Hiệp Đức hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP

NHÃ PHƯƠNG 04/08/2020 04:47

Thời gian qua các cấp, ngành ở Hiệp Đức đã nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, nhất là tập trung hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm đạt chuẩn.

Nhờ sự hỗ trợ từ nhiều phía, năm 2019 tinh bột nghệ núi của Công ty TNHH Sản xuất – thương mại – dịch vụ Phương Nga (Tân Bình, Hiệp Đức) đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: N.P
Nhờ sự hỗ trợ từ nhiều phía, năm 2019 tinh bột nghệ núi của Công ty TNHH Sản xuất – thương mại – dịch vụ Phương Nga (Tân Bình, Hiệp Đức) đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: N.P

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp Hiệp Đức, ngay sau khi có chủ trương của cấp trên, đơn vị nhanh chóng tham mưu UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan đến việc thực hiện Chương trình OCOP gửi đến UBND các xã, thị trấn thông qua hệ thống q-office, email; đồng thời trong các cuộc họp, hội thảo, hội nghị... cũng giới thiệu, thông tin cụ thể cho các thành phần tham dự.

Cùng với đó, UBND huyện tiến hành kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện chương trình và thành lập hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện. Phòng NN&PTNT huyện cắt cử nhiều cán bộ chuyên trách cùng các chủ thể tham gia những khóa tập huấn do tỉnh tổ chức nhằm nắm bắt kỹ quy trình triển khai Chương trình OCOP.

Sau khi sản phẩm nấm bào ngư của Hợp tác xã Sản xuất - chế biến - tiêu thụ nấm Nhì Tây (xã Bình Lâm) được xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2018, huyện Hiệp Đức tiếp tục đăng ký thực hiện chương trình năm 2019 với 2 sản phẩm là tinh bột nghệ núi Hiệp Đức của Công ty TNHH Sản xuất - thương mại - dịch vụ Phương Nga và kẹo đậu phộng dẻo Phước Hiệp Đức của cơ sở Trịnh Thị Mỹ Phước (đều ở thị trấn Tân Bình).

Bà Trần Thị Mỹ Thạnh – cán bộ chuyên trách OCOP huyện Hiệp Đức cho biết, để việc thực hiện mang lại thành công, trong năm 2019 các chủ thể vừa nêu và ngành liên quan của huyện đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều khâu.

Cụ thể, ngoài việc Công ty TNHH Sản xuất - thương mại - dịch vụ Phương Nga và cơ sở Trịnh Thị Mỹ Phước tự đầu tư hơn 163 triệu đồng để mở rộng nhà xưởng, cải tiến bao bì, nhãn mác, UBND huyện Hiệp Đức đã hỗ trợ hơn 381 triệu đồng cho 2 đơn vị này đầu tư mua sắm các trang thiết bị như máy rửa, máy hút chân không, cối xay, máy sấy, máy vắt, máy nướng, máy chấn, kệ khung, quạt hơi nước... Đồng thời thiết lập mã truy xuất nguồn gốc, xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm và thực hiện một số phần việc khác.

“Nhờ chất lượng sản phẩm đảm bảo, được người tiêu dùng đón nhận, năm 2019 tinh bột nghệ núi của Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Phương Nga và kẹo đậu phộng dẻo của cơ sở Trịnh Thị Mỹ Phước đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh sau nhiều vòng chấm chọn” - bà Thạnh nói.

Ông Nguyễn Như Công - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho rằng, Chương trình OCOP giúp các chủ thể có sản phẩm có giá trị cao hơn, thị trường tiêu thụ rộng hơn và giá bán cũng ổn định hơn. Đồng thời tạo ra hướng đi mới trong sản xuất các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương, từng bước nâng cao hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Theo kế hoạch, bên cạnh việc tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng 3 sản phẩm đã được xếp hạng đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh trong 2 năm 2018 – 2019, năm 2020 này Hiệp Đức tập trung hỗ trợ phát triển 2 sản phẩm mới đã được đăng ký tham gia chương trình là ngũ cốc dinh dưỡng Hằng Moon của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Chanh (xã Quế Thọ) và bột mầm đậu nành nguyên xơ của cơ sở Lương Thị Hương Sen (thị trấn Tân Bình).

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệp Đức hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO