(QNO) - Miền biên viễn A Xan (Tây Giang) hôm nay đã vươn mình, tươi đẹp hơn khi Đảng bộ và nhân dân nơi đây đồng lòng trong từng phần việc xây dựng nông thôn mới.
Tiên phong, gương mẫu
Cách đây chừng vài năm, thôn Ki’nonh (xã A Xan) vẫn chồng chất khó khăn khi người dân chỉ dựa vào những hạt lúa rẫy, làm được bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu. Tư tưởng phụ thuộc nương rẫy và địa hình gồ ghề, xa xôi khiến 700 con người ở ngôi làng cổ này quanh quẩn trong nghèo khó.
Sau nhiều cuộc họp ở Chi bộ thôn Ki’nonh, dưới sự định hướng, chỉ đạo của Đảng ủy xã A Xan, nhiều đảng viên xung phong đi đầu xây dựng mô hình kinh tế, quyết làm cho thành công để cho nhân dân “mắt thấy, tai nghe” mà học theo.
“Chi bộ xác định đó là nhiệm vụ quan trọng để xóa đói giảm nghèo nên bản thân là đảng viên, cán bộ bán chuyên trách phải đi đầu thực hiện. Tôi đăng ký với chi bộ mô hình nuôi bò, trồng lúa nước và nói với vợ mình phải chăm chỉ làm lụng để dư dả cái ăn, cho bà con trong thôn nhìn vào và siêng năng hơn” - ông Hôih Tiến nói.
Tương tự, đảng viên Bling Thị Nhanh cùng chồng dọn sạch nương rẫy, trồng 2 sào sả Java. Đây là mô hình liên kết nhiều hộ trên địa bàn xã A Xan để bán sả nguyên liệu. Sau 1 năm trồng, rẫy sả của Nhanh xanh tốt, ai cũng trầm trồ. Năm đó gia đình Nhanh thu nhập vài triệu đồng.
“Tôi sẽ cố gắng làm để có thể phát triển kinh tế, thoát nghèo và giúp bà con học hỏi được kinh nghiệm, rồi sau này lan tỏa cho các chị em trong thôn” - chị Bling Thị Nhanh chia sẻ.
[VIDEO] - Đảng viên Bling Thị Nhanh:
Từ những tấm gương dám nghĩ dám làm mà các hộ gia đình khác ở thôn Ki’nonh có thêm động lực. Ai cũng hăng hái tham gia lao động, và tụ họp ở nhà gươl chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Cứ thế, diện tích mô hình trồng sả Java dần mở rộng với gần 20 hộ tham gia.
Phát huy truyền thống ngôi làng cổ có bề dày nhất nhì của đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang, Chi bộ thôn Ki’nonh đã tiếp tục vận động nhân dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Các mô hình trồng lúa rẫy dần được chuyển sang mô hình làm ruộng lúa nước và trồng thêm cây dược liệu dưới tán rừng để có sản phẩm hàng hóa giao thương với bên ngoài.
“Thay vì ỷ lại, trông chờcác nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã từng bước tự giác phấn đấu, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 đã giảm 10% so với năm trước”
Bling Nôi - Bí thư Chi bộ thôn Ki’nonh
Đồng thời, bằng sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, nhân dân Ki’nonh đã góp công sức làm các công trình với hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhờ đó, thôn đã đạt được 5 tiêu chí về đường, điện, trường, môi trường và quốc phòng - an ninh.
Ông Bling Nôi cho biết: “Chi bộ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tập thể đảng viên nhân dân thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, tiếp tục thực hiện các Nghị quyết về nhà ở, Nghị quyết 35 thực hiện kinh tế vườn và các tiêu chí thôn nông thôn mới kiểu mẫu”.
Chung lưng đấu cật vượt khó
Không chỉ ở thôn Ki’nonh, các thôn, bản trên địa bàn xã A Xan luôn tích cực quán triệt và cụ thể hóa nhiều nội dung quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế gắn với sản vật đặc trưng của vùng. Nhiều mô hình kết hợp giữa nhân dân địa phương và lực lượng biên phòng, các tổ chức đoàn thể được hình thành.
Điều này không chỉ đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh ở địa phương. Nhờ đó, nhiều nội dung trong Nghị quyết của Đảng bộ xã đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Đồn biên phòng có mô hình cán bộ, đảng viên tham gia sinh hoạt ở chi bộ thôn, cán bộ đảng viên phụ trách hộ gia đình để tham gia phát triển kinh tế cho từng hộ gia đình. Có quy chế phối hợp với Đảng ủy xã A Xan trong công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, phối hợp tham gia phát triển kinh tế
Thiếu tá Lê Văn Thu - Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tr’hy
[VIDEO] - Xã biên giới A Xan:
Ông Hồ Văn Nhia - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã A Xan chia sẻ, quan điểm của Đảng bộ là phải sát cơ sở, đồng hành và lắng nghe quần chúng. Từ đó, những khó khăn, vướng mắc sẽ được nhìn thấy và Đảng ủy sẽ tìm hướng gỡ khó, chỉ đạo chính quyền triển khai thực hiện. Với những vấn đề vượt quá khả năng của địa phương thì kịp thời báo cáo với Huyện ủy để xin chủ trương.
“Chúng tôi phân công các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới theo dõi các tiêu chí chưa đạt để tham mưu giải pháp. Đối với các chi bộ thì tiếp tục triển khai thực hiện đăng ký mô hình “chi bộ 4 tốt”. Phân công các đồng chí Ban Thường vụ, Ban Chấp hành phụ trách chi bộ để theo dõi, trực tiếp tham gia sinh hoạt với các chi bộ để đảm bảo công tác giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả, củng cố các tiêu chí nông thôn mới thực chất, chất lượng góp phần thay đổi đời sống nhân dân vùng biên giới” – Bí thư Đảng ủy xã A Xan Hồ Văn Nhia nói.
Đến nay, xã A Xan đạt 11/19 tiêu chí đạt nông thôn mới, triển khai xây dựng 3 thôn nông thôn mới kiểu mẫu và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10%. Năm 2024, phấn đấu đạt thêm 3 tiêu chí nông thôn mới, công nhận 2 thôn nông thôn mới kiểu mẫu và giảm 50 hộ nghèo.
[VIDEO] - Ông Hồ Văn Nhia - Bí thư Đảng ủy xã A Xan:
Tác phẩm tham dự cuộc thi báo chí “Lan tỏa năng lượng tích cực vì khát vọng Quảng Nam