Nỗ lực thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tích cực khai thác dữ liệu dân cư cũng như đa dạng hóa các tiện ích, Quảng Nam từng bước cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng Bộ chỉ số cải cách hành chính quốc gia.
Hoàn thành kho dữ liệu cá nhân
Tính đến tháng 5/2024, Tây Giang trở thành địa phương đầu tiên trong toàn tỉnh thực hiện mô hình “Triển khai thiết bị xác minh di động và đầu đọc căn cước công dân (CCCD) gắn chip tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự” (gọi tắt là mô hình 16).
Mô hình 16 nằm trong danh mục 43 mô hình chuyển đổi số, thuộc nhóm tiện ích phát triển kinh tế xã hội.
Thiếu tá Ngô Văn Thìn - Phó Trưởng Công an huyện Tây Giang cho biết, lâu nay hoạt động cầm cố tài sản không chính chủ, người cầm cố sử dụng các loại giấy tờ giả hoặc có những cơ sở vì lợi nhuận mà cầm cố tài sản không rõ nguồn gốc với giá rẻ, tạo điều kiện cho các đối tượng vi phạm pháp luật tẩu tán tài sản.
“Việc triển khai mô hình 16 giúp cơ sở quản lý định danh chính xác tuyệt đối chủ thẻ CCCD gắn chip điện tử; đọc và trích xuất dữ liệu, thông tin của công dân từ thẻ CCCD gắn chip nhanh chóng, chính xác; xác thực với độ chính xác cao nhờ công nghệ nhận diện khuôn mặt.
Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, hạn chế sai sót liên quan đến người cầm cố và nguồn gốc tài sản. Đồng thời hỗ trợ cơ quan chức năng trong công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự” - Thiếu tá Thìn nói.
Báo cáo của Tổ Công tác Đề án 06 tỉnh, đến thời điểm hiện tại, kho dữ liệu cá nhân, tổ chức đã hoàn thành kết nối. Bên cạnh đó, Quảng Nam đã cấu hình quy trình, cập nhật thông tin thủ tục, biểu mẫu eForm và thành phần hồ sơ cho hơn 130 thủ tục hành chính (TTHC) có mức độ sử dụng nhiều để thực hiện tại cấp sở, huyện, xã. Các kết nối đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin của các bộ, ngành hoạt động tương đối ổn định.
“Hiện nay Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cấp tài khoản cho phép kết nối chính thức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã giúp cho việc tiếp nhận giải quyết hồ sơ TTHC trên Cổng dịch vụ công, số hóa hồ sơ, khai thác, sử dụng thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được nhanh chóng, chính xác, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC nhanh gọn, hiệu quả, giảm chi phí, thời gian” - Đại tá Hồ Song Ân - Phó Giám đốc Công an tỉnh (đơn vị thường trực của Tổ công tác Đề án 06 tỉnh) thông tin.
Tiếp tục gỡ vướng
Số hóa dữ liệu là công việc khổng lồ, nhiều nội dung mới, chưa có tiền lệ. Chính vậy, vướng mắc là điều không thể tránh khỏi. Đáng nói, vấn đề số hóa của các dữ liệu như đất đai, hộ tịch… đã bàn qua rất nhiều cuộc họp, song đến nay vẫn triển khai rất chậm, khó hoàn thành theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đại diện Sở TN-MT thông tin, nhiệm vụ số hóa dữ liệu đất đai và số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực theo quy định, ngành đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, dữ liệu đang được lưu trữ theo trách nhiệm quản lý của nhiều đơn vị, nhiều cấp.
Sở TN-MT đã ban hành công văn gởi phòng TN-MT cấp huyện đề xuất danh mục, nhu cầu kinh phí thực hiện số hóa dữ liệu đất đai, tuy nhiên đến cuối tháng 4/2024 mới có một số địa phương thực hiện. Số còn lại, đơn vị này đang đôn đốc để tổng hợp tham mưu tỉnh cho chủ trương thực hiện theo lộ trình.
Nhận định từ Sở TN-MT, nhiệm vụ số hóa dữ liệu đất đai hoàn thành trong quý IV năm 2024 là khó khả thi.
Từ nhân lực, năng lực chuyển đổi số mỏng, hạn chế, hạ tầng công nghệ thông tin không đảm bảo cho đến chưa có hướng dẫn số hóa dữ liệu đất đai trên cơ sở dữ liệu dân cư (theo Đề án 06) của cơ quan chủ quản (Bộ TN&MT).
Do đó, khối lượng thực hiện số hóa không đảm bảo theo tiến độ, khả năng tái cấu trúc thông tin sử dụng kết quả TTHC gần như không thực hiện được theo kế hoạch.
Với Sở Tư pháp, nhiệm vụ số hóa dữ liệu từ sổ hộ tịch trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang triển khai quyết liệt. Đến nay, ngành đã số hóa hơn 1,4 triệu dữ liệu sổ hộ tịch.
Tuy nhiên, tình trạng quá tải, gián đoạn của Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp, Hệ thống quản lý lý lịch tư pháp dùng chung vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của ngành và giải quyết TTHC.
Ông Bùi Xuân Hiếu - Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, việc triển khai quá nhiều phần mềm cũng như hệ thống thông tin chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương gây khá nhiều khó khăn khi tiếp cận.
“Trong khi các hệ thống chưa tích hợp, kết nối đăng nhập nhiều hệ thống còn khó, công chức, viên chức của ngành phải nhớ nhiều thông tin tài khoản đăng nhập để thao tác trên hệ thống. Các TTHC vẫn thiếu chuẩn hóa, thiếu liên thông, chưa tối ưu theo công nghệ số, tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến còn thấp” - ông Bùi Xuân Hiếu nói.
“Lấy người dùng làm trung tâm”
Quảng Nam đang ở vị trí thứ 16 trên bảng xếp hạng Bộ chỉ số cải cách hành chính. Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, để tiếp tục duy trì, nâng cao thứ hạng cũng như đạt hiệu quả giải quyết TTHC cho người dân, Tổ công tác Đề án 06 và các cấp, ngành tập trung rà soát kỹ để cấu trúc lại quy trình.
Đồng thời cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trên cơ sở liên thông điện tử và tái sử dụng dữ liệu xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc “lấy người dùng làm trung tâm”.
Ngoài ra, ông Hồ Quang Bửu yêu cầu phải phát huy mạnh mẽ vai trò của các Tổ công nghệ số cộng đồng để tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ người dân giải quyết TTHC bằng dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng, duy trì chất lượng đường truyền riêng phục vụ cho hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến nói riêng và thực hiện cải cách TTHC nói chung là những điều cần thiết phải làm để đến gần hơn mục tiêu phát triển chính quyền số.