Đã có rất nhiều khoảng lặng. Mưa chiều miền núi, xám xịt và não nề khi tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần được đồng loạt đăng phát trên các phương tiện truyền thông. Niềm thương tiếc dội lên, thăm thẳm những nỗi buồn xen lẫn niềm kính phục một nhà lãnh đạo của Đảng đã tận tụy phụng hiến cho đất nước đến tận những ngày cuối cùng...
Hạnh ngộ nơi căn cứ địa
Những bức ảnh của ngày 13/1/2012, ngày Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm, chúc Tết và tặng quà gia đình chính sách các xã nơi căn cứ địa cách mạng Khu ủy 5 (huyện Hiệp Đức) tràn ngập mạng xã hội từ chiều 19/7. Niềm xúc động dậy lên trong lòng bao người đã từng có dịp gặp, được Tổng Bí thư chuyện trò trong lần hạnh ngộ đầu tiên và duy nhất ấy.
Chị Hồ Thị Loan, người có mặt trong bức ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với nhân dân Hiệp Đức, đã không khỏi nghẹn ngào khi nhìn lại bức hình kỷ niệm.
“Bác Nguyễn Phú Trọng khi ấy gần gũi, ấm áp lắm. Bác bắt tay từng người, hỏi han về chuyện đời sống, chuyện làm ăn, về những khó khăn của đồng bào.
Bác còn căn dặn chính quyền phải quan tâm hơn nữa đến vùng căn cứ địa cách mạng, phải làm sao đó mở đường cho dân, chăm lo cho những gia đình nghèo, gia đình chính sách, để đời sống người dân được no ấm. Bác chuyện trò nhiều lắm.
Chiều 19/7 đến giờ, tôi và rất nhiều người dân ở Hiệp Đức rất buồn, thương tiếc bác Trọng. Đó là mất mát lớn của người dân Hiệp Đức nói riêng, người dân cả nước nói chung. Bà con đã từng rất mong được bác về thăm một lần nữa...” - chị Loan chia sẻ.
Ký ức trở về trong những ngày cả nước chuẩn bị Quốc tang. Bà Đinh Thị Mai Hồng - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sông Trà nhớ lại, thời điểm đó chỉ còn chừng mươi ngày là đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn.
Nhận tin bác Trọng về thăm căn cứ địa Khu ủy 5, cán bộ và nhân dân các xã vùng cao Hiệp Đức đều rất náo nức, cả đêm không ngủ, trông đến sáng để được nhìn thấy Tổng Bí thư.
Đúng 9 giờ sáng, đoàn công tác đến tại hội trường Khu di tích Khu ủy 5, bà con đã đến rất đông, ngồi trật tự để chờ đợi Tổng Bí thư phát biểu.
“Ai cũng mừng, cũng phấn khởi. Một lãnh đạo cấp cao của Đảng, của Trung ương đã dành thời gian đến thăm bà con ở một nơi xa xôi, hẻo lánh như thế này là điều quá tuyệt vời với bà con. Bác khen cũng nhiều, động viên cũng nhiều.
Bác dặn chính quyền địa phương, chính quyền tỉnh phải quan tâm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào ở vùng căn cứ địa, cái nôi của cách mạng. Làm thế nào để vùng Hiệp Đức này, vùng căn cứ Khu ủy 5 này phát triển bằng những nơi khác. Bác dặn dò kỹ lưỡng lắm...” - bà Hồng kể lại.
Còn mãi niềm tin
Liên tiếp những ngày mưa đổ xuống, từ chiều 19/7. Bà Hồng nói, mưa như gieo thêm nỗi buồn, nỗi tiếc thương trong lòng bà và bao người dân xã Sông Trà, bao người dân vùng cao Hiệp Đức và cả nước.
“Tôi rất buồn. Mất đi một vị lãnh đạo tận tụy, cả đời vì nước, vì dân. Bác là “lò sưởi” cho niềm tin của tôi, của đồng bào trong suốt những năm qua. Nhờ bác Nguyễn Phú Trọng mà người dân thêm tin tưởng vào Đảng, Nhà nước.
Khi bác từ trần, nhiều người cũng tâm sự với tôi, rằng ai sẽ thay bác, công cuộc chống tham nhũng có còn mạnh mẽ, quyết liệt không. Với tư cách là đảng viên, cán bộ hưu trí, là người có uy tín ở vùng này, tôi khẳng định với bà con, chắc chắn là có.
Bác từ trần, nhưng bác đã có những dặn dò với thế hệ kế nhiệm, Trung ương cũng đã ban hành Nghị quyết, mọi thứ sẽ tiếp diễn, phải vững niềm tin. Đồng bào các xã vùng cao từ lâu nay đã một lòng theo Đảng, và niềm tin ấy sẽ được giữ vững” - bà Hồng tâm sự.
Đưa cháu nội đi thăm Khu di tích Khu ủy 5, bà Hồ Thị Anh Thơ (thôn Trà Va, xã Sông Trà, Hiệp Đức) dừng lại trước bức ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu nhân dịp về thăm Khu ủy 5 của 12 năm về trước, treo trang trọng tại Nhà lưu niệm khu di tích.
Bà Thơ kể cho cháu nghe về sự giản dị, chan hòa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi gặp bà con, về niềm cảm mến người lãnh đạo của Đảng đã lặn lội về thăm đồng bào ngày ấy. Mắt người già hình như ướt.
Bà dừng lại hồi lâu bên cây đa búp đỏ do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng trong khu di tích, nói với cháu, đây là cây đa kỷ niệm mà bác đã tặng cho đồng bào vùng cao lần đó.
“Đi đến đâu, gặp ai, bác cũng căn dặn bà con phải nỗ lực phát triển kinh tế, không được ỷ lại, phải phấn đấu xứng đáng với vùng đất cách mạng.
Nghe theo lời dặn của bác Trọng, bây giờ nhiều đồng bào Kinh, Mơ Nông, Xơ Đăng ở địa phương đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Quê hương nay đã đổi khác nhiều rồi. Bác Trọng đã từ trần, nhưng đồng bào vẫn luôn tâm đắc với câu chuyện của bác, vẫn noi gương của bác để quê hương ngày càng phát triển...” - bà Thơ chia sẻ.
Bao câu chuyện về chuyến thăm đầu tiên và duy nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại vùng đất căn cứ địa cách mạng vẫn đang được bà con kể lại cho nhau nghe, trong những ngày mưa giăng mắc tiễn đưa bác về với cõi người hiền.
Vùng cao, sẽ vẫn luôn khắc ghi niềm nhớ, khắc ghi những cống hiến của vị lãnh đạo Đảng, người đã tận tâm, tận hiến cho Đảng, cho đất nước này, đến ngày cuối cùng của cuộc đời ông...