Nhờ chuyển đổi các mô hình sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề, đặc biệt là kiêm nghề khai thác hải sản và dịch vụ du lịch, thu nhập của người dân trên đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP.Hội An) nâng cao rõ rệt.
Phát triển đặc sản địa phương
Nhiều năm qua, gia đình bà Cao Thị Phương ở tổ 1, thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp đã mạnh dạn vay vốn, mua sắm máy móc, trang thiết bị để chế biến hải sản. Dần dần, các sản phẩm của gia đình được tiêu thụ mạnh, đặc biệt là “mực một nắng Cao Phương”. Cơ sở giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 nhân công với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài việc cùng gia đình đi biển đánh bắt hải sản, thu mua tại bến khi các tàu thuyền đánh bắt về, hợp đồng với 25 chủ tàu khác cung ứng sản phẩm tươi, gia đình còn duy trì homestay Gia Thành phục vụ lưu trú.
Với giá bán mực dao động từ 650 nghìn đồng - 1,2 triệu đồng/kg tùy loại mực và kích thước, bình quân mỗi ngày cơ sở bán ra khoảng 10kg mực một nắng, mỗi năm mang lại doanh thu hơn 500 triệu đồng. Ngoài chế biến mực một nắng, cơ sở còn chế biến chả cá, mực rim, cá nhồng một nắng và các món hải sản khác để tăng doanh thu.
Không chỉ chú trọng về chất lượng, mẫu mã, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bà Cao Thị Phương còn theo học các khóa ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm, quảng bá và thương mại sản phẩm OCOP… Sản phẩm mực một nắng Cao Phương còn tham gia tại nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh.
“Được sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương, đến năm 2021 sản phẩm mực một nắng của tôi đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao. Hiện sản phẩm đang có mặt tại nhiều cửa hàng trên đảo cùng siêu thị, cửa hàng ở các tỉnh thành Quảng Nam, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh…” - bà Cao Thị Phương chia sẻ.
Kiêm nghề
Không chỉ gia đình bà Cao Thị Phương, những năm qua, rất nhiều hộ gia đình ở xã đảo Tân Hiệp vừa làm các nghề khai thác hải sản vừa mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trên lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ.
Thời điểm sau đại dịch COVID-19, toàn xã đã có 43 hộ kinh doanh loại hình homestay, 3 công ty hoạt động trên lĩnh vực du lịch - dịch vụ và hàng chục hộ buôn bán, chế biến sản phẩm... phục vụ du lịch trên đảo.
Ông Nguyễn Thọ - người dân thôn Bãi Hương nói: “Dân Bãi Hương mùa nam làm du lịch, mùa đông là đi biển. Nhà tôi vừa làm biển vừa có homestay 4 phòng, cứ hết mùa du lịch là chuyển sang làm biển. Tôi thấy ở đây kinh tế ổn định”.
Thực tế, du lịch Cù Lao Chàm phát triển mạnh những năm qua nhưng kinh tế biển vẫn được người dân duy trì.
Bà Phạm Thị Mỹ Hương - Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết, nhờ chuyển đổi các mô hình sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề, đặc biệt là kiêm nghề khai thác thủy sản và dịch vụ du lịch, thu nhập của người dân trên đảo được nâng cao rõ rệt.
Từ năm 2015 đến nay, xã đảo Tân Hiệp không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 67,2 triệu đồng, tăng hơn 9 triệu đồng so với năm 2023. Xã Tân Hiệp đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2018 và NTM nâng cao năm 2021.
Bà Phạm Thị Mỹ Hương nói: “Hiện ngư dân tiếp tục bám biển, khai thác hải sản phù hợp với những ngành nghề quy định được phép khai thác trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nên thu nhập, đời sống cơ bản đảm bảo.
Xã cũng ưu tiên phát triển du lịch bền vững dựa vào cộng đồng; đang triển khai quảng bá, xúc tiến và tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết những hạn chế trong phát triển du lịch”.
Năm 2024, tổng lượt khách đến tham quan Cù Lao Chàm hơn 269 nghìn lượt, tăng so với năm 2023 hơn 24,7 nghìn lượt; có 4,5 nghìn lượt khách lưu trú, trong đó khách quốc tế hơn 2,6 nghìn lượt.
Trong khi đó, kinh tế biển tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Tổng sản lượng khai thác hải sản năm 2024 ước đạt hơn 827 tấn, trong đó hải sản có giá trị cao ước đạt 350 tấn, góp phần đưa tổng thu nhập của xã Tân Hiệp năm 2024 hơn 125,8 tỷ đồng.
“Nhiều năm qua, xã đảo Tân Hiệp đã thoát cảnh chờ thành phố hỗ trợ gạo và các nhu yếu phẩm mỗi mùa biển động kéo dài. Hiện địa phương tập trung nguồn lực kích cầu du lịch và định hướng phát triển kinh tế biển để người dân kiêm nghề, đa nghề, phát triển bền vững” - ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết.