(QNO) - Hỏi: Tôi muốn hỏi theo quy định mới thì sẽ có những trường hợp nào được bổ sung hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế.
Trả lời:
Tại khoản 10 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024 đã sửa đổi, bổ sung Điều 12 Luật Bảo hiểm xã hội 2008, nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng gồm:
- Người thuộc hộ gia đình cận nghèo;
- Học sinh, sinh viên;
- Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;
- Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của pháp luật;
- Nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản;
- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố theo quy định của pháp luật;
- Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã được xác định không còn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo quy định của Chính phủ;
- Người được tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú theo quy định của Luật Di sản văn hóa 2001;
- Nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người 2011.
Theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế 2024, số 51/2024/QH15 vừa được Quốc hội thông qua, đã bổ sung thêm 4 trường hợp được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng bao gồm:
(1) Nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản;
(2) Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố theo quy định của pháp luật;
(3) Người được tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú.
(4) Nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người 2011.
Căn cứ theo khoản 11 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024, mức đóng hằng tháng của nhóm đối tượng được hỗ trợ mức đóng tối đa bằng 6% mức tham chiếu do đối tượng tự đóng và được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng.
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế 2024 sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/7/2025.
Hỏi: Tôi muốn biết cụ thể về mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự tham gia như thế nào?
Trả lời:
Tại Điều 11 Nghị định 143/2024/NĐ-CP đã quy định về phương thức đóng và mức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
Về phương thức đóng: Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện đăng ký với cơ quan bảo hiểm xã hội theo một trong hai phương thức:
- Đóng 6 tháng một lần;
- Đóng 12 tháng một lần.
Người đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được thay đổi phương thức đóng. Việc thay đổi phương thức đóng được thực hiện sau khi đã hoàn thành chu kỳ đóng đã đăng ký trước đó.
Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện cụ thể như sau:
- Mức đóng 6 tháng bằng 6% tháng lương tối thiểu vùng IV; (hiện nay lương tối thiểu vùng IV theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP là 3.450.000 đồng/tháng).
- Mức đóng 12 tháng bằng 12% tháng lương tối thiểu vùng IV.
Thời điểm đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được thực hiện như sau:
- Lần đầu, ngay khi đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện;
- Lần tiếp theo, trong vòng 10 ngày trước khi hết chu kỳ đóng.
- Ngay khi đăng ký lại bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Điều 12 Nghị định 143/2024 cũng quy định việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Cụ thể người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ % trên mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động:
- Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc hộ nghèo theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn;
- Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc hộ cận nghèo theo mức chuẩn hộ cận nghèo khu vực nông thôn;
- Bằng 10% đối với người lao động khác.
Nghị định 143/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.