Ngay từ khi bắt tay triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP, TP.Hội An đã có sự hoạch định bài bản, cộng với lợi thế từ việc tiếp cận nguồn khách du lịch lớn đã giúp sản phẩm tại địa phương sớm khẳng định thương hiệu và mang lại lợi ích thiết thực cho chủ thể thực hiện.
Định vị thương hiệu
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hội An phấn đấu có ít nhất 50 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, trong đó có 5 sản phẩm 5 sao. Phấn đấu có 5 sản phẩm OCOP tham gia xuất khẩu. Xây dựng hoàn thiện trung tâm OCOP vùng và phát triển từ 15 - 20 điểm bán hàng OCOP tại các nhà hàng, khách sạn (có sự hỗ trợ của Nhà nước). Đến năm 2025, phấn đấu nâng doanh số bán hàng OCOP trên địa bàn lên 25 tỷ đồng.
Ngay từ khi tiếp cận chương trình, UBND TP.Hội An đã thành lập “tổ giúp việc” cho chương trình giai đoạn 2018 - 2020 với 37 thành viên tư vấn, khuyến khích, hỗ trợ đắc lực cho các chủ thể mạnh dạn phát triển sản phẩm. Với các nhóm sản phẩm chính gồm thực phẩm, thảo dược, dịch vụ - du lịch nông thôn và lưu niệm - nội thất - trang trí, đến nay Hội An đã có 9 sản phẩm đạt hạng OCOP 3 - 4 sao cấp tỉnh. Ngoài ra, sản phẩm đèn lồng Hội An (đèn lồng Dé Lantana) của Công ty TNHH Dịch vụ Hoa Nam đang được UBND tỉnh đề nghị Trung ương thẩm định và phân hạng 5 sao.
Bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế Hội An cho hay, dự kiến thời gian tới Hội An sẽ có 5 sản phẩm có liên kết sản xuất, 13 sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, 13 sản phẩm có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Thời gian qua, thành phố cũng tổ chức các đợt tham quan, học tập kinh nghiệm cho cán bộ phụ trách OCOP, chủ thể sản xuất tại huyện Tiên Phước và cách tổ chức, phát triển chương trình OTOP (mỗi xã một sản phẩm của Thái Lan) tại Chiang Mai - Thái Lan.
Nguồn khách du lịch dồi dào là thị trường khách hàng mục tiêu tiềm năng mà các sản phẩm OCOP ở Hội An luôn cố gắng hướng tới. Các chủ thể OCOP trên địa bàn thành phố thường xuyên tham gia các sự kiện văn hóa - du lịch trong và ngoài địa phương để quảng bá sản phẩm đến du khách. Trong đó, “Chợ phiên Hội An” đang dần trở thành sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP Hội An mở rộng với không gian thân thiện, sản phẩm được kiểm định nên cộng đồng đón nhận.
Được biết, tổng sản lượng sản xuất các sản phẩm OCOP trên địa bàn Hội An trong 3 năm qua ước hơn 224 nghìn sản phẩm. Với 4 cửa hàng bày bán các sản phẩm OCOP, không chỉ sản phẩm OCOP của Hội An mà nhiều sản phẩm OCOP khác trên địa bàn tỉnh cũng được hưởng lợi, đến gần hơn với khách hàng.
Ông Phan Xuân Nguyên - chủ cơ sở sản xuất sản phẩm “đĩa chùa Cầu” (xã Cẩm Kim, TP.Hội An) chia sẻ: “Sản phẩm của đơn vị chủ yếu hướng tới khách du lịch và được du khách nước ngoài rất yêu thích mua về làm quà lưu niệm nên trong 2 năm 2018 - 2019 đạt doanh số rất khả quan. Đáng tiếc là bị chững lại trong năm 2020 này bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19”.
Cải thiện và nâng tầm
Theo các đơn vị có trách nhiệm triển khai chương trình OCOP tại TP.Hội An, có một thực trạng tồn tại là trong khi hầu hết sản phẩm địa phương được tiêu thụ mạnh (hơn 70%) tại chỗ nhờ vào nguồn khách du lịch dồi dào nhưng khi áp dụng tiêu chí về thị trường để đánh giá sản phẩm OCOP thì khung điểm lại thấp nhất nên rất cần cấp trên xem xét, điều chỉnh. Ngoài ra, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại Hội An thường sản xuất theo xu hướng thủ công được khách hàng đón nhận nhưng khi áp dụng khung điểm thì thường bị đánh giá thấp do không tinh xảo như làm bằng cơ khí.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, sau 3 năm triển khai, có thể thấy các sản phẩm 4 sao đều thuộc về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã có năng lực đầu tư; còn các hộ cá thể tiềm lực mỏng thì chất lượng sản phẩm còn khiêm tốn nên cần phải tập trung hỗ trợ nhóm này để nâng chất trong thời gian tới.
Tuy gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng về lâu dài TP.Hội An vẫn xác định thực hiện chương trình OCOP theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, có chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Thời gian tới, thành phố đặt mục tiêu củng cố, phát triển, nâng cấp 13 sản phẩm đã có; đồng thời phát triển mới các sản phẩm chế biến và chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm dịch vụ - du lịch.
Về kế hoạch xây dựng trung tâm quảng bá sản phẩm OCOP cấp vùng, cấp quốc gia tại Hội An, bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế Hội An nói: “Vừa qua, sau khi khảo sát kỹ lưỡng, tỉnh đã thống nhất vị trí dự kiến xây dựng ở phường Cẩm An nên thành phố cần nhiều thời gian để giải phóng mặt bằng trước khi có thể triển khai dự án này”.