Ký ức về căn cứ Huyện ủy Nam Tam Kỳ

HÀ QUANG 17/12/2023 09:30

Di tích Cơ quan làm việc Huyện ủy Nam Tam Kỳ (thôn Trung Hòa, xã Tam Thạnh, Núi Thành) nằm giữa triền đồi bạt ngàn xanh của những vạt keo non.

Di tích Cơ quan làm việc Huyện ủy Nam Tam Kỳ. Ảnh: H.QUANG
Di tích Cơ quan làm việc Huyện ủy Nam Tam Kỳ. Ảnh: H.QUANG

Lịch sử như đang “sống lại” qua những dòng chữ trên tấm bia di tích: “Nơi đây, là một trong những địa điểm làm việc chủ yếu của Cơ quan Huyện ủy Nam Tam Kỳ, nay là Huyện ủy Núi Thành từ năm 1963 đến 1975.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, quân và dân huyện nhà đã tiến hành hàng trăm trận đánh lớn nhỏ; loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch; đưa phong trào cách mạng của địa phương ngày càng phát triển, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.

Cơ sở đầu tiên

Lần theo “dấu vết” của một chặng đường lịch sử đấu tranh cách mạng của địa phương, chúng tôi tìm đến nhà ông Trương Đình Hòe (thôn Phước Thạnh, xã Tam Thạnh) để được nghe những câu chuyện như một phần đính kèm của các trang tư liệu về di tích Cơ quan làm việc Huyện ủy Nam Tam Kỳ.

Từng là du kích địa phương trong một thời gian dài, rồi năm 1970, ông Hòe là Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Kỳ Thạnh (nay là xã Tam Thạnh), nên ký ức có lẽ sẽ còn đậm sâu về những ngày tháng sinh tử trong căn cứ cách mạng Cơ quan làm việc Huyện ủy Nam Tam Kỳ.

Ông nói, mình lớn tuổi rồi, có thể sẽ không nhớ chính xác các mốc thời gian, nhưng những hình ảnh và tình huống mà ông chứng kiến, tham gia trong kháng chiến thì sẽ khó quên được.

Trong kháng chiến chống Mỹ, thực hiện yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng, tháng 4 năm 1963, huyện Tam Kỳ được tách ra làm 3 đơn vị Bắc Tam Kỳ, Nam Tam Kỳ và thị xã Tam Kỳ.

Cơ quan làm việc Huyện ủy Nam Tam Kỳ được thành lập để phục vụ cho sự lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng địa phương đấu tranh chống giặc Mỹ xâm lược. Các cơ quan trong hệ thống chính trị, quân sự của huyện cũng được hình thành và từng bước phát triển. Ban đầu có một số cơ quan đơn vị, mỗi cơ quan, đơn vị đều có người phụ trách, tuy nhiên vẫn chưa có bài bản, quy củ.

Ông Hòe nhớ lại, khu vực Cơ quan làm việc Huyện ủy Nam Tam Kỳ trước đây rừng rú um tùm. Khu vực trước bia di tích bây giờ có một cây da rất to đến mấy người ôm. Trước khi Cơ quan làm việc Huyện ủy Nam Tam Kỳ đặt căn cứ tại khu vực này, ở đây đã có tổ đảng Hòa Tân (thuộc Chi bộ Tam Anh) hoạt động với hai cán bộ cốt cán là ông Đặng Xuyến và ông Nguyễn Soái.

“Lúc đó tôi còn nhỏ nhưng vẫn nhớ ông Soái mang đôi ủng cao, nghe tiếng nói thì biết người ở miền ngoài. Hoạt động được một thời gian thì cơ sở bị lộ, địch bắn chết ông Soái, còn ông Xuyến thoát được, nhưng ra tới Vĩnh Điện thì bị bắt lại, sau đó bị thủ tiêu rồi đứt luôn phong trào” - ông Hòe kể.

Chỉ một thời gian ngắn, cơ sở cách mạng tại đây lại nhen nhóm. Ông Trương Lợi (cha của ông Hòe) tiếp nối làm Tổ phó tổ đảng Hòa Tân, cùng với ông Tuyển là người địa phương xây dựng cơ sở cách mạng.

Ông Hòe cho biết: “Ông Tuyển là người có đám ruộng ở trước khu di tích bây giờ. Cha tôi và ông Tuyển thường liên lạc hay trao đổi tài liệu với nhau bằng cách viết giấy hoặc gói tài liệu cẩn thận rồi nhét vào gốc cây da. Từ đó tổ đảng Hòa Tân tổ chức nhiều hoạt động đấu tranh theo chủ trương của trên”.

Cơ quan đầu não

Sau khi Cơ quan làm việc Huyện ủy Nam Tam Kỳ được thành lập (năm 1963), phong trào cách mạng tại địa phương đã được củng cố một cách vững chắc hơn. Theo lịch sử địa phương, thời gian đầu, Cơ quan làm việc Huyện ủy Nam Tam Kỳ phải lui về nơi hang đá (giáp giới giữa Kỳ Thạnh và Xuân Bình - Phú Thọ, xã Tam Trà ngày nay) để làm nơi đóng quân.

Ông Trương Đình Hòe, nguyên Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Kỳ Thạnh (nay là xã Tam Thạnh). Ảnh: H.QUANG
Ông Trương Đình Hòe, nguyên Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Kỳ Thạnh (nay là xã Tam Thạnh). Ảnh: H.QUANG

Trước mắt, Huyện ủy xác định chưa thể tổ chức các trận đánh lớn, đánh mạnh, chủ yếu là tổ chức các đợt hoạt động tác chiến nhỏ lẻ, rộng khắp kết hợp với thọc sâu diệt ác phá kèm, giành và giữ dân, tiêu hao lực lượng địch, gây rối loạn địa bàn chúng kiểm soát; xây dựng phát triển cơ sở cách mạng, chuẩn bị lực lượng quần chúng sẵn sàng tham gia đấu tranh chính trị khi có sự chỉ đạo; tạo thời cơ và khi có thời cơ thì tập trung lực lượng đánh một số trận có tính quyết định làm thay đổi cục diện chiến trường trên địa bàn.

Đến năm 1970, Cơ quan làm việc Huyện ủy Nam Tam Kỳ là cơ quan đầu não lãnh đạo các phong trào đấu tranh quân sự, chính trị, binh địch vận… trên địa bàn huyện. Sau một thời gian dài làm du kích địa phương và sau đó là Trung đội trưởng du kích xã, lúc này ông Hòe được giao nhiệm vụ Bí thư - Chủ tịch UBND xã Kỳ Thạnh.

Ông nói những chỉ đạo của cấp trên với địa phương đến lúc này đã sát sao, chặt chẽ hơn và cơ sở cách mạng đã được hình thành rộng khắp, đấu tranh quyết liệt. Và Cơ quan làm việc Huyện ủy Nam Tam Kỳ không còn cảnh “dã chiến, nay đây mai đó” nữa.

Theo tư liệu, từ năm 1970 về sau, thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn huyện cơ bản được phục hồi, mở ra nhiều hoạt động trên khắp huyện, kể cả vùng địch chiếm đóng như vũ trang đánh địch, diệt ác phá kèm, xây dựng cơ sở trong vùng địch, vận động thanh niên ra vùng giải phóng để bổ sung lực lượng.

Vì vậy, Cơ quan Huyện ủy Nam Tam Kỳ và các cơ quan, đơn vị của huyện bắt đầu chuyển về thôn 1, thôn 2 xã Kỳ Thạnh, xã Kỳ Trà, là vùng giải phóng nhưng gần với các vùng địch hơn để thuận tiện trong mọi hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo.

Một trong những địa điểm mà Cơ quan Huyện ủy có quy mô vững chắc, đó là địa điểm thôn 2, xã Kỳ Thạnh. Đây là nơi đóng quân của Cơ quan làm việc Huyện ủy đến ngày ký kết Hiệp định Pari năm 1973.

Trụ sở cơ quan làm việc gồm một hội trường lớn, một nhà văn phòng, một phòng ban thường vụ, một phòng cho đồng chí bí thư và một nhà nấu ăn, mái lợp bằng tranh tre, chung quanh không có phên vách, mỗi phòng đều được xây hầm để tránh bom đạn, hầm ở hội trường chứa khoảng 40 đến 50 người…

Đây là điều kiện thuận lợi cơ bản để Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong huyện đẩy mạnh cuộc đấu tranh giải phóng quê hương đến thắng lợi hoàn toàn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ký ức về căn cứ Huyện ủy Nam Tam Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO