Văn hóa

Huyền sử những bến sông trên lối về cố quốc

HỨA XUYÊN HUỲNH 26/01/2025 16:57

(VHQN) - Hơn 7 thế kỷ trôi qua kể từ ngày cuộc hôn nhân Chăm - Việt khởi sự, ngoài những dòng chính sử ngắn gọn cũng mở ra nhiều trang huyền sử. Chỉ riêng lối về cố quốc của Huyền Trân công chúa thôi cũng được hậu thế “phác thảo”, từ đó mịt mờ và bồi lở những bến sông…

1(1).jpg
Bến ngự trên sông Cổ Cò, cạnh chùa Quán Thế Âm ở Ngũ Hành Sơn.Ảnh: H.X.H

Lối về mở dấu...

Đoạn sử chép lại sự kiện từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1307 trong “Đại Việt sử ký toàn thư” kèm lời bàn của sử thần Ngô Sĩ Liên được hậu thế tiếp nhận với không ít điều ngờ. Tháng 5, vua Chế Mân mất, tháng 10 vua Trần sai Nhập nội hành khiển thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung và An phủ sứ Đặng Văn sang Chiêm Thành tìm cách đón công chúa Huyền Trân về nước.

Đoàn của Trần Khắc Chung mượn cớ làm lễ viếng, lập kế ra bờ biển làm lễ chiêu hồn rồi sẽ lên đàn thiêu. Giới sử học có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Trong “Việt Nam sử lược”, sử gia Trần Trọng Kim viết ngắn gọn: “(Vua Trần) Anh Tông được tin ấy, sai Trần Khắc Chung giả mượn tiếng vào thăm để tìm kế đưa công chúa về”. Trong một công trình nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, giáo sư Lê Thành Chơn cũng nhắc: “Trần Anh Tông cấp tốc phái một vị tướng tới Vijaya và dùng kế cướp được công chúa đưa về Thăng Long bằng đường biển”…

Đường biển được lựa chọn và chép lại. Nhưng đó là lối nào, ngang qua đâu, dừng đâu? Chính sử không chép càng thôi thúc các nhà nghiên cứu.

Quay về bằng đường biển, gồm cả soái thuyền của Trần Khắc Chung, thì có lẽ không ổn vì “vướng” gió. Ít nhất phải chờ đến khi nồm rộ. Quy luật gió mùa từng được nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường phân tích rõ. Gió mùa đông bắc từ tháng 10 âm lịch đến tháng 3. Gió mùa tây nam từ tháng 5 đến tháng 9, uốn theo hình dạng bờ biển miền Trung thành gió đông nam (gió nồm). Khoảng giữa là thời lặng yên hoặc gió nồm nhẹ (đông đông nam)… “Tháng giêng động rài, tháng hai động tố, tháng ba nồm rộ, tháng tư nam non”, ngư dân miền Trung cũng thừa kinh nghiệm.

“Dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về”, một nghi vấn treo lơ lửng vì hải quân Chiêm lúc ấy nổi danh thiện chiến. Vậy là có một giả thuyết khác: thuyền lớn của quân nhà Trần vẫn đậu chờ gió nồm, còn thuyền nhẹ cùng đoàn tùy tùng đi theo đường riêng.

Nhưng họ đi theo lối nào? Tương truyền, đoàn giải cứu Huyền Trân công chúa rời kinh thành Vijaya (Đồ Bàn, Bình Định) ra bắc, vào cửa Đại rồi theo Lộ Cảnh giang (sông Cổ Cò) men ra Đà Nẵng, có dừng lại gành đá Nam Ô một thời gian. Nhà nghiên cứu Đặng Phương Trứ, người có nhiều công trình về Huyền Trân công chúa, còn nêu kiến giải táo bạo hơn: Đoàn tùy tùng có thể đi đường bộ, băng qua các động Chiêm trước khi đến Quảng Nam rồi xuôi dòng Trường Giang ra Hội An, theo Lộ Cảnh giang ra cửa Hàn…

Bến sông xưa nay đâu?

Lối về cố quốc, nếu theo đường sông vừa “phác thảo”, đã lưu dấu ít nhất 2 bến đò: trên sông Cổ Cò và gành Nam Ô.

3(1).jpg
Miếu Bà dưới chân ngọn Kim Sơn. Ảnh: H.X.H

Đoạn sông Cổ Cò chảy trước chùa Quán Thế Âm ở Ngũ Hành Sơn từng có bến sông. Dân gian gọi là “bến ngự” - sau 3 lần vua Minh Mạng ngự du Ngũ Hành Sơn bằng đường thủy. Nhưng lùi xa hơn, ngót 5 thế kỷ, nếu đoàn thuyền nhẹ của Huyền Trân công chúa trên đường về có dừng ghé thăm Ngũ Hành Sơn, thì khu vực này hẳn có bến sông lớn. Cũng có giả thuyết bà chúa dừng ở Ngũ Hành Sơn từ trước đó, năm 1306, trên hành trình đưa dâu kéo dài 1 tháng.

Liệu có dấu tích gì cho thấy bến sông này từng đón Huyền Trân công chúa?

Quãng năm 1980, khi ông Đặng Phương Trứ cùng nhóm nhà nghiên cứu đi thăm ngọn Kim Sơn và chùa Thái Sơn, có vị bô lão kể trước đây dân làng lưu giữ chiếc cáng (đòn khiêng), tương truyền là cáng của Huyền Trân công chúa. Tiếc là theo thời gian và chiến tranh, chiếc cáng thất lạc. Gần vách đá ở ngọn Kim Sơn cũng có “miếu Bà”, mà nhiều người tin là miếu thờ Huyền Trân công chúa…

Tôi vừa tìm đến viếng ngôi miếu. Từ bến sông (bến ngự) đang xây cầu tàu cạnh chùa Quán Thế Âm, nhìn về phía đông có ngọn Kim Sơn sừng sững, tựa lưng vào vách núi có chùa Thái Sơn. Lối đi bên hông chùa Thái Sơn, có tấm biển đá khắc chữ “Miếu Bà”. Cuối lối đi ấy khoảng 50 mét là miếu thờ. Theo lời kể, nơi này thờ Huyền Trân công chúa. Miếu cũ xây bằng gạch Chăm cổ, có văn bia, đã hư hại. Miếu hiện tại được trùng tu vào năm 2007.

Gành Nam Ô cũng có ngôi miếu vọng mà nhiều bô lão tin là miếu Huyền Trân công chúa. Tương truyền Huyền Trân công chúa trú ẩn tại đây, chờ đoàn thuyền lớn của Đại Việt thuận gió giương buồm ra Bắc. Đến một ngày, gió nồm trỗi lên, đoàn thuyền lớn ra tới, Huyền Trân công chúa theo thuyền nhẹ rời bến sông… Bến sông ấy không có tên, ông Đặng Phương Trứ bảo thế và nhẩm đọc câu ca xưa như chất chứa tâm tư của nàng công chúa Đại Việt:

Chiều chiều ra ngó Hải Vân
Chim kêu gành đá gẫm thân lại buồn.

Ra “ngó” Hải Vân thôi, tức đứng dưới gành đá này mà nhìn về phương Bắc, vướng núi.

Kể từ năm 2017, hội đua thuyền trong lễ hội Quán Thế Âm tại Ngũ Hành Sơn bắt đầu tái hiện cảnh quân Chiêm Thành đuổi theo đoàn thuyền Trần Khắc Chung, các đội đua hào hứng tranh đoạt cờ để cứu Huyền Trân công chúa. Ngoài gành đá Nam Ô, từng có người nảy ý dựng tượng Huyền Trân công chúa, mượn ngôn ngữ điêu khắc để kể về “mối tình” Huyền Trân - Trần Khắc Chung.

Ông Đặng Phương Trứ thì không nghĩ vậy. Từ huyền sử, ông muốn vẽ lại hành trình rời đất Chiêm của Huyền Trân công chúa trong sự tương quan hợp lý về địa lý, thời gian, thời tiết… “Để làm gì? Để “đẩy” bà chúa của mình ra khỏi những lời đàn hặc thông dâm của sử thần”, ông bộc bạch.

Dòng thời gian mờ mịt quá, chỉ còn lại huyền sử với những bến sông bồi lở, và tấc lòng của hậu thế.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Huyền sử những bến sông trên lối về cố quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO