Hương vị cổ truyền...

LÊ QUÂN 29/09/2023 14:34

(VHQN) - Qua hàng trăm năm, bánh trung thu ở Hội An vẫn nguyên vẹn hương vị cổ truyền bởi những lớp người kế nghiệp nghề của cha ông.

La Phúc Long - con trai ông La Tân Nam kế nghiệp nghề làm bánh trung thu truyền thống từ ông cha mình. Ảnh: Lê Trọng Khang
La Phúc Long - con trai ông La Tân Nam kế nghiệp nghề làm bánh trung thu truyền thống từ ông cha mình. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Những người con của ông La Tân Nam (phường Tân An) vẫn ngày đêm miệt mài làm nên những chiếc bánh trung thu với hương vị riêng có của người Hội An. Vốn người gốc Hoa, gia đình ông La Tân Nam trọng lễ tiết và xem những lễ hội truyền thống như nguyên tiêu hay trung thu là dịp để cháu con mình biết thế nào là nguồn cội.

Những ngày này, gia đình ông ai cũng tất bật. Tiếng khuôn bánh gõ vào nhau làm nên thứ thanh âm đặc biệt bên cạnh hương thơm ngào ngạt tỏa ra từ những chiếc bánh nướng mới ra lò. Sự hấp dẫn ngày càng trở nên bí ẩn bởi cái vị gia truyền của người Hoa trong từng chiếc bánh.

Nước hoa bưởi tạo mùi thơm cho vỏ bánh, mứt quật trong nhân bánh, thịt mỡ, khúc bí hay lạp xưởng đều là từng thứ nguyên liệu phải được chuẩn bị trước cả tháng.

Để một cái bánh truyền thống, trong nhân phải có mười mấy vị, khi nhấm nháp tất cả quyện lại mới cảm nhận được hương, vị của bánh trung thu cổ truyền. Nhân bánh dẻo có các loại đậu xanh, hạt sen sên đường.

Nhân bánh nướng thường là vị mặn, phong phú nguyên liệu và gia vị như gà quay, thập cẩm hạt, lạp xưởng…, đặc biệt là không thể thiếu trứng muối. Ông Nam nói sản phẩm nhà mình không có chất bảo quản nên chỉ làm theo đơn đặt hàng, hạn sử dụng cũng chỉ từ 10 ngày đổ lại.

 

Bánh trung thu là vật phẩm đặc trưng và khá phổ biến trong mâm lễ cúng rằm trung thu ở Hội An. Phần nhiều các lò bánh ở phố cổ là của người gốc Hoa và thường làm theo quy mô gia đình.

Những người Hội An “muôn năm cũ” hẳn chỉ muốn mùa trăng nhón chiếc bánh từ tiệm ông Xường ngày xưa. Bây giờ, mùi hương cũ được dựng lại từ người con trai - chính là ông La Tân Nam, người kế nghiệp từ nghề làm bánh thủ công của gia đình mình.

Khoảng đầu những năm 1940, Hội An có các tiệm bánh được người dân quen gọi tên người chủ thành tên hiệu, như tiệm ông Xường (đường Trần Phú), Xáng Thạnh (đường Hoàng Văn Thụ), bà Ba Ịn (con gái thứ của gia đình Xáng Thạnh, nhà tại đường Nguyễn Thái Học), Quảng Hòa Lợi, Hoàng Hiệp (đường Bạch Đằng), bà Ba Dĩnh… Sau đó có tiệm bánh Duy Nhất, Đồng Lợi... (đường Lê Lợi), Phú Hòa, Phú Nhi, Phú Dinh, ông Đờn (đường Nguyễn Thị Minh Khai).

Bây giờ, không còn nhiều tiệm bánh thủ công như nhà ông Nam ở phố cổ. Càng hiếm những gia đình vẫn duy trì nghề làm bánh trung thu vào mỗi mùa trăng tròn tháng Tám. Bởi những chi li vất vả trong từng thứ nguyên liệu mà mỗi chiếc bánh đúng điệu cổ truyền phải có.

Nhưng may thay, vẫn còn đó những người trẻ muốn giữ lấy tâm huyết của cha ông mình. Con trai của tiệm bánh đậu xanh Nghĩa Ảnh nức tiếng Hội An thuở nào, bây giờ mở tiệm bánh Hưng Phát. Người phố cổ còn chỉ thêm một địa chỉ khác - cũng là người nối nghiệp gia đình làm bánh ở số nhà 15 Lê Lợi.

Đại diện Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, các tiệm này đều chế biến ở quy mô nhỏ, mỗi mùa trung thu chỉ từ hai đến ba trăm bánh nướng và bánh dẻo.

Họ nhận đặt hàng từ người quen biết ở địa phương và cả những vị khách du lịch đã từng thưởng thức bánh của tiệm vào các mùa trước. Họ làm, chỉ vì muốn tiếp nối nghề thủ công gia truyền của gia đình. Bên cạnh đó, một mưu cầu lớn hơn, là sẽ có những thế hệ sau họ tiếp tục giữ bí kíp nghề để không làm đứt quãng mạch nguồn văn hóa truyền thống này.

 Trong danh sách đại diện cộng đồng, nhóm người thực hành di sản Tết Trung thu ở Hội An, hai vị nằm trong Ban trị sự của Minh Hương Tụy Tiên Đường và Hội quán Phúc Kiến trở thành những chứng nhân đối với lễ hội dân gian truyền thống này. Cụ ông Tăng Xuyên (sinh năm 1937) và ông Trần Thế Quý (sinh năm 1943) như những pho tư liệu sống về những mùa trăng trong lịch sử ở phố cổ Hội An.

Theo truyền thống, Tết Trung thu tại đình làng, Văn Chỉ Minh Hương, Hội quán Phúc Kiến..., người dân tham gia xô cộ “cướp” bánh, xem múa thiên cẩu, nhận quà bánh. Nhiều hội quán của người Hoa cũng tổ chức đêm rằm trung thu cùng thưởng trăng, uống trà, ăn bánh nướng, bánh dẻo và ngâm thơ...

Đặc biệt, vào thời điểm cúng rằm (thường là từ sáu giờ chiều ngày 14 hoặc 15 âm lịch), vì nhà cửa hai bên đường phố cổ san sát vào nhau, nên những bàn cúng rằm trung thu tạo thành dãy phố lung linh ánh nến, khói hương nghi ngút hòa cùng ánh sáng lung linh của đèn lồng trên các công trình kiến trúc cổ, tạo thành một không gian thiêng giữa phố cổ Hội An. Cúng lễ vào thời khắc trên trở thành nghi lễ quan trọng của Tết Trung thu ở Hội An và cũng là một không gian đặc biệt, gây nhiều ấn tượng với những người đến từ phương xa.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hương vị cổ truyền...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO