Trong các mũi tấn công vào chốt điểm đóng quân của địch luôn bố trí vài cán bộ của đội công tác địa phương để dẫn đường. Bằng tinh thần gan dạ, kinh nghiệm hoạt động địa bàn, họ góp phần đưa cách mạng đi đến thắng lợi qua những trận đánh thần tốc.
Một tinh thần bất khuất
Hơn 50 năm qua, da thịt đồng đội đã sống, trở thành một phần không thể thiếu trên cơ thể bà Phạm Thị Thanh (71 tuổi, ở khối phố Tân Thịnh, thị trấn Phú Thịnh, Phú Ninh). Đó là lần bị thương nặng nhất của bà Thanh trong suốt những năm hoạt động trong Đội công tác xã Kỳ Nghĩa.
Bà Thanh hồi tưởng, năm 1972, đang đi xây dựng cơ sở cách mạng, bà rơi vào trận pháo của địch. Chân gãy mấy khúc, da thịt một nửa cơ thể bị nát bấy, máu me đầm đìa.
Cán bộ, du kích địa phương cõng về tuyến sau chữa thương. Quân y phải bó chân, rồi dùng da, thịt một anh bộ đội miền Bắc đắp lên người để liền với phần cơ thể còn nguyên vẹn. Tưởng chừng không qua khỏi, song sau 7 ngày, quân y mở vết thương thì da, thịt sống được. Kỳ tích ở Kỳ Nghĩa lúc đó!
“Nằm điều trị vết thương mà nghe đạn bay, súng nổ thì lòng không yên. Tầm 5 tháng, nhờ hồi phục nhanh, tôi đi lại được nên xin lãnh đạo cho trở lại hoạt động. Cứ còn sức là còn đi” - bà Thanh kể.
Bản tính gan lỳ được bà Thanh tôi luyện từ khi còn rất nhỏ, lúc gia đình bà bị địch bắt đi giẫm bãi mìn. Lớn lên, tham gia vào các đội công tác, du kích địa phương, đối mặt với đạn pháo, họng súng kẻ thù trong những lần bị phục kích, truy lùng, bà chẳng còn biết sợ.
Tinh thần bất khuất, kiên trung, cùng với kinh nghiệm hoạt động địa bàn, nắm cơ sở cách mạng, bà được xã Kỳ Nghĩa tin tưởng, giới thiệu lên Sư đoàn 2 (đóng chân ở Núi Vú, xã Tam Lộc, Phú Ninh ngày nay) để phối hợp với trinh sát, dẫn đường các mũi tấn công, bắt đầu từ đêm 9/3/1975.
“Từ ngày 9 - 22/3/1975, ăn lương khô liên tục, người đói rã rời nhưng đến chạng vạng lại dẫn 4 trinh sát Sư đoàn 2 vào vùng địch ở Kỳ Nghĩa để khảo sát đường đi. Trinh sát đều tinh nhuệ, nhạy bén nhưng không thông thạo địa bàn.
Tôi dẫn họ đến những khu vực địch đóng quân, nổ pháo để đo, chấm điểm trên bản đồ tác chiến. Đây là bước quan trọng để vạch ra các mũi tấn công, giúp xe tăng, lực lượng chủ lực hành quân an toàn, vượt qua trận địa, đánh vào đúng mục tiêu chỉ định” - bà Thanh nhớ lại.
Sáng sớm 22/3/1975, bà tiếp tục dẫn đường lực lượng bao vây đồn Dương Bộ, Dương Tranh, Trà Gó…, buộc địch tháo chạy và đầu hàng hàng loạt. Mũi tấn công tiếp tục mở xuống Kỳ Anh, Kỳ Trung sẵn sàng tiếp ứng, đánh đuổi địch chạy ra từ tỉnh lỵ.
Dẫn đường giải phóng thị xã
Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh, từ 14 - 22/3/1975, lực lượng vũ trang tỉnh và huyện Thăng Bình, Bắc Tam Kỳ chia thành nhiều mũi tấn công vào cứ điểm, chốt điểm của địch ở vùng Đông Thăng Bình, mở rộng vùng giải phóng, từng bước áp sát thị xã Tam Kỳ.
Đồng thời chuyển bộ phận tiền phương của tỉnh về phía đông thị xã, tổ chức tiêu diệt trận địa pháo Nông Thị (Núi Cấm), đánh sập cầu Kỳ Phú, đánh bức đồn biệt lập 40, truy bức đồn Mụ Đợi, giải phóng hoàn toàn 3 xã vùng đông Tam Kỳ, khép chặt tỉnh lỵ Quảng Tín trong vòng vây của ta.
Trước tình hình đó, ngày 22/3/1975, Ban Thường vụ Thị ủy Tam Kỳ và Ban Chỉ huy Trung đoàn 1 - Sư đoàn 2 bộ binh tổ chức cuộc họp thông qua phương án giải phóng thị xã.
Ông Trần Chí Thành - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Bí thư Thị ủy Tam Kỳ cho biết, trong 3 mũi đánh vào thị xã, Thị ủy quyết định đưa cán bộ trong các đội công tác tham gia dẫn đường cho Trung đoàn 1. Bởi họ nắm chắc địa hình, rõ tình hình quân địch, quần chúng cách mạng.
Một mũi do ông Trần Công Định và Nguyễn Hoàng dẫn đường từ Phú Ninh, qua cầu Bà Ngôn hội quân tại ngã ba Trường Xuân, rồi đánh thẳng xuống tỉnh đường Quảng Tín. Hai mũi còn lại cùng xuất phát tại vườn ông Bản, thôn 6, xã Kỳ Trà (nay nằm dưới lòng hồ Phú Ninh), đến phía nam đồn Đèo Dài (gần đập xả tràn Tam Xuân ngày nay) thì tách làm đôi.
Mũi thứ nhất do ông Nguyễn Ngọc Anh (Đội công tác phường 3) và Nguyễn Văn Tâm (Đội công tác phường 2) dẫn đường đánh chiếm đầu cầu Tam Kỳ. Mũi thứ hai do ông Dương Thanh Xuân (nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Ninh, Đội công tác phường 2) và ông Nguyễn Hành (Đội công tác phường 3) dẫn đường Tiểu đoàn 2 đến xóm Cát (ngã ba Trường Xuân ngày nay) trước giờ G.
“Tôi tin tưởng giao anh Dương Thanh Xuân dẫn đường mũi quân quan trọng nhất. Đây là tiểu đoàn thiện chiến, có nhiệm vụ bọc lót ngay sau tỉnh đường Quảng Tín. Khu vực nào nổ súng, thì mũi quân này sẽ bọc hậu và quyết định trận đánh” - ông Thành kể.
Ông Dương Thanh Xuân nhớ lại, lễ xuất quân cho 2 mũi quân bắt đầu vào 17 giờ ngày 23/3/1975. Sau vượt trận địa pháo của địch để tập kết tại triền đồn Đèo Dài, mũi quân của ông Xuân dẫn đường tiếp tục vượt sông Tam Kỳ để về thôn Phú Ninh (xã Tam Ngọc), rồi xuống cầu Bà Ngôn, rẽ về hướng đông.
Suốt chặng đường, mũi vượt qua nhiều lớp phòng tuyến của địch, từ đại đội chốt giữ sân bay Ngọc Bích, Liên đoàn 12 Biệt động quân, rồi các lực lượng đóng tại đồi Ông Chí và dọc hàng rào ấp chiến lược thôn Đồng Hành… Khoảng 4h sáng 24/3/1975, mũi có mặt tại ngã ba Trường Xuân, đánh chiếm cầu Trường Xuân, chặn đứng lực lượng chi viện của địch.
“Khoảng 5 giờ sáng, pháo lệnh từ các trận địa đánh vào các mục tiêu tỉnh Quảng Tín. Mũi quân tôi dẫn đường đánh ngược từ ngã 3 Trường Xuân lên sân bay Ngọc Bích. Phía trực diện, các lực lượng chủ lực của ta cũng nổ súng, đưa xe tăng tiến đánh. Hai mặt đều bị bao vây nên Liên đoàn 12 Biệt động quân chỉ giằng co trong vòng 1 tiếng đồng hồ, rồi tháo chạy theo hướng kênh Ba Kỳ.
Khoảng 8 giờ sáng, các lực lượng hội quân tại ngã ba Trường Xuân, chia làm nhiều mũi tấn công vào tỉnh đường Quảng Tín. Riêng mũi quân của tôi dọc theo đường Trần Cao Vân, tiến đánh Trung đoàn 6 đóng tại nhà máy nước, chiếm bãi xe tăng, quận Tam Kỳ, rồi mở rộng ra đánh chiếm các ty, sở gần đó” - ông Xuân kể.
Phía nam, mũi tiến công do ông Nguyễn Ngọc Anh và Nguyễn Văn Tâm dẫn đường làm chủ cầu Tam Kỳ, đưa xe tăng tiến vào thị xã, phối hợp với 2 mũi quân thị xã và các mũi của Trung đoàn 31 (Sư đoàn 2), Tiểu đoàn 72 (Tỉnh đội) đánh vào các cơ quan đầu não của địch.
Ông Trần Chí Thành kể: “Quần chúng nghe tiếng xe tăng, mang cờ đã chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó, phất cao, đứng dậy cùng đẩy đuổi địch ra khỏi thị xã. Đúng 10 giờ 30 phút ngày 24/3/1975 thị xã Tam Kỳ được hoàn toàn giải phóng, lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc tỉnh đường Quảng Tín.
Ngay sau đó, thị xã Tam Kỳ thành lập Ủy ban quân quản, tổ chức chính quyền ở các địa phương, phân công các đội công tác lập lại trật tự địa bàn. Đồng thời tổ chức tiếp quản quân trang, khí giới, cơ sở vật chất địch bỏ lại tỉnh đường”.
Trong hồi ức của ông Trần Chí Thành, ông Dương Thanh Xuân hay bà Phạm Thị Thanh, vẫn còn in sâu hình ảnh những ngày tháng 3 lịch sử. Giữa niềm vui giải phóng tràn ngập từ thành thị đến nông thôn, là những khoảng trống miên man… Nhiều đồng đội đã nằm lại, hy sinh cho Tổ quốc, cho quê hương. Và cho đến tận hôm nay, khoảng trống ấy vẫn vẹn nguyên, đầy thổn thức!