giá trị và mở rộng thị trường sản phẩm OCOP. Theo ông, nắm bắt được lợi thế của mình để có cách thích hợp tham gia thị trường là điều cần làm hiện nay. Tuy nhiên, không chỉ các hộ sản xuất nhỏ lẻ, mà các HTX hay các doanh nghiệp, công ty TNHH có sản phẩm được gắn sao OCOP cũng gặp khó trong việc tìm đầu ra cho các sản phẩm của mình. “Loay hoay” tìm kiếm đầu ra, tự xoay xở, liên hệ, kết nối, bán lẻ trên thị trường tự do là cách các chủ sản phẩm OCOP vận hành với sản phẩm của mình.
Chị Nguyễn Thị Việt - chủ cơ sở sản xuất tinh dầu quế Trà My - Minh Phúc cho biết, nguyên liệu sản xuất luôn được cơ sở kiểm soát đầu vào một cách kỹ lưỡng, chặt chẽ về chất lượng và nguồn gốc. Từ cây quế bản địa Trà My, hàng loạt sản phẩm bao gồm tinh dầu quế, túi thơm, bột quế và các phụ phẩm khác... được cơ sở sản xuất và tung ra thị trường từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, cũng dòng sản phẩm tinh dầu quế, tại Tiên Phước, HTX Nông dược xanh cũng tung ra thị trường sản phẩm tinh dầu quế. Hẳn nhiên, để phân biệt hai dòng sản phẩm này, đối với người tiêu dùng là một việc khá khó khăn.
THÍCH ỨNG
Chi phí để sản xuất các loại sản phẩm đạt chuẩn OCOP buộc phải cao hơn vì phải đáp ứng tất cả tiêu chí mới được công nhận. Song giá cả của sản phẩm OCOP vẫn bị “cào bằng” với giá thị trường, dẫn đến khó tiêu thụ các sản phẩm này.
Không chấp nhận “lỗ vốn” để giữ thương hiệu, các chủ sản phẩm OCOP tìm cách nuôi sản phẩm của mình. Ông Lê Văn An, đại diện cơ sở sản xuất sản phẩm Cao chè vằng miền Trung (Thăng Bình) chia sẻ: “Sản phẩm Cao chè vằng miền Trung đạt 4 sao OCOP cấp tỉnh. Cùng với cao chè vằng, chúng tôi có thể nhiều sản phẩm như tinh dầu, chè vằng tươi, khô. Các sản phẩm này sẽ phụ trợ cho cao chè vằng”.
Mỗi cơ sở sản xuất thường lựa chọn một sản phẩm để làm mũi nhọn và tập trung toàn lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đó. Sau khi trải qua các quá trình về thẩm định tiêu chí chất lượng sản phẩm từ các ngành hữu quan, sản phẩm được xếp hạng OCOP vừa đồng thời khẳng định tên tuổi của đơn vị sản xuất vừa được tạo cơ hội để tham gia các hội chợ, triển lãm. Đây là cách thức phổ biến hiện nay của các chủ sản phẩm OCOP, khi họ muốn định vị và giữ chỗ đứng cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng lại đặt dấu chấm hỏi khi có sự nhập nhằng giữa sản phẩm được công nhận và đơn vị sản xuất được công nhận? Do vậy, nhất thiết các sản phẩm OCOP phải được đăng ký thương hiệu và bảo hộ sản phẩm, tránh được sự nhập nhằng không đáng có.
Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNN cho rằng, để đẩy nhanh chương trình OCOP, sản xuất có hiệu quả, các địa phương cùng với doanh nghiệp và Hợp tác xã cần củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với Hợp tác xã và doanh nghiệp. Khuyến khích các đối tượng sản xuất, kinh doanh ở nông thôn khai thác tiềm năng về đất đai, sản vật, lợi thế so sánh của các địa phương, đặc biệt là các giá trị truyền thống để nâng cao giá trị hàng hóa.
Ông Vũ Xuân Trường - Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng: “Việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm hầu như chưa làm được nhiều. Nhãn hiệu là nỗ lực, tên tuổi và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, vì thế đừng để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Có không ít doanh nghiệp mải chú tâm phát triển, tiêu thụ sản phẩm cho tới khi sản phẩm có tên tuổi, thương hiệu trên thị trường, khả năng thương mại mở rộng phạm vi, lúc đó mới quan tâm thương hiệu, nhãn hiệu thì đã bị... đơn vị khác đăng ký trước”.
Để nâng cao hiệu quả chương trình OCOP, Quảng Nam vận động các chủ sản phẩm tiến hành xác định danh mục sản phẩm OCOP làm căn cứ đề xuất, đăng ký bổ sung với Cục Sở hữu trí tuệ để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời tỉnh yêu cầu các địa phương hướng dẫn các đơn vị sản xuất có sản phẩm OCOP thực hiện việc đăng ký bảo hộ, ghi nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn áp dụng, hợp chuẩn, hợp quy theo đúng quy định trước khi đưa sản phẩm ra thị trường...