Xã hội

Hiệp Đức nỗ lực đưa chính sách vào cuộc sống

MAI NHI - ANH ĐÔNG 04/10/2024 13:30

Trong 3 năm qua, huyện Hiệp Đức nỗ lực thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp - nông thôn, góp phần ổn định chỗ ở cho người dân, phát triển sản xuất và giảm nghèo bền vững.

1.jpg
Những năm qua, huyện Hiệp Đức tập trung hỗ trợ người dân phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế vườn. Ảnh: PV

Tập trung nguồn lực

Theo lãnh đạo UBND huyện Hiệp Đức, thực hiện Nghị quyết số 23 (ngày 22/7/2021) của HĐND tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 địa phương sẽ hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư đối với 202 hộ dân. Trong đó, 177 hộ thuộc đối tượng thiên tai, 5 hộ thuộc đối tượng rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, 20 hộ thuộc đối tượng đặc biệt khó khăn. Kinh phí phân bổ trong 3 năm (2021 - 2023) là 11,5 tỷ đồng.

Từ năm 2021 - 2023, Hiệp Đức đã thực hiện hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư cho 59 hộ dân trên địa bàn 5 xã với hình thức bố trí xen ghép 52 hộ và tập trung 7 hộ; kinh phí đã giải ngân hơn 4,4 tỷ đồng trong tổng số 11,5 tỷ đồng, đạt 38,4% kế hoạch.

Ngoài ra, địa phương còn lồng ghép nguồn vốn trung ương, tỉnh và các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ đầu tư xây dựng 2 khu tái định cư tập trung ở thôn Trà Nhan (xã Phước Trà) và vùng sạt lở Núi Gai (xã Bình Lâm).

3.jpg
Hiệp Đức tích cực tham gia quảng bá giới thiệu sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: PV

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho hay, qua 3 năm triển khai Nghị quyết số 23 của HĐND tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, hội đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nên đạt được kết quả khả quan.

Những năm qua, việc thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại theo Nghị quyết số 35 (ngày 29/9/2021) của HĐND tỉnh và Nghị quyết số 29 (ngày 7/10/2021) của HĐND huyện Hiệp Đức cũng mang lại hiệu quả đáng kể.

Ông Mai Thanh Sơn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, từ năm 2021 - 2023 tổng kinh phí phân bổ thực hiện cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết số 29 của HĐND huyện là 2 tỷ đồng. Ngành liên quan đã hỗ trợ xây dựng 99 khu vườn ở 10 xã, thị trấn với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

4.jpg
Quy mô sản xuất nông nghiệp của Hiệp Đức vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún. Ảnh: PV

Còn đối với cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh, từ năm 2021 - 2023 Hiệp Đức đã hỗ trợ xây dựng 68 khu vườn trên địa bàn 9 xã, thị trấn với tổng kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng. Nguồn kinh phí hỗ trợ đã khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân mạnh dạn đầu tư xây dựng nhiều mô hình kinh tế vườn có quy mô lớn.

Đáng chú ý, Hiệp Đức cũng nỗ lực triển khai hiệu quả cơ chế hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết số 17. Từ năm 2021 - 2023, huyện đã xây dựng được 5 dự án liên kết sản xuất do 4 HTX thực hiện với kinh phí hỗ trợ hơn 2,2 tỷ đồng.

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Mặc dù đạt được kết quả quan trọng nhưng thực tế cho thấy việc triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Hiệp Đức vẫn còn nhiều hạn chế.

5.jpg
Hạ tầng thủy lợi của Hiệp Đức chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: PV

Theo đó, công tác rà soát, đăng ký chỉ tiêu thực hiện sắp xếp, bố trí dân cư ở một số địa phương chưa sát với tình hình thực tế và nguyện vọng của người dân.

Các địa phương không có quỹ đất ở để bố trí, sắp xếp cho các hộ dân thuộc đối tượng phải bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư; công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn...

Ông Mai Thanh Sơn cho rằng, sản xuất nông nghiệp của Hiệp Đức còn mang tính tự phát, định hướng chưa rõ ràng, quy hoạch thiếu đồng bộ, đầu tư thâm canh hạn chế. Kinh tế vườn - kinh tế trang trại trên địa bàn huyện vẫn là ngành sản xuất quy mô nhỏ; giải quyết đầu ra cho sản xuất khó khăn; dịch bệnh trên cây trồng và con vật nuôi vẫn còn diễn biến phức tạp...

2.jpg
Kinh tế vườn - kinh tế trang trại trên địa bàn huyện Hiệp Đức vẫn là ngành sản xuất quy mô nhỏ, thiếu tập trung, chưa trở thành sản phẩm hàng hóa lớn. Ảnh: PV

Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được vùng chuyên canh cây trồng, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung…

Theo lãnh đạo UBND huyện Hiệp Đức, thời gian tới địa phương tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp – nông thôn.

Trong đó, từ nay đến cuối năm 2025, tiến hành sắp xếp, ổn định dân cư cho 143 hộ dân còn lại theo Nghị quyết số 23 của HĐND tỉnh, đảm bảo kế hoạch điều chỉnh. Thực hiện hỗ trợ phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại, đầu tư xây dựng mới 83 vườn và 5 trang trại để đến năm 2025 đạt chỉ tiêu kế hoạch theo Nghị quyết số 29 của HĐND huyện...

6.jpg
Mô hình trồng rừng gỗ lớn ở Hiệp Đức vẫn phát triển với quy mô nhỏ. Ảnh: PV

Ngoài ra, rà soát, điều chỉnh các mô hình hỗ trợ theo Quyết định số 813 (ngày 7/9/2021) của UBND huyện Hiệp Đức ban hành Đề án cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với nhu cầu của người dân để đạt chỉ tiêu đề ra.

Triển khai và thực hiện có hiệu quả phương án phát triển sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp chuyên canh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư chuỗi liên kết cung ứng, trồng, thu mua sản phẩm từ cây dược liệu...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệp Đức nỗ lực đưa chính sách vào cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO