(QNO) - Từ năm 2010 đến nay, các cơ chế, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã qua nhiều lần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với khung pháp lý và thực tiễn phát triển. Nhiều rào cản trong triển khai chính sách DVMTR đã được các tỉnh thành thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhận diện và các địa phương cùng "ngồi lại" chia sẻ kinh nghiệm để đạt mục tiêu quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả hơn.
Chuyển động từ một chính sách
Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam vừa sơ kết 10 năm (2012 – 2022) thực hiện chính sách chi trả DVMTR, đồng thời là đơn vị chủ trì buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm triển khai chính sách này với sự tham gia của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Nông, Đắc Lắc và Lâm Đồng.
Quảng Nam có diện tích đất lâm nghiệp 768.446ha. Trong đó diện tích đất có rừng hơn 680.249ha bao gồm rừng tự nhiên và rừng trồng. Diện tích rừng được chi trả DVMTR thời điểm này hơn 311.630ha chiếm 67% diện tích rừng tự nhiên của tỉnh.
Thuận lợi trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR, theo Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam Huỳnh Đức, hầu hết diện tích rừng chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh là rừng tự nhiên và thuộc lâm phận của các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng quản lý (chủ rừng là tổ chức) nên rất thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành chi trả chính sách.
Thêm nữa, Quảng Nam nhận được sự tài trợ về tài chính và kỹ thuật của Tổ chức quốc tế Win Roock và Ngân hàng Phát triển châu Á đã triển khai thành công dự án thí điểm tại Đông Giang và Nam Giang. Nguồn thu từ DVMTR hàng năm đạt cao (năm 2021, 2022 đạt hơn 170 tỷ đồng/năm) góp phần đầu tư hiệu quả cho công tác quản lý, phát triển rừng.
“Thành công của Quảng Nam là kiện toàn, sắp xếp bộ quản lý, bảo vệ rừng (BVR) tinh gọn, bằng việc thay đổi hình thức giao khoán BVR từ nhóm hộ, cộng đồng thôn qua lực lượng chuyên trách BVR”(Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam Huỳnh Đức)
Hiệu ứng tích cực của chính sách đã thu hút đông đủ người dân địa phương (các hộ nhận khoán, cộng đồng thôn, lực lượng lao động hợp đồng chuyên trách BVR) thường xuyên tuần tra rừng, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại rừng.
Ông Trần Út – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam đánh giá: “Tác động của chính sách còn góp phần làm cho công tác quản lý BVR từng bước đi vào ổn định; phân định được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương và người dân tham gia BVR”.
[VIDEO] - Tọa đàm chia sẻ thực hiện chính sách chi trả DVMTR của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên:
Nhận diện khó khăn
Quảng Nam đa dạng hóa nguồn thu từ chính sách DVMTR, từng bước cải thiện đời sống cho người dân tham gia BVR, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Tuy nhiên, thời điểm này trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện loại hình DVMTR đối với nuôi trồng thủy sản do đây là loại hình dịch vụ nhỏ lẻ, phân tán và khó xác định được đối tượng cung ứng DVMTR và chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện.
Ngoài ra, loại hình dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng chưa được thực hiện. Đơn giá chi trả bình quân cho 1ha giữa các lưu vực chênh lệch khá lớn về thu nhập từ DVMTR gây sự so bì về quyền lợi. Các quy định về hệ thống giám sát, đánh giá DVMTR chưa được ban hành. Ngoài ra, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh còn lúng túng trong quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán tiền TRTT.
Tại vùng cao Nam Giang, từ năm 2020 đến nay đã chuyển đổi mô hình quản lý BVR. Đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Giang và Vườn quốc gia Sông Thanh đều chuyển sang hình thức ký hợp đồng với lực lượng chuyên trách BVR. Theo UBND huyện, hiện nay lực lượng chuyên trách BVR tại các chủ rừng phần lớn là người địa phương với trình độ phổ thông chưa được đào tạo bài bản về chuyên ngành lâm nghiệp. Trong khi đó, lực lượng BVR được đào tạo về chuyên môn thì chưa tạo cơ chế thu hút, an tâm công tác lâu dài.
Nguồn tiền chi trả DVMTR thường được tạm ứng chậm hơn so với thời gian thực tế theo niên độ, đơn giá chi trả hàng năm được xác định vào tháng 3 năm sau gây khó khăn cho việc chi trả chế độ hàng tháng cho lực lượng chuyên trách BVR …
Tương tự tại Nam Trà My, rào cản lớn nhất là trình độ của lực lượng chuyên trách BVR còn hạn chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các phần mềm theo dõi diễn biến rừng.
Theo Sở NN&PTNT Quảng Nam, ngoài vận hành bộ máy nhân sự tinh gọn, không đông nhưng đủ mạnh thì việc ứng dụng công nghệ, hệ thống phần mềm vào thực hiện chi trả DVMTR được xem như “chìa khóa” thành công trong công tác quản lý, BVR bền vững. Bởi việc cập nhật chính xác, đầy đủ diễn biến rừng trong lưu vực chi trả DVMTR sẽ làm cơ sở xác định diện tích và xây dựng bản đồ chi trả DVMTR hằng năm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chia sẻ, bên cạnh những thành quả, cần chú trọng chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu, giúp tiết kiệm nhân lực trong quản lý BVR.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu: “Không ai giữ rừng tốt bằng dân tự giữ rừng”
Kết quả thực hiện chi trả DVMTR giai đoạn 2012 - 2022 tại Quảng Nam:
Tổng số tiền thu từ chính sách chi trả DVMTR hơn 996 tỷ đồng bao gồm nguồn thu của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam.
- Về chi tiền DVMTR cho chủ rừng hơn 850 tỷ đồng, chiếm hơn 85,8%; chi cho hoạt động quản lý bộ máy quỹ 84,5 tỷ đồng, chiếm hơn 8,5%.
- Kết quả chi tiền DVMTR cho các chủ rừng, hạt kiểm lâm và UBND các xã là hơn 850 tỷ đồng. Cụ thể:
+ Chi cho 11 chủ rừng là các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng 812 tỷ đồng.
+ Chi trả cho 5 hạt kiểm lâm (Đại Lộc, Nam Trà My, Bắc Trà My, Nông Sơn, Duy Xuyên) gần 15 tỷ đồng.
+ Chi cho 12 xã hơn 12,3 tỷ đồng.
+ Chi trả 12 chủ rừng là cộng đồng hơn 1,25 tỷ đồng.
+ Chi từ nguồn chưa xác định được đối tượng chi gần 9 tỷ đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm
Tại buổi tọa đàm do Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam tổ chức vừa qua, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, Phú Yên, Lâm Đồng... đã chia sẻ kinh nghiệm thực hiện hiệu quả chính sách DVMTR, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận không ít bất cập phát sinh từ thực tiễn của địa phương mình.
Ông Nguyễn Minh Chí – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đắc Lắc: Diện tích rừng cung ứng DVMTR trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc hơn 215 nghìn héc ta, bao gồm 165 chủ rừng và UBND cấp xã; diện tích rừng được giao khoán cho các hộ gia đình và nhóm hộ là 97.535ha (chiếm 46% tổng diện tích rừng cung ứng DVMTR), được giao khoán cho 4.193 hộ gia đình và 54 cộng đồng, nhóm hộ nhằm hưởng lợi từ chi trả DVMTR. Hiện nay bình quân mỗi năm địa phương thu hơn 80 tỷ đồng DVMTR; đơn giá chi trả bình quân 300 nghìn đồng/ha/năm.
Thu tiền TRTT trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, do các chủ dự án đã được chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác chấp hành chưa nghiêm, thậm chí một số chủ dự án có biểu hiện trốn tránh trách nhiệm nộp tiền. Công tác cập nhật diễn biến rừng, rà soát diện tích rừng cung ứng để xây dựng hồ sơ, bản đồ chi trả của các bên cung ứng còn chậm, đã ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác chi trả DVMTR.
Ông Nguyễn Văn Bằng – Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng: Tổng số tiền DVMTR thu được 2.542 tỷ đồng (trung bình 230 tỷ đồng/năm).Diện tích rừng cung ứng được chi trả tiền DVMTR hằng năm ước đạt 400 nghìn héc ta, chiếm hơn 73% tổng diện tích rừng toàn tỉnh. Đơn giá chi trả 450 – 750 nghìn đồng/ha/năm.
Tại Lâm Đồng, đối tượng được chi trả chủ yếu gồm các chủ rừng là tổ chức nhà nước gồm công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ, Vườn quốc gia. Hiện 26 đơn vị chủ rừng nhà nước có diện tích được chi trả chiếm hơn 90% tổng diện tích chi trả hằng năm và 95% diện tích này các chủ rừng ký hợp đồng khoán BVR trực tiếp đến hơn 15 nghìn hộ/năm (70% là đồng bào dân tộc thiểu số). Bình quân mỗi hộ được nhận khoán BVR diện tích 25-30ha, thu nhập mỗi hộ từ 12-18 triệu đồng/ năm.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đắk Nông: Tổng số tiền DVMTR mà Đắc Nông đã giải ngân cho các chủ rừng tham gia cung ứng DVMTR giai đoạn 2012 - 2022 hơn 639 tỷ đồng (trung bình khoảng 694 nghìn đồng/ha rừng quy đổi).
Số tiền trên đã góp phần cải thiện sinh kế, giúp người dân yên tâm gắn bó với rừng và hỗ trợ các đơn vị chủ rừng là tổ chức, nhất là các công ty lâm nghiệp có kinh phí phục vụ công tác quản lý BVR trong bối cảnh Chính phủ chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên, cộng đồng dân cư thôn tại các địa phương đã có thêm nguồn tài chính để đóng góp vào các chương trình phát triển hạ tầng nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới và thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các ban quản lý rừng.
Ông Huỳnh Văn Mạnh – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Phú Yên: Tổng diện tích rừng trong các lưu vực được chi trả DVMTR toàn tỉnh Phú Yên tăng lên hằng năm, theo thống kê đến cuối năm 2021 là 88.382ha.
Để tháo gỡ vướng mắc, Phú Yên kiến nghị Bộ NN&PTNT điều phối nguồn tiền DVMTR đối với các quỹ tỉnh có lưu vực DVMTR liên tỉnh có nguồn thu hằng năm thấp, rất khó khăn trong tổ chức hoạt động. Đối với các đơn vị thực hiện TRTT, sau khi thi công đầy đủ các hạng mục như trồng rừng, chăm sóc rừng và bảo vệ rừng, kiến nghị Bộ NN&PTNT hướng dẫn cấp thẩm quyền quyết toán công trình TRTT.