(QNO) - Sáng nay 19/12, tại TP.Hội An diễn ra hội thảo "Vai trò, vị trí của nhà trường, cộng đồng và các bên liên quan trong xây dựng và phát triển Chương trình du lịch học tập cộng đồng - du lịch giáo dục".
Hội thảo do Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm Hội An, Hội LHPN TP.Hội An, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Chương trình tài trợ dự án nhỏ (SGP) - Quỹ Môi trường toàn cầu Việt Nam phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, Trưởng ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm Hội An cho biết, mối liên kết đa ngành và sự hợp tác giữa các cộng đồng đã thúc đẩy nhiều dự án phát triển cộng đồng trên địa bàn Hội An, trong đó du lịch học tập và cộng đồng đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
"Thành phố Hội An ghi nhận sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SGP) đã góp phần tích cực vào việc phát triển bền vững thông qua các dự án sinh kế cộng đồng và mô hình bảo tồn. Bên cạnh đó, các nhà khoa học, cơ sở giáo dục đào tạo, các trường đại học... đã tạo điều kiện cho sinh viên, học sinh đến nghiên cứu, học tập tri thức thực tiễn trên địa bàn khu sinh quyển ngày càng nhiều hơn" - ông Nguyễn Thế Hùng nói.
Theo ông Hùng, với thế mạnh này, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm Hội An đã hỗ trợ, phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng địa phương, kết nối giữa cộng đồng và các bên liên quan để đáp ứng được nhu cầu học tập và phát triển bền vững. Phát huy được thế mạnh của một trung tâm du lịch cộng đồng trên địa bàn khu sinh quyển.
Đại biểu tham dự hội thảo đã chia sẻ nhiều góc nhìn về giải pháp phát triển mô hình du lịch học tập cộng đồng trên địa bàn khu sinh quyển và mạng lưới du lịch cộng đồng vùng Trung Bộ; vai trò của nhà trường trong phát triển các mô hình du lịch học tập cộng đồng; cơ hội và thách thức của cộng đồng trong quá trình tổ chức, phát triển loại hình này...
Hội thảo là cơ hội để tăng cường công tác phối hợp giữa các bên liên quan trong công tác tổ chức, vận hành du lịch học tập cộng đồng trong thời gian tới, đồng thời tăng cường chất lượng sản phẩm để nâng cao thương hiệu của loại hình du lịch này.
Du lịch học tập cộng đồng được bắt đầu bằng những nỗ lực gắn kết cộng đồng với công tác bảo tồn biển Cù Lao Chàm, bảo vệ môi trường, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên và các hoạt động hướng đến canh tác nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, sau đó lan tỏa đến Cẩm Thanh, Cẩm Kim (TP.Hội An); xã Hòa Bắc (Hòa Vang, TP.Đà Nẵng); Lý Sơn, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi)... Ước tính, lượng khách du lịch học tập cộng đồng chiếm khoảng 10 - 15% tổng lượng du khách đến các điểm đến này.