Quy hoạch - Đầu tư

Kiểm tra dự án đầu tư công tại huyện Núi Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng:"Sẽ điều nơi thừa vốn sang nơi cần vốn"

THÀNH CÔNG 26/08/2024 08:00

Làm việc với lãnh đạo huyện Núi Thành vào cuối tuần qua, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu địa phương phải có cách làm thực sự quyết liệt, mạnh mẽ. Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ không được xếp hoàn thành tốt nhiệm vụ nếu việc giải ngân không đạt mục tiêu đề ra.

 Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng kiểm tra thực địa tại dự án sửa chữa, nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa. Ảnh: T.CÔNG
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng kiểm tra thực địa tại dự án sửa chữa, nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa. Ảnh: T.CÔNG

Giải ngân thuộc “tốp” chậm

Theo báo cáo của UBND huyện Núi Thành, đến ngày 20/8, tổng nguồn vốn của địa phương được giải ngân là 110 tỷ đồng, đạt 25,59% kế hoạch vốn.

Tổng nguồn vốn chưa giải ngân còn đến 320 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2024 chưa giải ngân hơn 170,7 tỷ đồng và kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài, chuyển nguồn chưa giải ngân hơn 149,4 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, Núi Thành đang là địa phương xếp trong nhóm có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp của tỉnh. Nếu Núi Thành không làm tốt, có nguy cơ mất vốn bố trí.

“Tỉnh đã thành lập 5 tổ công tác về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, sắp đến sẽ đi kiểm tra làm việc nhiều địa phương.

Nếu huyện này làm không hết sẽ chuyển sang huyện khác, chuyển từ nơi thừa vốn sang nơi cần vốn. Trong triển khai thủ tục đầu tư, Núi Thành còn chậm nhiều công trình. Cái nào làm được, làm nhanh phải triển khai sớm, đôn đốc tiến độ thi công” - ông Lê Văn Dũng nói.

z5761597407552_87ef3d2a70d47acae18cba119016b35a.jpg
Khó khăn về đất đắp khiến tiến độ thi công chậm, ảnh hưởng đển giải ngân một số dự án. Ảnh: T.C

Lý giải về nguyên nhân, ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho rằng Nghị định số 24/2024/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Đấu thầu chậm ban hành khiến những tháng đầu năm 2024 việc phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu rất hạn chế, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung.

Giá nguyên nhiên vật liệu xây dựng tăng cao, một số dự án thiếu hụt nguồn đất đắp như dự án Cầu Tam Tiến và đường dẫn, Khu tái định cư Tam Anh Nam giai đoạn 4... đã tác động trực tiếp tới giá thành xây dựng và làm chậm tiến độ triển khai các dự án.

UBND huyện Núi Thành nhận định cơ quan, đơn vị, các chủ đầu tư còn chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai các thủ tục đầu tư và triển thực hiện các dự án, giải ngân kế hoạch vốn.

Việc xác nhận nguồn gốc đất gặp khó khăn do lịch sử quản lý đất đai; đơn giá bồi thường nhà ở, vật kiến trúc, cây trồng, con vật nuôi tại một số khu vực, vị trí chưa sát với thực tế; tại một số vị trí, người dân yêu cầu chủ đầu tư bồi thường quá cao so với mặt bằng chung.

Ngoài ra, sự thiếu tập trung, chưa quyết liệt trong quá trình triển khai thực hiện của đơn vị thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, cơ quan chuyên môn và địa phương cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án.

Xin “thí điểm” giải quyết đất 5% ở Tam Anh Nam

Điểm đáng chú ý nhất trong phiên làm việc của Tổ công tác với chính quyền huyện Núi Thành cuối tuần qua, là việc địa phương này xin “thí điểm” cách giải quyết vướng mắc đất công ích (đất 5%) tại xã Tam Anh Nam. Đây là địa phương đang đối diện với “điểm nghẽn” bồi thường, giải phóng mặt bằng liên quan đất 5% suốt thời gian qua.

z5761597477342_41c462421489833cf99ceaedea818f24.jpg
Khu vực triển khai Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp THACO Chu Lai đang bị vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: T.C

Tại dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp THACO Chu Lai (451ha), trong phạm vi dự án hiện nay còn khoảng 29ha đất nông nghiệp là đất công ích. Tuy nhiên, trong phần đất này có nhiều diện tích người dân địa phương đã sử dụng ổn định, lâu dài, việc giải quyết quyền lợi cho người dân khi giải phóng mặt bằng gặp khó.

Ông Trần Văn Trường - Chủ tịch UBND xã Tam Anh Nam nói, gần như 50% diện tích của toàn xã “dính” giải phóng mặt bằng với 1.200ha của 10 dự án. Liên quan đất 5% không chỉ vướng ở dự án 451ha. Xã rà soát từ 2021 đến nay và đã báo cáo nhiều lần với huyện, tỉnh.

Quan điểm của xã là thống nhất hỗ trợ cho người dân. Xã đã họp nhiều lần với hệ thống chính trị, làm việc với các chủ nhiệm hợp tác xã trước đây, đề nghị tỉnh công nhận và bồi thường cho người dân.

“Có thể xem xét cho Tam Anh Nam thí điểm, nhưng đã thí điểm thì phải cho làm nhanh, rút gọn. Đất 5% do xã lập ra, đề nghị xã cũng có thẩm quyền loại ra khỏi đất 5%.

Ngoài ra, cũng nên xem xét việc có cần thiết phải để lại 5% đất công ích theo quy hoạch. Tam Anh Nam hiện nay hầu như diện tích quy hoạch khu công nghiệp, hoặc phục vụ dự án của khu Kinh tế mở, có thể hạ tỷ lệ xuống, thậm chí còn 0% đất công ích” - ông Trường đề xuất.

Theo ông Nguyễn Tri Ấn - Bí thư Huyện ủy Núi Thành, Ban thường vụ Huyện ủy đã liên tục chỉ đạo theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh, phân công các đồng chí thường vụ đứng điểm và tập trung chỉ đạo.

“Cái khó lớn nhất là thể chế. Cấp huyện không ban hành được thể chế, trong khi chúng ta vẫn đang trong quá trình thể chế hóa, hoàn thiện hóa. Do đó đề nghị tỉnh có những chỉ đạo sớm, các sở ngành cần làm việc để thống nhất quan điểm, tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư trong bồi thường, giải phóng mặt bằng” - ông Ấn nói.

Quyết liệt, cứng rắn hơn trong giải ngân

Đồng tình với đề xuất của chính quyền xã Tam Anh Nam, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, riêng các dự án cấp thiết trên địa bàn Núi Thành vướng đất 5%, đề nghị cho làm thí điểm, quy trình là hồ sơ từ xã trình lên các cấp trên theo quy định.

441a3590.jpg
Nhiều công trình tại Núi Thành vẫn đang gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Ảnh: T.CÔNG

“Nhất quyết hồ sơ phải theo xã, xã chứng minh đất là của dân, không phải vin vào hồ sơ cũ, từ “tờ bản đồ số...” là đất 5%, nếu lệ thuộc vào hồ sơ cũ thì quá vô lý. Cái này sẽ là thí điểm để Sở TN-MT trình chung cho toàn tỉnh”- ông Bửu nói.

Khẳng định yêu cầu, quyết tâm của tỉnh trong giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu chính quyền huyện Núi Thành phải có biện pháp mạnh, quyết liệt. Tỉnh sẽ điều chuyển nếu không giải ngân được vốn đầu tư công.

“Một số công trình trọng điểm chỉ đạo chưa rắn, chưa quyết liệt, chưa cụ thể công việc. Núi Thành phải rút kinh nghiệm, tập trung thực hiện tốt hơn.

Ban Thường vụ Huyện ủy phải chỉ đạo quyết liệt hơn, xem đây là nhiệm vụ chính trị hết sức cần thiết, quan trọng của Đảng bộ huyện. Nếu không hoàn thành, tập thể Ban Thường vụ không được xếp hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đối với UBND huyện, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND huyện phải chỉ đạo từng công trình cụ thể, phương pháp giải ngân, chỉ đạo các phòng ban tham mưu chặt chẽ, không ai đứng ngoài cuộc.

Từng đồng chí trong Ban Thường vụ phải trực tiếp kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở các công trình mình đã được phân công, không để phân công cho có, mình không biết việc đó đến đâu là không tròn trách nhiệm” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nhấn mạnh.

Về kiến nghị đối với đất 5%, Chủ tịch UBND tỉnh giao huyện Núi Thành chỉ đạo cho xã xác định nguồn gốc đất, xã đề nghị đối với phần đất dân đang quản lý sử dụng, đề nghị tỉnh xem xét có chủ trương bồi thường thỏa đáng cho người dân theo quy định, và làm thí điểm ở dự án 451ha.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng lưu ý về việc hỗ trợ cho một số trường hợp người dân thật sự bị mất việc do dự án triển khai không nằm trong quy định hiện hành. “Núi Thành phải đề nghị cho UBND tỉnh xem xét. Huyện không dám làm thì tỉnh sẽ làm, sẽ bàn để có chủ trương hỗ trợ cho dân” - Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiểm tra dự án đầu tư công tại huyện Núi Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng: "Sẽ điều nơi thừa vốn sang nơi cần vốn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO