Văn hóa - Văn nghệ

Hiệp Đức ngày về...

NGUYỄN NGỌC HẠNH 30/06/2024 07:52

Gần hai mươi năm, lòng tôi vẫn bồi hồi trước một Hiệp Đức trung du hiền hòa...

Hiep Duc1
Hiệp Đức hôm nay. Ảnh: VINH ANH

Vùng đất anh hùng

Từ Bến Lội Thăng Phước, cầu treo Bà Chầu, cầu treo Tam Cấp, mỗi nơi là một câu chuyện dài trong quá khứ chiến tranh cho đến tận bây giờ.

Chúng tôi đến thắp hương ở giếng Hóc Mẹo, nhiều anh em xúc động rơi nước mắt… Một di tích trong lòng dân với câu chuyện lịch sử bi hùng của thời chiến tranh ác liệt.

Anh Trần Đoàn Minh Hiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lâm, là cháu nội của liệt sĩ Trần Vỹ hy sinh trong lòng giếng này, cho biết: sau Hiệp định Genève được ký kết, ngoài một số cán bộ ra Bắc tập kết, một số ở lại miền Nam hoạt động nhằm từng bước giành chính quyền về tay nhân dân.

Nhiều đồng chí bị bại lộ, nên địch vây ráp bắt bớ tràn lan, trong đó có 8 chiến sĩ bị địch sát hại dưới đáy giếng sâu này. Gần đó, ở miếu thờ Đỉnh Lạc Sơn, giặc đã bắt và vùi lấp 32 chiến sĩ đặc công trong một chiếc bọc câu vào năm 1969 một cách thương tâm.

Hiệp Đức là vùng đất có nhiều di tích lịch sử cách mạng. Chúng tôi đến thăm Khu di tích Khu ủy khu 5 ở xã Sông Trà, thăm di tích của thủ lĩnh Hường Hiệu, người đã hưởng ứng phong trào Cần Vương tại An Lâm, Bình Huề, đèo Đá Bon, đến viếng hương đình làng Phước Sơn cổ kính tồn tại hơn 400 năm - nơi có Vạn Phước Sơn một thời buôn bán sầm uất của những thương gia người Hoa từ Hội An lên; rồi thăm đồn điền cụ Đốc Ấm, người con rể của chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh trên đất Hiệp Đức cách đây hơn 80 năm, nơi gắn liền với tuổi thơ của nhà văn Phan Tứ một thời. Đó là chưa nói đến di tích lịch sử làng Ông Tía, mở đầu cho phong trào khởi nghĩa vũ trang ở các tỉnh Trung Bộ…

Phó Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức Trần Thị Hằng cho biết: “Thay da đổi thịt ở một làng quê mang rất nhiều ý nghĩa. Cải thiện đời sống của người nông dân khác với thị thành, không hề đơn giản. Dễ gì chuyển đổi tập tục, thói quen của người nông dân một sớm một chiều sang nếp sống công nghiệp; phải tính toán thật hợp lý trong phát triển và hội nhập, đặc biệt phải biết vận dụng, thích ứng với thực tế của một huyện miền núi trung du để tránh sai lầm trong chiến lược định hướng phát triển”.

Lưu dấu cùng nghệ thuật

Anh chị em văn nghệ sĩ, báo chí từ Đà Nẵng, Tam Kỳ, Hội An đã có một đêm khai mạc trại sáng tác ngay bên hồ Việt An thơ mộng. Chúng tôi thả hồn mình bên ngọn gió chiều mát lạnh. Trại sáng tác có lẽ là một trong những cơ hội để văn hóa địa phương lan tỏa sâu rộng, thông qua lăng kính của từng tác giả đã đến với vùng đất trung du này.

Hiep Duc 2
Hòn Kẽm Đá Dừng. Ảnh: Trần Văn Luận

Đêm mưa mùa hè, ngồi bên hồ Việt An, tôi thầm nghĩ đến hướng phát triển lâu dài về du lịch của Hiệp Đức. Du khách đến đây không chỉ tham quan những di tích lịch sử trong chiến tranh mà còn tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên của vùng đất này.

Thắng cảnh Hòn Kẽm - Đá Dừng và làng Trà Linh thơ mộng nổi tiếng đã lâu không riêng gì với bà con xứ Quảng. Du khách phương xa đã nghe nhiều về vẻ đẹp thiên nhiên thắng cảnh này, về Gành Tiên và Nước Mắt, chiêm ngưỡng những dòng chữ của người Chiêm Thành xưa khắc sâu vào mu Đá Bùa dưới chân Hòn Kẽm Đá Dừng thơ mộng.

Ai cũng mong được tận hưởng vẻ đẹp của Hòn Kẽm Đá Dừng với những truyền thuyết dân gian huyền hoặc của núi sông và bao mảnh đời nghèo khó từ vùng hạ du Thu Bồn ngược dòng khai hoang, mở đất từ những ngày xa xưa.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Huy Đằng cùng đi tôi cho biết, những ngày hè nóng nực, ít có mưa rừng, nước sông xanh, dòng cạn, đôi bờ gần nhau hơn, nước càng chảy xiết.

Nước từ mạch ngầm của Hòn Kẽm cứ theo các kẽ đá nhô ra, nhỏ tí tách quanh năm suốt tháng xuống mặt sông - như những giọt nước mắt muôn thuở của trần gian ngậm ngùi, thương xót những phận đời bất hạnh.

Hiệp Đức bây giờ đã khác xưa nhiều, không còn những con đường đầy bụi mù trong ngày nắng, lầy lội những ngày mưa. Điện đã thắp sáng khắp cùng thôn xóm. Những ngôi trường bên chân núi bây giờ đã lợp ngói mới, khang trang. Các em đến trường trong niềm vui tràn ngập mà tuổi thơ ngày xưa chẳng ai mơ nghĩ tới.

Chia tay Hiệp Đức trên đường về trong suy tư và tĩnh lặng. Nhạc sĩ Đình Thậm lái xe đưa tôi đi qua những con đường làng bê tông nhưng vẫn còn nghe đâu đây mùi rơm rạ làng quê từ ngọn gió ngoài đồng.

Chính giây phút ấy, nhạc sĩ Đình Thậm mở bài hát “Làng trong tôi” mà anh đã phổ nhạc từ bài thơ của tôi viết đã lâu rồi - cả hai chúng tôi đều dậy lên nhiều cảm xúc khi chia tay Hiệp Đức. Một huyện miền núi trung du hiền hòa, mới gặp lại mà như đã sâu đậm...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệp Đức ngày về...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO