Hỗ trợ giảm nghèo từ cơ sở

ĐÔNG ANH 28/12/2023 09:15

Các chính sách giảm nghèo của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) kết hợp với sự chung tay của cộng đồng đã tạo động lực thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo ở nhiều địa bàn khu vực miền núi.

Công tác giảm nghèo ở miền núi được quan tâm, tạo điều kiện giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: T.Đ
Công tác giảm nghèo ở miền núi được quan tâm, tạo điều kiện giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: T.Đ

Bà Cao Thị Trinh - Trưởng thôn Long Sơn (xã Trà Sơn, Bắc Trà My) cho biết, thôn Long Sơn có 329 hộ, trong đó 168 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2021 đến nay, toàn thôn Long Sơn đã xóa được 24 nhà tạm, gồm 15 nhà từ nguồn hỗ trợ của Mặt trận huyện, 9 nhà từ nguồn vốn các chương trình MTQG. Ngoài ra, có 49 hộ nghèo của thôn được hỗ trợ 500 triệu đồng để phát triển sản xuất với nhiều mô hình nuôi bò cái sinh sản, nuôi heo đen, gà, vịt…

Bên cạnh đó, công tác vận động, quản lý, phân bổ, sử dụng nguồn Quỹ vì người nghèo được thực hiện minh bạch, công khai; đã trao tặng quà cho hơn 100 người nghèo với tổng giá trị hơn 30 triệu đồng. Công tác cứu trợ đột xuất, nhất là phong trào đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện được đẩy mạnh với tổng số tiền hơn 20 triệu đồng…

“Giai đoạn 2021 - 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của thôn giảm từ 103 hộ (31,4%) xuống còn 33 hộ (10%); từ 50 hộ cận nghèo (15,2%) còn 5 hộ cận nghèo (1,5%). Đến nay, 100% người dân trong thôn có bảo hiểm y tế, 100% trẻ em được đến trường, hầu hết hộ gia đình được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh...” - bà Trinh cho hay.

Công tác giảm nghèo cũng được triển khai, phát huy hiệu quả ở thôn Tân Thuận, xã Hiệp Thuận (Hiệp Đức). Ông Phan Khánh Vương - Trưởng thôn Tân Thuận cho biết, toàn thôn 331 hộ, đa số người dân sống bằng sản xuất nông, lâm nghiệp.

Trong thời gian qua, thôn đã tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các chương trình MTQG, vận động hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo mạnh dạn tham gia các dự án phát triển sản xuất, với nhiều mô hình tiêu biểu như nuôi heo rừng lai, nuôi bò nái sinh sản, trồng bưởi da xanh, nuôi thỏ… Nhờ đó, đời sống nhân dân trong thôn được tăng lên rõ rệt, đặc biệt là hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm dần qua từng năm.

“Trước đây, người dân còn thụ động, chưa biết cách làm ăn, chưa biết vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt một số trường hợp còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, thiếu ý chí vượt khó, vươn lên.

Tuy nhiên, qua 3 năm (2021 - 2025) tổ chức thực hiện các chương trình, dự án đầu tư xây dựng, hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm... từ nguồn vốn các chương trình MTQG đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Nhiều hộ có điều kiện để vươn lên phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định, cải thiện điều kiện sống, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm” - ông Vương cho hay.

Theo ông Vương, để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, nguồn vốn chương trình MTQG giảm nghèo cần đầu tư tập trung, nên tăng cường nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, cần tăng cường thêm các nguồn vốn vay ưu đãi không lãi suất hoặc lãi suất thấp như vay hỗ trợ sản xuất, vay giải quyết việc làm, định mức vay cho mỗi hộ cần tăng lên để có thêm điêu kiện mở rộng sản xuất, tăng thu nhập phát triển kinh tế gia đình...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỗ trợ giảm nghèo từ cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO