Du lịch

Kích cầu du lịch Quảng Nam 2024: Cần giải pháp đồng bộ

KHÁNH LINH 26/04/2024 07:26

UBND tỉnh vừa công bố chương trình kích cầu du lịch 2024 nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh du lịch, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch xanh Quảng Nam, thu hút khách nội địa và quốc tế đến Quảng Nam. Tuy nhiên, nhiều nhóm sản phẩm dịch vụ được các doanh nghiệp đánh giá không mới hoặc khó khả thi.

lut.jpg
Sản phẩm du lich Hội An mùa nước nổi được đánh giá là khó khả thi vì không an toàn. Ảnh: K.L

Sản phẩm không mới

Chương trình kích cầu du lịch diễn ra trong 6 tháng, giai đoạn 1 có chủ đề “Quảng Nam - Cảm xúc mùa hè” diễn ra từ tháng 5 đến tháng 8/2024 và giai đoạn 2 “Mùa vàng xứ Quảng” diễn ra từ tháng 9 đến hết tháng 11/2024 với khoảng 10 gói sản phẩm. Ngoài ra, hơn 40 lễ hội cũng được liệt kê giới thiệu đến du khách, doanh nghiệp dịp này.

Giai đoạn 1, chương trình giới thiệu các điểm tham quan như phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Vinwonder Nam Hội An, rừng dừa Bảy Mẫu, rừng di sản Pơmu, Khu du lịch sinh thái Hồ Phú Ninh, Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang... được xem là không mới.

Ở giai đoạn 2, trong 6 nhóm sản phẩm như “Phố cổ rêu phong”, “Hội An mùa nước nổi”, “Hương vị đồng quê”, “Mùa vàng phủ xanh”, lễ hội mừng lúa mới, trại sáng tác nghệ thuật đất nung được đánh giá mơ hồ, thậm chí khó khả thi.

Đơn cử, nhóm sản phẩm “Hội An mùa nước nổi” với trải nghiệm đi thuyền trong phố cổ những ngày nước lên hay hay tour trải nghiệm bơi thuyền sông Thu Bồn tại Cẩm Kim, thoạt nghe rất lãng mạn nhưng xa rời thực tế, khó thực hiện vì liên quan đến các yếu tố đảm bảo an toàn, tính mạng du khách mùa mưa lũ, cần có sự phối hợp của nhiều sở, ngành; bản thân ngành du lịch hay doanh nghiệp không thể tự quyết được.

Hay lễ hội mừng lúa mới, ngắm những thửa ruộng bậc thang của người dân tộc Xê Đăng, Ca Dong cũng được nhìn nhận khó thực hiện bởi phụ thuộc hạ tầng, dịch vụ điểm đến…

Cạnh đó, hơn 40 lễ hội được liệt kê, từ các lễ hội thường niên ở Hội An như giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà, “Đêm rằm phố cổ”, chợ phiên làng chài Tân Thành, lễ hội đèn lồng, lễ Giáng sinh… đến các lễ hội vùng cao như lễ hội sâm Ngọc Linh, liên hoan âm vang cồng chiêng huyện Nam Giang… cũng được xem là không mới lạ hay nổi bật.

Ông Lê Quốc Việt - Chủ nhiệm CLB Điểm đến Quảng Nam giữ gìn giá trị bản địa cho biết, nhiều nhóm sản phẩm trong chương trình kích cầu là ý tưởng của CLB đề xuất với Sở VH-TT&&DL nhằm đẩy thương hiệu Quảng Nam nên có thể khả thi và đủ yếu tố triển khai.

“Chương trình “Mùa vàng xứ Quảng” rơi vào tháng thấp điểm, trong khi thời gian này phong cảnh Quảng Nam rất tuyệt vời nên cần khai thác tối đa, triệt để những lợi thế nhằm kéo dài thời gian lưu trú, chi tiêu của khách.

Thị trường hướng tới ngoài khách phượt sẽ là những người nghỉ hưu, trung cao tuổi, những người quan tâm tìm hiểu văn hóa, nghỉ dưỡng, người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam… không thể đi du lịch mùa hè vì thời tiết nắng nóng” - ông Việt phân tích.

Cần giải pháp đồng bộ

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định, chương trình kích cầu sẽ giúp thu hút nhiều hơn du khách đến Quảng Nam, hoàn thành mục tiêu kế hoạch đón khách đặt ra trong năm.

dlha.jpg
Kích cầu du lịch Quảng Nam cần đi vào thực tế hơn. Ảnh: K.L

Dù vậy, nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng, vấn đề mấu chốt trong kích cầu du lịch không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các chương lễ hội, sản phẩm cũ, ít khả thi mà nên đi vào các giải pháp cụ thể như giá dịch vụ, lưu trú, vận chuyển, nhất là trong tình hình giá vé hàng không, vé tàu lửa tăng cao như hiện nay.

Kể cả phối hợp với doanh nghiệp lưu trú tính toán, xem xét có giải pháp về giá phòng khách sạn nhằm tăng tính cạnh tranh.

Thực tế, so với Đà Nẵng, giá phòng lưu trú Hội An cao hơn khoảng 20 - 30% khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành ưu tiên lưu trú Đà Nẵng hơn Quảng Nam nhằm tiết giảm chi phí.

Bà Nguyễn Phương Dung - Giám đốc Công ty Du lịch MP Hội An thông tin, dịp lễ này doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, chủ yếu đón khách quen do giá vé máy bay, giá lưu trú cao, đón khách không lãi. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều doanh nghiệp du lịch Hội An.

Theo ông Steve Wolstenholme - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hoiana, lượng khách đến khu phức hợp này tương đương 60% so với cùng kỳ năm trước do giá vé máy bay cao. Rõ ràng vấn đề kích cầu hiện nay phải đồng bộ với sự tham gia, cam kết đồng hành của nhiều đối tác, đơn vị liên quan.

Thực tế, dù đã có sự phối hợp với một số doanh nghiệp cung ứng dịch vụ tham gia kích cầu nhưng con số này vẫn ít ỏi và chưa toàn diện.

Ông Lê Quốc Việt phân tích, để giải quyết vấn đề này cần đa dạng dịch vụ vận chuyển. Thời gian qua, CLB CLB Điểm đến Quảng Nam giữ gìn giá trị bản địa đã gửi văn bản đề nghị Sở VH-TT&DL và Sở GTVT cung cấp danh sách những nhà xe vận chuyển du lịch nhằm thông tin cho khách.

Cạnh đó, CLB cũng bàn với ngành du lịch nghiên cứu triển khai một số giải pháp như hợp tác các nhà xe khách; thuê tàu lửa du lịch (thuê toa, bao chuyến hoặc đấu nối thêm toa) để đưa khách từ Hà Nội, Huế đến Đà Nẵng, Quảng Nam.

Kể cả đặt vấn đề với Thaco Trường Hải thuê hoặc thành lập đội xe phục vụ khách từ TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội đến Hội An, hạn chế phụ thuộc đường hàng không. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là ý tưởng chưa hiện thực, chí ít đến thời điểm hiện tại.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kích cầu du lịch Quảng Nam 2024: Cần giải pháp đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO