Khắc phục quá tải bệnh viện miền núi phía Bắc

CÔNG TÚ 04/12/2023 08:30

Việc cơ sở 2 của Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam (đóng tại huyện Đại Lộc) được nâng cấp hạ tầng, đầu tư trang thiết bị và bổ sung nhân lực được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng quá tải tại cơ sở chính, kịp thời khám chữa bệnh cho người dân.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh thăm một phòng chức năng nhân dịp khánh thành cơ sở 2. Ảnh: C.T
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh thăm một phòng chức năng nhân dịp khánh thành cơ sở 2. Ảnh: C.T

Hợp lòng dân

Vùng B của Đại Lộc gồm có 7 xã với khoảng 60 nghìn dân. Nằm xa trung tâm huyện lỵ, địa hình lại thường xuyên bị chia cắt vào mùa mưa lũ, cho nên khi người dân bị bệnh nặng thì phải di chuyển đoạn đường dài.

Nhiều trường hợp cấp cứu không kịp thời trên đường đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam (đóng tại thị trấn Ái Nghĩa). Trước tình trạng này, địa phương đã kiến nghị và Phòng khám đa khoa vùng B ra đời tại thôn Phú An, xã Đại Thắng.

Tuy nhiên, theo thời gian, cơ sở vật chất của phòng khám này xuống cấp nặng, việc chữa bệnh có một số hạn chế do trang thiết bị thiếu thốn, đội ngũ chưa chuyên sâu. Do đó người dân vùng B vẫn xuống Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam để được thăm khám, chữa trị.

Cộng thêm, bệnh nhân từ các huyện miền núi, các xã lân cận của Điện Bàn, Duy Xuyên cũng đến khiến bệnh viện hạng I này trở nên quá tải dù đã được quan tâm đầu tư xây dựng nhiều hạng mục.

Đại diện Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam chia sẻ, đơn vị đã tham mưu cấp thẩm quyền và ngành chức năng đầu tư cải tạo, xây dựng lại phòng khám. Nâng phòng khám đa khoa lên thành bệnh viện đa khoa, là cơ sở 2 trực thuộc bệnh viện chính (mô hình cơ sở 2 đầu tiên của tỉnh).

Ngày 9/2/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 482 về phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam - cơ sở 2. Dự án xây dựng nhà khám chữa bệnh, điều trị chính gồm 2 tầng; nhà khám chữa bệnh y học cổ truyền 2 tầng; nhà khám chữa bệnh phục hồi chức năng 2 tầng cùng các hạng mục phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư gần 28,6 tỷ đồng.

Công trình được khởi công xây dựng ngày 28/2/2022, trong điều kiện thi công gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, vừa đảm bảo công tác khám bệnh, cấp cứu cho khoảng 150 bệnh nhân mỗi ngày. Khắc phục khó khăn, công trình đã hoàn thành, đưa vào phục vụ ngày 23/9/2023 trong niềm phấn khởi của nhân dân các xã vùng B.

Không để “bình mới rượu cũ”

Cơ sở 2 của Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam được kỳ vọng sẽ giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tại cơ sở chính, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ y tế.

Sở Y tế và Bảo hiểm Xã hội Quảng Nam đã giám định và quyết định thành lập cơ sở 2 là bệnh viện đa khoa hạng III có 70 giường bệnh, gồm 6 khoa. Người dân kỳ vọng, cơ sở vật chất của cơ sở 2 nay đã khang trang, cùng thiết bị hiện đại được bố trí sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh, tránh “bình mới rượu cũ”.

Nhằm phục vụ kịp thời công tác khám chữa bệnh, bệnh viện bố trí tại cơ sở 2 nguồn nhân lực gồm 44 người (13 bác sĩ, 12 điều dưỡng, 5 y sĩ, y học cổ truyền, 8 kỹ thuật viên, 2 dược sĩ, 4 kế toán, điện, hộ lý). Máy X. quang, máy xét nghiệm sinh hóa tự động, máy huyết học, máy sắc thuốc, máy siêu âm, kéo giãn cột sống, máy siêu âm điều trị, sóng ngắn, điện châm… được trang bị.

Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam - ông Nguyễn Thống Nhất cho biết, ngày 10/10 vừa qua, đơn vị đã ký kết hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại cơ sở 2 với Bảo hiểm Xã hội Quảng Nam.

Hiện tại mỗi ngày, bệnh nhân đến khám khoảng 100 - 150 lượt; ở lại điều trị nội trú 30 - 40 giường. Để nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị, bệnh viện kiến nghị cấp thẩm quyền thời gian tới trang bị máy CT scanner, siêu âm tim mạch, máy nội soi dạ dày - đại tràng, hệ thống máy X. quang kỹ thuật số, đèn khe khám mắt, máy nội soi tai mũi họng, các máy điều trị phục hồi chức năng...

Cũng theo ông Nguyễn Thống Nhất, bệnh viện đã trình gói mua sắm máy móc chuyên dụng của năm 2024 cho ngành chức năng, để tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện.

Sau khi tỉnh phê duyệt, đơn vị sẽ bố trí kinh phí từ nguồn trích lập phát triển sự nghiệp nhiều năm qua để mua sắm. Liên quan đến thuốc chữa bệnh, đơn vị đã triển khai xong việc đấu thầu mua thuốc tân dược. Với thuốc y học cổ truyền và hóa chất, đơn vị đang chờ các bệnh viện khác thực hiện đấu thầu, sau đó sẽ phân bổ lại.

Nói về đội ngũ, ông Nguyễn Thống Nhất cho biết sẽ tiếp tục đưa đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu từng khoa đối với bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên. Tiếp tục phân công, phân giao y bác sĩ thực hiện nhiệm vụ thật sự hợp lý, trách nhiệm, hiệu quả. Quán triệt đội ngũ 44 người phải thực hiện tốt chức năng giống như tại cơ sở chính.

Còn theo y sĩ Lê Văn Bốn - Trưởng trạm Y tế xã Đại Tân, cấp thẩm quyền cần quan tâm bố trí tại cơ sở 2 một xe cứu thương để vận chuyển bệnh nhân bị bệnh nặng. Bởi lẽ, gặp trường hợp cần cấp cứu, bệnh viện điều xe chạy từ trung tâm huyện lỵ qua đến nơi mất gần 30 phút. Trong khi đó, việc can thiệp cấp cứu chỉ cần chậm một vài phút sẽ khiến bệnh nhân thêm nguy kịch, thậm chí mất đi thời cơ vàng cứu sống họ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khắc phục quá tải bệnh viện miền núi phía Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO