Các cấp ngành liên quan của tỉnh đang tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi cố tình găm hàng, trữ hàng, đóng cửa hoạt động kinh doanh xăng dầu trước giờ quy định… để giữ ổn định thị trường đối với mặt hàng thiết yếu này.
Cục Quản lý thị trường tỉnh vừa xử phạt một cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở Thăng Bình 15 triệu đồng vì lỗi đóng cửa trước giờ quy định, sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân hôm ngày 4.9. Đây chỉ là một trong số các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đã bị các đội quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh phát hiện, xử lý thời gian qua.
Tăng cường kiểm tra
Kể từ cuối tháng 6 khi xăng liên tục giảm giá, hoạt động kinh doanh xăng dầu một số nơi đã có những chuyển biến phức tạp. Mặc dù chưa phát hiện tình trạng găm hàng, trữ hàng chờ tăng giá nhưng tình trạng các cây xăng tìm mọi lý do để ngừng bán hoặc đóng cửa trước giờ quy định đã diễn ra.
Đơn cử, ngày 31.8, một người dân mang 30 can nhựa (can 20 lít) đến cửa hàng xăng dầu Đại Lãnh (Đại Lộc) mua. Trước sự việc bất thường này các cơ quan chức năng đã đến tìm hiểu, kiểm tra.
Kết quả, người này chỉ được mua 3 can dầu do không chứng minh được lý do chính đáng, đặc biệt không đảm bảo điều kiện của việc lưu trữ xăng dầu. Trước đó, ngày 1.9, cửa hàng xăng dầu Đại An (Điện Bàn) gửi đơn xin ngừng bán để tổ chức đám cưới, lý do này đã không được chấp nhận.
Ngày 5.9, Sở Công Thương đã có văn bản gửi Cục Quản lý thị trường Quảng Nam, UBND các huyện, thị, thành phố và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về việc tăng cường công tác kiểm tra, ổn định tình hình xăng dầu.
Theo đó, Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cần chủ động phối hợp với các ngành, địa phương giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xăng dầu toàn tỉnh, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi găm hàng hoặc ngừng bán hàng không có lý do chính đáng, nhất là các hành vi vi phạm niêm yết giá, không bán theo giá niêm yết, thời gian đăng ký bán hàng…
Sở Công Thương cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng vào cuộc nắm bắt thông tin, phối hợp với các đội quản lý thị trường kiểm tra, xử lý các cửa hàng xăng dầu ngưng hoạt động không có lý do chính đáng hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh xăng dầu.
Với các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, yêu cầu phải chủ động nguồn cung để đảm bảo duy trì hoạt động trong hệ thống, các cửa hàng không được nghỉ bán hàng, đảm bảo tốt lượng hàng hóa cung cấp ra thị trường…
Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, qua kiểm tra sơ bộ tới thời điểm hiện tại, ngoại trừ vài cửa hàng xin phép tạm nghỉ hoặc tạm ngừng bán một số mặt hàng có lý do chính đáng thì hầu như chưa phát hiện tình trạng cửa hàng kinh doanh xăng dầu nào tự đóng cửa.
Trước đó, UBND tỉnh cũng đã có Công văn 1082 yêu cầu Sở Công Thương phối hợp các ngành, đơn vị, địa phương liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động bán xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh, bảo đảm không bị gián đoạn.
Đặc biệt, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải cam kết thực hiện nghiêm và tuân thủ quy định về công khai minh bạch kinh doanh, các quy định về bán hàng, niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Giữ ổn định thị trường
Toàn tỉnh hiện có 195 cửa hàng bán lẻ xăng dầu (181 cửa hàng bán lẻ trên cạn và 14 tàu dầu), nguồn hàng chủ yếu được nhập từ 6 nhà cung cấp. Sau nhiều lần giảm giá, trong đợt điều chỉnh gần nhất giá dầu đã tăng trở lại gần 1.500 đồng/lít, điều này khiến các phương tiện sử dụng dầu gặp khó do thiếu hụt nguồn cung.
Mới đây, một chủ tàu tại cảng Tam Hòa (Núi Thành) đã gửi đơn đến Cục Quản lý thị trường Quảng Nam nhờ can thiệp để mua 6 khối dầu phục vụ việc đánh bắt thủy sản vì không thể mua đủ nguyên liệu, do trước đây hộ này chủ yếu mua dầu từ nguồn hàng trôi nổi, nay dầu tăng giá nguồn cung bị gián đoạn. Dù yêu cầu này bị từ chối nhưng cũng đã chỉ ra những bất ổn, phức tạp từ nguồn cung xăng dầu hiện nay.
Theo ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam, thời gian qua các đội quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, ký cam kết và niêm yết số điện thoại đường dây nóng tại các cửa hàng xăng dầu để người dân thuận tiện liên hệ, tố giác khi phát hiện vi phạm về kinh doanh xăng dầu.
Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, địa bàn rộng khó thể kiểm tra kiểm soát toàn diện, dù vậy so với những tỉnh thành khác, hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có vấn đề nổi cộm.
“Công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu không chỉ được thực hiện thường xuyên, triệt để từ cấp cơ sở mà còn được lãnh đạo Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường quan tâm theo dõi thường xuyên.
Hiện tại, mỗi ngày tôi phải trực tiếp nhắn tin 3 lần báo cáo Thứ trưởng Bộ Công Thương và một lần cho Tổng cục Quản lý thị trường về tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, từ ngày 13 - 15.9 đoàn công tác của Bộ Công Thương cũng sẽ vào Quảng Nam để trực tiếp kiểm tra tình hình” - ông Sơn cho biết.
Trong 2 tháng qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 49 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, xử phạt 9 cửa hàng vi phạm hành chính với số tiền gần 70 triệu đồng về các hành vi như: sử dụng nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường; không ghi thời gian bán hàng tại khu vực bán hàng theo quy định và niêm yết giá không đúng với giá do thương nhân phân phối quy định.
“Tôi đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc phải báo cáo hàng ngày về tình hình hoạt động cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, kiểm tra xử lý ngay khi xảy ra trường hợp cửa hàng xăng dầu tạm ngừng kinh doanh mà không có lý do chính đáng hoặc lợi dụng tình hình thị trường để vụ lợi” - ông Sơn nói.