Văn hóa - Văn nghệ

Gọi lại tên nhau, bạn ở chiến trường Khu 5

NGUYỄN BÁ THÂM 29/03/2025 08:47

(VHQN) - Với chiến trường Khu 5, những người được đào tạo tại lớp viết văn trẻ phục vụ chiến trường đều trở thành nhà báo, nhà văn có đóng góp tích cực cho ngày hòa bình.

images.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2023-6-20-144056-_tnb-58647.jpg
Các văn nghệ sĩ kháng chiến tại chiến trường khu 5. Ảnh: tư liệu

Lên đường

Cuối tháng 8/1970, Ban Tuyên huấn và Ban Thống nhất Trung ương phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam mở lớp đào tạo viết văn phục vụ chiến trường. Lớp có 73 học viên - trong đó có ba học viên của nước Lào, do nhà văn Nguyên Hồng trực tiếp phụ trách với sự trợ giúp của các nhà văn, nhà thơ: Phan Tứ, Kim Lân, Đoàn Giỏi, Thu Bồn, Võ Quảng. Đây là lớp đào tạo lực lượng viết văn phục vụ chiến trường miền Nam đầu tiên - kể từ ngày cách mạng miền Nam Đồng Khởi.

Sau 6 tháng học tại Trường Bồi dưỡng Viết văn Quảng Bá (nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội), ngoài 3 học viên Lào thì 70 học viên còn lại được Ban Thống nhất Trung ương phân đi các chiến trường: Trị - Thiên: 2, Khu 5: 24, Khu 6 (Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng): 5, nước Lào: 1, Đông Nam Bộ và Trung ương Cục: 38.

Chiều 15/4, các học viên đang ở khu A - đi chiến trường Nam Bộ và Khu 6 rời trường 105B. Chiều 16/4, các học viên ở khu B đi chiến trường Trị - Thiên và Khu 5 cũng rời trường. Chiều 27/5/1971, 19 học viên lớp viết văn trẻ vào chiến trường Khu 5 về tới Văn phòng Ban Tuyên huấn Khu ủy - bấy giờ đứng chân tại vùng giáp ranh giữa xã Leng (Trà Leng, Nam Trà My) và xã Phước Thành (nay là xã Phước Thành, xã Phước Lộc của huyện Phước Sơn).

Trong số 22/24 nhà văn trẻ (có 2 người không trực tiếp viết văn, viết báo) về chiến trường Khu 5, nhiều anh chị đã trúng bom pháo địch, có người bị thương rất nặng, có người đã cầm súng đánh nhau với địch khi chúng càn quét, lấn chiếm vùng giải phóng và hy sinh anh dũng như Nguyễn Hồng. Nhiều người sau 1975 bị nhiễm chất độc dioxin. Sau ngày đất nước thống nhất, có 9 học viên trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Hơn ba tháng ở tại Văn phòng Ban Tuyên huấn Khu ủy, vừa học chính trị, tìm hiểu kỹ hơn về tình hình cách mạng Khu 5, các nhà văn trẻ còn được các nhà báo kỳ cựu vào trước như Võ Thế Ái (Huy Minh), Đặng Phò (Đặng Minh Phương), Vũ Đảo, Hoàng Trà, Huỳnh Ngọc Lý... chỉ dạy cách viết và tồn tại ở chiến trường Khu 5 - đặc biệt là chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà.

Đây là vùng đất mà Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đặt căn cứ địa; giặc Mỹ và tay sai lập Khu liên hợp quân sự và đặt sở chỉ huy cho Quân đoàn I và Vùng I chiến thuật của chúng.

Cũng thời gian này, đoàn nhận tin dữ: nhà văn Trần Tiến (Chu Cẩm Phong) mới hy sinh tại Duy Xuyên, nhà thơ Nguyễn Mỹ bị địch giết tại Nước Ta (nay là xã Trà Leng, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My).

Nhắc tên đồng đội

Cuối tháng 8/1971, 19 học viên của lớp viết văn trẻ về Khu 5 đợt đầu được phân công về các tiểu ban: Trần Trung Kiên, Phạm Văn Song về báo Cờ Giải phóng; Trần Hữu Huy về tạp chí Tiền Phong - tiểu ban Huấn học; Nguyễn Khắc Phục, Trần Vũ Mai (Vũ Xuân Mai), Hoàng Minh Nhân (Hoàng Sơn), Từ Quốc Hoài (Nguyễn Văn Giáo), Hà Phan Thiết (Đoàn Tử Diễn), Đỗ Văn Đông (sáu người trên đã qua đời), Nay Nô, Hoàng Hởi, Bùi Thị Chiến, Phan Nghĩa An (Trần Văn Thành), Ngô Thế Oanh, Nguyễn Đức Hạt, Nguyễn Bá Thâm về Tiểu ban Văn nghệ (cơ quan của Chi hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ - sau tháng 5/1973 được đổi thành Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ).

Còn Vũ Thị Hồng (Nguyễn Thị Bắc Hà), Nguyễn Hồng (hy sinh tại Điện Bàn tháng 12/1973), Nguyễn Bảo được nhà văn Nguyên Ngọc (lúc đó là Trưởng ban Văn học Quân khu 5 - Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ) xin về Ban Văn học Quân khu (đã có Nguyễn Trí Huân là lính cùng học lớp viết văn trẻ vào trước đó theo tuyến quân đội).

z6406450130762_f73622269a0860010900d9258ca30eea.jpg
Các nhà văn kháng chiến về thăm lại chiến trường xưa tại Căn cứ Khu ủy Khu 5 - Bắc Trà My. Ảnh: XUÂN HIỀN

Đến đầu tháng 9/1971, 13 học viên viết văn trẻ được phân về tiểu ban Văn nghệ rời Văn phòng Ban Tuyên huấn Khu ủy để về nơi tiểu ban đứng chân. Gần hai ngày đường băng rừng, lội suối - từ xã Leng - các nhà văn trẻ mới về tới xã Ngheo (nay là xã Trà Ka của huyện Bắc Trà My). Trụ sở Tiểu ban Văn nghệ nằm sát ngay Nước Ngheo.

Đến cuối tháng 10/1971, các nhà văn trẻ được lãnh đạo Ban Tuyên huấn, lãnh đạo Tiểu ban Văn nghệ cử đi thực tế và viết tại các tỉnh trong khu vực. Trần Vũ Mai theo Thanh Quế đi Phú Yên; Đoàn Tử Diễn, Nguyễn Văn Giáo, Bùi Thị Chiến theo Cao Duy Thảo đi Bình Định; Nguyễn Đức Hạt, Hoàng Sơn đi Quảng Ngãi; Ngô Thế Oanh đi Quảng Nam; Nguyễn Khắc Phục, Nay Nô, Hoàng Hởi đi Đắk Lắk, Gia Lai. Còn Trần Văn Thành, Đỗ Văn Đông, Nguyễn Bá Thâm - người ở lại “trông nhà”, người đi trại sản xuất của Ban ở Nước Xa (Trà Mai), dốc Đoác (Trà Giác), sông Trường (Trà Giang) để tăng gia sản xuất gửi về Văn phòng Ban nuôi quân.

Tác phẩm trong lửa đạn

Đầu năm 1972, từ Phú Yên về, Trần Vũ Mai có truyện ngắn “Bậc biển” và bắt đầu viết trường ca “Ở làng Phước Hậu”. Từ Bình Định về Đoàn Tử Diễn viết được rất nhiều thơ, nhưng có bài thơ được nhiều người thích là “Tên em, khuôn mặt em”; Bùi Thị Chiến có truyện ngắn “Người vùng sâu”.

Nguyễn Đức Hạt từ Quảng Ngãi về cũng có một chùm thơ và bài được anh em thích là “Ngọn đèn của mẹ”. Từ Gia Lai, Đắk Lắk về, Nguyễn Khắc Phục có một chùm thơ nhưng khá nhất vẫn là bài “Cà đắng” và trường ca “Xamắc Cơcham” (Ăn cốm giữa sân); Hoàng Hởi có bài thơ “Taman”; Nay Nô có truyện ngắn “Đêm ở Ro”.

Trụ bám ở cơ quan hay ở trại sản xuất, Trần Văn Thành và tôi cũng mày mò, ráng sức làm được những bài thơ mà anh em bộ phận Văn của hội đánh giá là “viết được” - trong đó có bài “Thư gửi mẹ” (còn có tựa đề “Khát vọng”) và “Làng vùng trắng”.

Bốn học viên ở Ban Văn học Quân khu vừa về ban là xuất trận ngay. Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Hồng về Sư đoàn Ba (Sư đoàn Sao Vàng) đang quần nhau với Sư đoàn 22 ngụy quân tại Bình Định. Nguyễn Trí Huân sau đó đã có tiểu thuyết “Chim én bay”. Nguyễn Hồng có bút ký “Đêm cao điểm” (được Tặng thưởng của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1974 và in trong Văn miền Trung thế kỷ XX - NXB Đà Nẵng).

Vũ Thị Hồng đi với Sư đoàn 2, tham gia chiến dịch giải phóng Hiệp Đức, Quế Sơn và có bút ký “Dưới chân núi Chư Gan”. Nguyễn Bảo đi thực tế ở Mặt trận 44 Quảng Đà, về với Đại đội 2 Công binh - đèo Hải Vân, đi với Tiểu đoàn Đặc công Nước 471 - tiểu đoàn chuyên đánh phá tàu thuyền Mỹ - ngụy tại cảng Tiên Sa, vịnh Đà Nẵng, cầu Nam Ô, cầu Thủy Tú và đã có được truyện ký “Biển đêm” và truyện ngắn “Bạn đường”.

Từ cuối năm 1971 đến đầu năm 1975, cứ mỗi năm từ 6 đến 8 tháng, các nhà văn trẻ tại Khu 5 lại được đưa về các địa phương từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, đến sống và viết tại các vùng tranh chấp địch - ta, vùng sâu (xen kẽ giữa ta và địch). Các nhà văn trẻ còn trở thành cán bộ binh vận, vận động quần chúng tại những địa phương đang đi thực tế, lấy tư liệu sáng tác. Họ đã sống, viết và chiến đấu như một người lính ở chiến trường Khu 5 đầy cam go, ác liệt.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gọi lại tên nhau, bạn ở chiến trường Khu 5
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO