Kết nối giao thương sản phẩm OCOP

LÊ QUÂN 25/12/2019 10:13

Làm thế nào để người tiêu dùng tiếp cận với sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP thông qua nhiều kênh quảng bá, giới thiệu khác nhau? Sản phẩm OCOP sẽ được kết nối giao thương như thế nào để mở rộng thị trường? Đây là hai vấn đề cần được tính toán sau khi các khâu về nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện bao bì, nhãn mác và định vị được sản phẩm qua các cuộc xếp hạng đã hoàn thành.

Tiên Phước vừa khai trương Điểm bán hàng sản phẩm OCOP - đây chính là cách để người tiêu dùng tiếp cận với các sản phẩm OCOP chất lượng.
Tiên Phước vừa khai trương Điểm bán hàng sản phẩm OCOP - đây chính là cách để người tiêu dùng tiếp cận với các sản phẩm OCOP chất lượng.

Mở rộng kênh quảng bá 

Chương trình OCOP đến nay đã lan rộng ở nhiều địa phương, thông qua nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để có mặt tại hệ thống phân phối hiện đại và các chợ truyền thống. Nhiều sản phẩm ghi dấu ấn với người tiêu dùng vì chất lượng, mẫu mã cũng như các hiệu ứng từ những sự kiện truyền thông.

Hợp tác xã Nhật Linh - Tiên Phước với dòng sản phẩm rượu lòn bon đạt thứ hạng 4 sao cấp tỉnh hồi năm 2018 đã mang các chứng nhận về sản phẩm của mình để giới thiệu tại các hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại. Theo ông Nguyễn Văn Nhật - Giám đốc Hợp tác xã Nhật Linh, đây chính là cách để tạo niềm tin với người tiêu dùng, bên cạnh chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao của mình. 

Tại Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, với mục tiêu tăng cường hơn nữa các hoạt động liên kết vùng miền, trao đổi hợp tác cung ứng tiêu thụ hàng hóa dịch vụ, trong thời gian qua Quảng Nam đã triển khai nhiều chương trình hợp tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố trên cả nước, thông qua việc mang sản phẩm có chất lượng tham gia những sự kiện này.

Ông Mai Đình Lợi - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, các chương trình phiên chợ, hội chợ chính là cơ hội để chủ thể OCOP đưa sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng. Chưa kể, từ đây, những phản hồi giúp sản phẩm hoàn thiện hơn cũng được ghi nhận, ngõ hầu đưa chương trình OCOP phát triển một cách bền vững hơn. 

Thông qua việc đa dạng hóa hình thức phát triển thị trường, những sản phẩm đặc trưng của Quảng Nam không chỉ được quảng bá, tiêu thụ tại các kênh phân phối truyền thống, mà còn có mặt tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng thực phẩm sạch, sàn thương mại điện tử. Riêng các kênh quảng bá trực tuyến, mức độ lan tỏa của sản phẩm ngày càng đi xa hơn.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Daichi Foods cho biết, bên cạnh việc tăng cường mang sản phẩm trực tiếp giới thiệu tại nhiều phiên chợ, Daichi Foods đẩy mạnh khâu quảng bá online, từ các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee đến các trang Fanpage, Facebook... 

Kết nối đa chiều

Đa số chủ thể OCOP đều nhìn nhận hiệu quả và cơ hội có được sau mỗi chương trình hội chợ, phiên chợ cung ứng mà họ tham gia. “Chúng tôi có cơ hội tiếp xúc với đối tác, chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì để thu hút khách hàng, tăng giá trị, lợi nhuận” - đại diện cơ sở sản xuất kinh doanh Minh Phúc với sản phẩm tinh dầu quế Trà My (Bắc Trà My) cho biết.

Nắm bắt được lợi thế của mình để có cách thích hợp tham gia thị trường là điều cần làm hiện nay. Ông Trần Thế Như Hiệp - Viện Khoa học và công nghệ Mekong, một doanh nghiệp đối tác của OCOP Quảng Nam cho biết, hiện nay Quảng Nam cần có giải pháp gia tăng giá trị và mở rộng thị trường sản phẩm OCOP.

“Sản phẩm OCOP của Quảng Nam theo tôi biết tốt hơn so với nhiều địa phương khác. Nhưng làm sao để gia tăng giá trị khi tiềm năng và cơ hội của hợp tác xã và hộ cá thể còn khá nhiều. Các bạn cần có câu chuyện sản phẩm để có thể phát triển tốt hơn. Đồng thời phải có giải pháp liên kết ngang - tức là liên kết giữa các chủ thể OCOP để tạo nên dòng sản phẩm thế mạnh” - ông Trần Thế Như Hiệp nói. 

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ, cùng với các hội chợ, Sở NN&PTNT đã và đang kết nối với nhiều doanh nghiệp nhằm khớp nối các chủ thể có sản phẩm OCOP để triển khai phân phối tại siêu thị, chuỗi bán lẻ. Việc tăng cường kết nối đến các đại lý, siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể, khách sạn… để những nơi này ưu tiên nhập sản phẩm OCOP cần có sự vào cuộc của các ngành, không chỉ riêng ngành nông nghiệp.

Ông Thiều Việt Dũng - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho hay, thời gian tới Sở Công Thương sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT có các buổi làm việc để tạo cầu nối liên kết giữa người sản xuất và đơn vị kinh doanh, cũng như với các nhà nhập khẩu, trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn... trên địa bàn tỉnh. Hiện tại Siêu thị Co.op Mart Tam Kỳ đã có những hoạt động bước đầu nhằm tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP Quảng Nam vào kinh doanh tại siêu thị. Đây chính là tín hiệu vui để “kích hoạt” các chủ thể OCOP tiếp tục nâng cao sản phẩm của mình.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kết nối giao thương sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO