Môi trường

Khai thác tài nguyên từ rác thải

Thân Vĩnh Lộc, Lã Thị Tuyết Trinh 12/02/2024 06:38

Xác định “rác cũng là một dạng tài nguyên”, nhiều mô hình khởi nghiệp ở Quảng Nam đã chọn hướng kinh doanh từ việc tận dụng những vật liệu tưởng chừng bỏ đi, góp phần lan tỏa lối sống xanh, giúp thay đổi nhận thức cộng đồng, bảo vệ môi trường, nâng cao vòng đời tuần hoàn của rác thải.

tit-chinh-tai-che-rac.png

Xác định “rác cũng là một dạng tài nguyên”, nhiều mô hình khởi nghiệp ở Quảng Nam đã chọn hướng kinh doanh từ việc tận dụng những vật liệu tưởng chừng bỏ đi, góp phần lan tỏa lối sống xanh, giúp thay đổi nhận thức cộng đồng, bảo vệ môi trường, nâng cao vòng đời tuần hoàn của rác thải.

tit-phu-1.png

Vài năm gần đây, các sản phẩm “thời trang” được làm từ vải tái chế mang thương hiệu “Soi Handmade” của cô gái trẻ Trần Thị Kim Soi xuất hiện càng nhiều hơn tại các sự kiện văn hóa hay hội chợ thương mại, du lịch trong và ngoài tỉnh.

e9-e10.png
Sản phẩm Soi Handmade giúp mang lại thu nhập và sinh kế cho Trần Thị Kim Soi và nhiều phụ nữ yếu thế tại địa phương.

Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Phú Yên, từ hơn 10 năm trước Kim Soi đã bén duyên với Hội An sau một lần đến vùng đất này. Thời gian đầu, chị làm việc cho một tiệm may đo thời trang khu vực phố cổ. Nhận thấy rất nhiều mẫu vải vụn thừa bị vứt bỏ trong quá trình may trang phục, chị làm thử những chiếc vòng tay, cài tóc nhỏ xinh tặng khách như một phụ kiện thời trang đi kèm khi mua hàng. Không ngờ nhiều khách tỏ ra thích thú, đồng thời hỏi mua nhiều hơn các phụ kiện này. Chính những phản hồi tích cực trên đã tạo động lực để chị Soi mạnh dạn khởi nghiệp từ sản phẩm vải vụn tái chế.

Hội An được mệnh danh là xứ sở may nhanh với hàng chục cơ sở hoạt động, mỗi ngày những tiệm may thải ra lượng vải vụn khá lớn. Việc chọn mô hình khởi nghiệp từ vải vụn được xem là hướng đi đúng đắn bởi không chỉ phù hợp với chuyên ngành đào tạo thiết kế thời trang chị Kim Soi đã học mà còn đảm bảo được nguồn nguyên liệu vải vụn miễn phí dồi dào. Được sự hỗ trợ từ chồng là họa sỹ, nhiều mẫu sản phẩm xinh xắn mang thương hiệu “Soi Handmade” được làm từ vải vụn lần lượt ra đời.

“Thật ra ban đầu tôi khá vất vả để lên ý tưởng cho từng loại sản phẩm bởi vải vụn rất lộn xộn, đủ màu sắc, kích cỡ nên khó có thể sản xuất hàng loạt, dẫn đến có khi cùng một dòng phụ kiện nhưng do không có nguyên liệu cùng loại khiến sản phẩm làm ra có họa tiết, màu sắc khác nhau. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng đây cũng chính là vẻ đẹp riêng có mà sản phẩm Soi Handmade mang lại bởi tính độc nhất” – chị Kim Soi chia sẻ.

text-chi-soi.png

Sau thời gian chủ yếu bán trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo Instagram… năm 2019 sản phẩm Soi Handmade dần được nhiều người biết đến. Lúc này chị bắt đầu mở rộng hệ thống phân phối phụ kiện trang phục vào các cửa hàng, shop thời trang, đồng thời tham gia nhiều hơn vào các chợ phiên, hội chợ, sự kiện du lịch…

e11-12-13.png
Sản phẩm Soi Handmade được khách hàng đón nhận và từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Đến nay, khoảng 40 nhóm mẫu sản phẩm như cài tóc, băng đô, kẹp tóc, dây buộc tóc, khăn choàng cổ, khăn chéo tam giác, mũ áo, túi xách, ví vải… đã được giới thiệu cung cấp đến khách hàng với giá bán từ 15 – 550 nghìn đồng/sản phẩm. Nhiều trang phục trở nên sang trọng, tinh tế hơn nhờ những phụ kiện Soi Handmade đính kèm.

Theo từng năm, doanh thu bán hàng của Soi Handmade không ngừng gia tăng, riêng năm 2023, ước đạt hơn 400 triệu đồng, càng thúc đẩy chị Trần Thị Kim Soi mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần “tái chế” hàng tấn vải vụn từ các cơ sở may nhanh trên địa bàn thành phố Hội An.

box1.png
Các sản phẩm của Soi Handmade.

Hiện, Soi Handmade có 3 điểm trưng bày, bán hàng tại Hội An và Huế, dự kiến thời gian tới số điểm sẽ được mở rộng thêm, nhất là đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử... Chị Kim Soi cũng liên kết với các chi hội phụ nữ địa phương tổ chức những workshop dành cho phụ nữ yếu thế, giúp tạo thu nhập và đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.

Tại xưởng may Soi Handmade (phường Điện Nam Đông, Điện Bàn) mỗi ngày có gần 10 phụ nữ đến làm việc hoặc nhận hàng mang về nhà làm.

tit-phu-2.png

Giữa tháng 12/2023, chuỗi cửa hàng Refillables Đong Đầy kỷ niệm 5 năm ngày thành lập. Xuất hiện lần đầu tháng 12/2018, cửa hàng là nơi chuyên cung cấp các sản phẩm sinh thái thân thiện môi trường đầu tiên ở Hội An.

e3-4-5.png
Phần lớn sản phẩm tại Refillables Đong Đầy có nguồn gốc sinh học và được chứa đựng trong những chai lọ tái chế.

Bà Alison Batchelor – người sáng lập cửa hàng cho biết, điều quan trọng khiến bà chọn dòng sản phẩm sạch, tái chế để khởi nghiệp tại Việt Nam vì bản thân cảm nhận được những lợi ích mà sản phẩm mang lại.

“Tôi mở cửa hàng không vì mục đích kiếm tiền hay lợi nhuận mà tin vào sản phẩm của mình sẽ mang lại những lợi ích tích cực cho cộng đồng và môi trường xung quanh” - bà Alison nói. Bà đặt tên cho cửa hàng của mình là Refillables (nạp lại), hàm nghĩa truyền tải thông điệp về sự thu nhận, tiết giảm rác thải nhựa ra môi trường.

Sinh ra và lớn lên ở TP.Vancouver (Canada), gần 9 năm trước vợ chồng bà Alison đã đến cư ngụ ở Hội An vì muốn tìm kiếm một cuộc sống mới, thân thiện, gần gũi thiên nhiên. Tại Refillables, người mua hàng tự mang chai lọ đến để đong đầy sản phẩm hoặc mang chai nhựa, bao ny lông đến đổi lấy quà… Từ khoảng 17 sản phẩm ban đầu, đến nay Refillables có gần 300 sản phẩm gồm thực phẩm ngũ cốc sạch và nhiều chất sinh học được chiết xuất từ các loại cây lá bản địa. Không ít trong số này là sản phẩm tái chế từ dầu ăn thừa như xà phòng rửa chén, chất tẩy rửa, xà phòng rửa tay, nước xịt bề mặt…

Theo bà Alison, Refillables Đong Đầy không đơn thuần là một mô hình khởi nghiệp mà còn truyền trải thông điệp về vòng đời của rác. Refillables Đong Đầy hiện có 3 cửa hàng (gồm 2 cửa hàng tại Hội An và 1 tại Hà Nội), tính đến tháng 12/2023 tổng số lượng bao bì, chai nhựa được tái sử dựng hơn 68,2 nghìn lượt, đồng nghĩa giúp gia tăng vòng đời của hơn 68,2 nghìn chai nhựa, túi ny lông giảm thải ra môi trường.

text-ba-alison.png

Alison không phải là người nước ngoài duy nhất ở Hội An tạo ra những giá trị mới về sản phẩm sinh học, nhưng bà là một trong số ít người nước ngoài say mê, năng nỗ trong việc lan tỏa các giá trị môi trường đến cộng đồng. Bà thường xuất hiện ở hầu hết các cuộc tọa đàm, hội thảo về du lịch xanh, du lịch bền vững, chống rác thải nhựa...

Với Alison, lối sống xanh đã trở thành mục tiêu theo đuổi của cuộc đời. “Sống xanh không phải là điều gì to lớn mà chính là việc thay đổi thói quen hàng ngày từ những việc làm nhỏ nhất, bởi bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ tương lai cho các thế hệ mai sau” - Alison bộc bạch.

tit-phu-3.png

Vài năm gần đây cùng với xu thế phát triển xanh, tăng trưởng xanh… lối sống xanh đã tác động tích cực đến cộng đồng, nhất là giới trẻ, kể cả xu hướng khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, Soi Handmade hay Refillables chỉ là những điển hình nổi bật mang tính tiên phong, lan tỏa.

e15-16.png
Ngày càng có nhiều mô hình khởi nghiệp dựa vào tài nguyên rác thải.

Chỉ riêng TP.Hội An, dễ dàng nhận thấy xuất hiện khá nhiều sản phẩm mang thương hiệu toàn cầu được làm từ rác thải tái chế hoặc vật liệu thân thiện môi trường như làng củi lũ của Lê Ngọc Thuận, tre của Võ Văn Tân, vật phẩm lưu niệm từ gỗ tận dụng làng mộc Kim Bồng, kể cả các sản phẩm du lịch, dịch vụ, kiến trúc nhà hàng, quán cà phê… được xây dựng từ vật liệu tái chế.

Ngoài ra, có thể kể đến các mô hình khởi nghiệp từ rác thải ở nhiều địa phương khác như phân bón hữu cơ từ lông gà (Duy Xuyên), hay tái chế bẹ mo cau (Tiên Phước)… Qua đó càng khẳng định “rác cũng là một dạng tài nguyên” nếu biết ứng xử và sử dụng đúng cách không chỉ giúp tạo ra các giá trị mới mà còn góp phần kéo dài vòng đời cho rác, mang lại lợi ích và thu nhập cộng đồng.

Nội dung: VĨNH LỘC
Đồ họa: TUYẾT TRINH

Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khai thác tài nguyên từ rác thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO