Đời sống

Hội An trong tôi

NGỌC TRÂN 28/04/2024 10:52

Hội An, nơi tôi chào đời, luôn nằm trong trái tim. Hồi nhỏ, tôi ở Đà Nẵng, Sài Gòn, Lille rồi trở lại Sài Gòn. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua từ thời ấy.

57.jpg
Nếp nhà cổ phố Hội. Ảnh: Nguyễn Hữu Khiêm

Hội An, những năm trước 1975 là một thị xã ven biển, nằm xa quốc lộ, xa những khu vực giao tranh, không có cảnh lính tráng hay người tị nạn đông đúc từ những vùng ven đổ về như Đà Nẵng. May mắn thay, trong chiến tranh, vùng đất này không bị tàn phá và hiện tại cũng thoát khỏi cả việc bị đô thị hóa theo kiểu hiện đại.

Chuyện ngày xưa

Những ngôi nhà thấp tầng, mái ngói âm dương mát mẻ. Mặt tiền nhà thường gồm nhiều cánh gỗ ráp ngang để tiện mở ra buôn bán, phía trên là các chấn song gỗ nằm dọc – đều ngả màu thời gian - để gió và ánh sáng vào nhà. Y như thời hàng trăm năm trước. Nhờ vậy, con cháu sau này mới có cái để giới thiệu cho khách thập phương. Giờ người ta gọi là phố cổ.

Những con người sống trong đó thì sao? Trong gia đình tôi, phần lớn đều là những con người lặng lẽ và có phần nào cam chịu. Có phải do họ xuôi tay, đầu hàng hoàn cảnh? Không phải, mà vì cuộc sống thị xã lúc ấy chỉ như thế, không còn giữ được nền kinh doanh sôi động của hàng trăm năm trước. Rồi mọi người đều thích ứng với nếp sống yên bình đó. Dưới lăng kính người bây giờ, sống như thế quả quá buồn tẻ…

Hội An sớm hình thành cảng thị ngay từ thế kỷ thứ 17. Thời ấy, nó đã là một thương cảng quốc tế sầm uất, tấp nập thuyền bè từ các nước châu Á như Nhật, Trung Quốc, và những nước châu Âu như Hà Lan, Bồ Đào Nha… Trước thời này, nơi đây cũng đã là một thương cảng thuộc vương quốc Chămpa, nằm trên con đường tơ lụa trên biển.

Đến thế kỷ 19, mọi thứ lụi tàn dần. Người Pháp, sau khi xâm chiếm Việt Nam, đã phát triển Đà Nẵng thành một cảng thị do giao thông thủy thuận tiện hơn. Sông Thu Bồn chảy qua Hội An - gọi là sông Hoài, rồi ra Cửa Đại, ngõ vào ra biển của thị xã này, dần dần bị phù sa và lụt lội bồi đắp khiến tàu lớn không chạy được.

Thị xã còn lại chỉ là một bến sông nhỏ, nơi đón chào những chiếc ghe thuyền nhỏ bé. Thỉnh thoảng mới bắt gặp một chiếc ghe to lớn, với bụng phình ra, trên mũi có hai con mắt xếch mở to trông khá dữ dằn.

Ngày xưa, đường phố Hội An đã nhỏ hẹp, nhưng sớm trở thành nơi tụ tập sôi động ngay từ khi xe cơ giới chưa xuất hiện. May mắn thay, chính quyền các thời kỳ sau này đã không cho mở rộng đường - những con đường ngang dọc như bàn cờ, đi đâu người ta cũng gặp nhau. Hẳn họ hiểu, nếu sửa sang thì sẽ đụng đến những di tích đẹp đẽ của đô thị cổ này.

Sớm mở cửa

Ấn tượng nhất trong số các di tích đó chắc chắn phải là Chùa Cầu, được xem như biểu tượng của đền chùa miếu mạo nơi đây. Nó nằm vắt qua một con rạch chảy ra sông Hoài, nối hai con đường Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai.

3b281a920da0a3fefab1.jpg
Hội An hiện tại. Ảnh: X.H

Những ghi chép còn lưu giữ, vào thời kỳ đầu, cầu này được gọi là Nhật Bổn Kiều vì do khách buôn Nhật góp tiền xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 17, sau khi được phép của chúa Nguyễn. Chân cầu bằng đá, sàn lát ván, mái lợp ngói âm dương, chiều dài vào khoảng 18m, hai đầu cầu có chó đá và khỉ đá. Theo một số học giả Nhật, đấy là hai linh thú trong tín ngưỡng thờ vật tổ của người xứ Phù Tang.

Đến giữa thế kỷ 17, cầu mới có thêm chùa do người Minh Hương, tức người Hoa chạy sang Việt Nam tránh họa sát thân dưới triều đại Mãn Thanh, xây dựng. Xây để thờ Bắc đế Trấn Võ, một vị thủy thần được cho là chuyên trừ tà, ma quỷ và cả những tai họa do nước, lửa gây ra.

Đến năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu, trong một lần thăm cảng thị, đã cho đổi tên nó thành Lai Viễn Kiều – cầu của người từ phương xa. Qua đó, có thể thấy hàm ý của chúa: Với đường lối mở cửa giao thương, thương nhân từ các nước tới đây đều được xem như bạn bè và được đón tiếp ân cần…

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng trong tâm trí tôi, nơi sôi động nhất Hội An vẫn là khu chợ - nơi bà ngoại thứ của tôi (bà ngoại ruột, người Phúc Kiến lai, đã mất khi còn rất trẻ) mở cửa hàng gạo ở hiên nhà. Trong những ngày hè xưa, tôi thường ngồi bên bà, cạnh những thúng gạo, nhìn ngắm cảnh người qua lại, mua bán, nói cười huyên náo.

Đôi khi bà cũng cho người ra đầu chợ, mua cao lầu về để cả nhà thưởng thức. Món cao lầu, nghe tên, nhiều người tưởng là món của người Hoa, nhưng thật ra không ai biết nguồn gốc của nó. Đó là tô mì sợi dai đặc biệt, ăn với thịt heo xá xíu và rau sống, giá trụng, rất ít nước lèo. Trước đây Hội An có các tiệm cao lầu Ông Cảnh, Năm Cơ nổi tiếng (giờ đều không còn nữa).

Tiệm thứ hai đã đi vào một câu nói khái quát có vần có điệu: “Hội An có Hạ Uy Di, Chùa Cầu, Âm Bổn, cao lầu Năm Cơ”.

Bây giờ, mỗi khi về Hội An, tôi thường thuê xe gắn máy đi dọc những con đường quê hay thẳng ra bãi biển Cửa Đại. Ngày còn tôi bé, bà ngoại thứ của tôi thường thuê xích lô chở hai bà cháu ra đây tắm biển. Giờ tôi chỉ còn nhớ lại mỗi một chuyện là đi xích lô; ký ức về việc tắm biển thì đã phai mờ. Chuyện đã qua quá lâu rồi...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hội An trong tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO